Một tên lửa đã rơi xuống làng Przewodow hôm 15/11 gây ra vụ nổ khiến 2 công dân của Ba Lan thiệt mạng. Przewodow cách biên giới Ukraine chỉ khoảng 6km. Vụ nổ xảy ra trùng thời điểm Nga tiến hành đợt tập kích diện rộng vào hàng loạt mục tiêu hạ tầng năng lượng và sở chỉ huy quân sự trên khắp Ukraine.
Thế giới lo lắng sau khi thông tin về quả tên lửa đi lạc được công bố. Theo Wall Street Journal, vụ việc đã gây ra một khoảnh khắc đầy kịch tính trong khi các bên tìm kiếm các manh mối để xác định liệu đây có phải là quả tên lửa của Nga phóng xuống Ba Lan, một quốc gia NATO hay không.
Ngay sau vụ việc, Ba Lan đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của hội đồng an ninh quốc gia. Ba Lan cũng đặt quân đội trong tình trạng báo động cao. Trong thông báo ban đầu, Ba Lan nói rằng, tên lửa rơi xuống làng Przewodow là "do Nga sản xuất". Đại sứ Nga tại Warsaw cũng được Bộ Ngoại giao Ba Lan triệu tập để yêu cầu làm rõ vụ việc.
Nga sau đó đã lên tiếng bác bỏ có liên quan. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, quân đội nước này không thực hiện bất cứ vụ tập kích nào vào các mục tiêu gần biên giới Ukraine - Ba Lan.
Giữa lúc Ba Lan và một số thành viên NATO chủ chốt, bao gồm cả Mỹ tỏ ra thận trọng trước vụ việc, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, NATO cần hành động để "đáp trả vụ tấn công nhằm vào an ninh tập thể của liên minh".
"Tấn công vào lãnh thổ NATO bằng tên lửa... Đây là một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào an ninh tập thể NATO. Đây là một sự leo thang thực sự đáng kể. NATO cần hành động", nhà lãnh đạo Ukraine kêu gọi.
Tuy nhiên, sau đó, Mỹ, Ba Lan lần lượt lên tiếng về vụ việc. Quan chức của các nước này nhận định, hỏa lực đi lạc là tên lửa S-300 do lực lượng phòng không Ukraine phóng đi. Ba Lan cho rằng Ukraine khai hỏa chỉ nhằm mục đích tự vệ, do vậy Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng. Tuy nhiên, Ukraine vẫn bác bỏ cáo buộc và đề nghị mở cuộc điều tra chung.
Những gì xảy ra trong những ngày sau đó chính là NATO và Ukraine đưa ra những tuyên bố ngược nhau về bên đã phóng ra quả tên lửa. Mỹ đã cho rằng đây là hỏa lực của Ukraine dựa vào các dữ liệu tình báo. Mỹ đã nhanh chóng chia sẻ nhận định của họ tới Ba Lan và Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lên tiếng công khai rằng, Washington không tin Nga bắn tên lửa vào Ba Lan.
Ngay cả khi Ba Lan xác nhận đó là tên lửa của Ukraine, Kiev vẫn không chấp nhận điều này. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi NATO có phản ứng cứng rắn với Nga. Ông kêu gọi NATO họp thượng đỉnh ngay lập tức và đề nghị khối liên minh cấp tiêm kích F-15 và F-16 cũng như các lá chắn phòng không.
Theo Wall Street Journal, việc Ukraine không chấp nhận cáo buộc tên lửa của họ rơi xuống Ba Lan và "tố" Nga có liên quan được xem là một trong những bất đồng công khai rõ ràng nhất giữa Ukraine và NATO kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ cuối tháng 2.
Những diễn biến trong vài tháng qua cho thấy NATO đã có những động thái rất quyết liệt với Nga. Ví dụ, ban đầu NATO chần chừ trong việc chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine, nhưng sau vài tháng, họ đã ồ ạt chuyển cho Kiev các vũ khí quan trọng. Ukraine có thể cho rằng, sự việc ở Ba Lan là "giọt nước tràn ly" khiến NATO quyết định gia tăng các nỗ lực đối phó Nga. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh NATO dường như vẫn thận trọng trước khả năng bùng phát có thể xung đột trực tiếp với Moscow.
Phản ứng của Ukraine cũng phản ánh một quan điểm từ trước tới nay của Kiev rằng, bằng việc bảo vệ chính mình trước Nga, họ đang bảo vệ sườn đông của NATO, dù khối liên minh đang cố không bị kéo sâu hơn vào cuộc chiến.
Ngoại trưởng Kuleba đã kêu gọi NATO và Kiev nên cùng bảo vệ sườn đông của liên minh sau vụ việc, dường như ám chỉ phương án NATO có thể cân nhắc lại quan điểm thận trọng từ trước tới nay.
Theo Wall Street Journal, kêu gọi của Ukraine được xem có thể hiểu được vì họ đã phải đối mặt với các vụ tập kích ồ ạt từ Nga trong hơn một tháng. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ và châu Âu đã đặt ra câu hỏi rằng liệu Ukraine có đang nhìn nhận cuộc khủng hoảng này là lý do để kéo NATO sâu hơn vào cuộc chiến hay không.
Mỹ hiện có 40.000 quân đồn trú ở Ba Lan và nguy cơ xảy ra các sự cố và tai nạn có thể đẩy căng thẳng leo thang dồn dập một cách nhanh chóng.
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh của Nga, cũng cáo buộc Ukraine đang tìm cớ để kéo các nước NATO vào cuộc xung đột với Nga, thông qua sự cố tên lửa ở Ba Lan.
Ukraine trước đó dường như không hài lòng khi một số quan chức Mỹ kêu gọi Kiev bắt đầu cân nhắc về các điều khoản để đàm phán hòa bình với Nga.
Một số chính trị gia phương Tây gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã liên tục kêu gọi Nga và Ukraine đàm phán trực tiếp. Reuters dẫn nguồn thạo tin cho hay, Mỹ dường như đang âm thầm thúc giục Ukraine theo đuổi một giải pháp hòa bình với Nga.
Theo AP, quan điểm của một số chính trị gia phương Tây là Ukraine đang giành được lợi thế trong chiến dịch phản công khi giành lại được nhiều khu vực trong thời gian qua và đây có thể là yếu tố giúp họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên bàn đàm phán.
Trước đó, Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho hay, trong cuộc gặp tháng trước với Tổng thống Zelensky, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã đề nghị nhà lãnh đạo này xem xét các vấn đề "thực tế" trong các cuộc đàm phán với Nga.
"Hai nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết cố vấn Mỹ cho rằng, nhóm đàm phán của chính quyền Tổng thống Zelensky nên suy nghĩ về các yêu cầu thực tế và ưu tiên trong các cuộc đàm phán, bao gồm cả việc xem xét lại mục tiêu đã nêu là giành lại quyền kiểm soát Crimea", tờ báo trên cho hay.
Tuy nhiên, vào cuối tháng trước, Mykhailo Podolyak, cố vấn của Văn phòng Tổng thống Ukraine, đã bác bỏ tín hiệu sẵn sàng đàm phán của Nga, coi đó là toan tính của Moscow nhằm gây ảnh hưởng tới sự ủng hộ từ các đối tác dành cho Ukraine.
Sự kiên quyết của Ukraine đặt một số đối tác phương Tây vào thế khó trong bối cảnh kho vũ khí ở nhiều quốc gia đã cạn kiệt. Khủng hoảng kinh tế, lạm phát do nguồn cung năng lượng gián đoạn ở châu Âu do cuộc xung đột khiến cho một số nước EU quan ngại về khả năng duy trì viện trợ cho Ukraine trong một thời gian dài khi chiến sự chưa có dấu hiệu khép lại.
New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên của NATO ngày 26/11 cho hay, kho dự trữ vũ khí của ít nhất 20 trong số 30 quốc gia thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu "gần như bằng 0". "Các nước nhỏ hơn không còn khả năng viện trợ vũ khí", nguồn tin cho hay. Nhiều chuyên gia dự đoán, nếu xung đột Nga - Ukraine tiếp tục giằng co và kéo dài, các nước phương Tây sẽ không thể duy trì quy mô và tốc độ viện trợ như hiện nay.
Sau vụ tên lửa rơi tại Ba Lan, mới đây, đến lượt Moldova cho biết mảnh vỡ tên lửa từ xung đột tại Ukraine đã rơi xuống nước này, nhưng không gây thiệt hại về người. Vụ mảnh vỡ tên lửa đi lạc xuống Ba Lan và Moldova cho thấy ranh giới mong manh có thể kéo NATO vào cuộc chiến bất cứ lúc nào.
Nếu đó thực sự là tên lửa của Nga, Ba Lan có thể sẽ cân nhắc kích hoạt Điều 4 hoặc Điều 5 của Hiến chương NATO. Điều này có khả năng rất cao sẽ khiến xung đột ở Ukraine lan rộng sang nước láng giềng và NATO có thể bị cuốn vào.
Điều 4 của Hiến chương NATO nói rằng, theo ý kiến của bất kỳ quốc gia thành viên nào, liên minh này sẽ cùng nhau tham vấn mỗi khi sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập chính trị hoặc an ninh chính trị của một thành viên bị đe dọa. Trong khi đó, Điều 5 nêu rõ, các bên tham gia hiệp ước NATO nhất trí rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều quốc gia thành viên trong số họ ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ bị coi là tấn công chống lại tất cả khối NATO.
Nhưng đây không phải là lần duy nhất mà NATO có thể có nguy cơ bị kéo can dự trực tiếp vào chiến sự Nga - Ukraine.
Theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, chỉ cần bất cứ một sai sót nào, mọi thứ có thể diễn biến theo chiều hướng rất tồi tệ và bùng phát thành một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga.
Gần đây nhất, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc cáo buộc, máy bay không người lái (UAV) được cho là của Ukraine đã tấn công 2 căn cứ không quân của Nga hôm 5/12 dựa vào hệ thống định vị GPS của Mỹ.
Ông James Stavridis, cựu tư lệnh các lực lượng NATO ở châu Âu, Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, nhận định rằng việc Ukraine được cho là tập kích các sân bay nằm sâu trong lãnh thổ Nga có thể đánh dấu một bước ngoặt mới. Theo ông, trong tương lai, Ukraine có thể sẽ thực hiện một nỗ lực khác, chỉ nhắm đến các cơ sở quân sự.
Trước đó, Nga cũng nhiều lần chỉ trích Mỹ và đồng minh cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại Nga. Moscow cũng cảnh báo về viễn cảnh xung đột hạt nhân hay Thế chiến III khi mọi việc leo thang không thể kiểm soát.
Tháng trước, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho rằng, phương Tây đang thúc giục Ukraine đàm phán với Moscow vì lo kịch bản xung đột bùng phát thành một chiến tranh thế giới mới.
Theo chuyên trang quân sự War on The Rock, kịch bản Mỹ tham gia trực tiếp vào chiến sự ở Ukraine khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, cựu giám đốc CIA David Petraeus hồi tháng 10 nhận định, vẫn có khả năng xảy ra kịch bản Mỹ và đồng minh có thể gửi lực lượng tới tham gia vào cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng không với danh nghĩa lực lượng của khối NATO.
Ông Petraeus nói, Mỹ có thể thiết lập một lực lượng liên minh các nước sẵn sàng tham gia để đưa tới Ukraine, thay vì từ NATO.
Cựu quan chức trên cho hay, kịch bản Mỹ can dự trực tiếp vào Ukraine có thể xảy ra nếu Nga thực hiện một số hành động "quá sốc và quá nghiêm trọng" tới mức Washington và các nước đồng minh quyết định phải có biện pháp đáp trả.
Theo ông Petraeus, NATO vẫn đang bị ràng buộc bởi hiến chương và chỉ can thiệp vào cuộc xung đột Ukraine nếu điều 5 được kích hoạt, tức là một trong các nước thành viên bị tấn công.
Ông Petraeus cũng cho rằng, Moscow không muốn cuộc khủng hoảng leo thang và biến thành một cuộc chiến quy mô toàn cầu. "Một cuộc xung đột quy mô rộng hơn là điều cuối cùng mà Tổng thống Nga Vladimir Putin cần vào lúc này", ông nói.
Trước đó, ông Petraeus từng phỏng đoán rằng, nếu Moscow sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine, Mỹ có thể can dự trực tiếp và nhằm mục tiêu vào lực lượng Nga ở Ukraine cũng như Hạm đội Biển Đen của Nga.
Nếu kịch bản Ukraine tấn công vào sâu lãnh thổ Nga xảy ra, Moscow có thể cân nhắc tới phương án đáp trả bằng vũ khí tối tân hàng đầu trong kho khí tài. Diễn biến này có thể làm leo thang tình hình nhanh chóng và có thể kéo NATO vào cuộc chiến sâu hơn.
Mặc dù vậy, theo The Conversation, Nga và NATO đang răn đe nhau một cách hiệu quả ở một mức độ nào đó. NATO dù đã cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine, nhưng nhiều lần không chấp nhận đề xuất của Kiev nhằm lập vùng cấm bay, hay chuyển vũ khí có tầm tấn công xa hơn.
Wall Street Journal dẫn nguồn thạo tin cho biết, phiên bản hệ thống hỏa lực phóng loạt HIMARS mà Washington viện trợ cho Ukraine đã được chỉnh sửa để làm giảm bớt uy lực tác chiến của tổ hợp. Đây không phải là tổ hợp duy nhất mà Mỹ chỉnh sửa trước khi gửi cho Ukraine, vì họ lo ngại vũ khí này có thể bị dùng để tấn công vào lãnh thổ Nga, khiến tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát.
Cả Nga và Mỹ đều hiểu và công khai thừa nhận rằng, một cuộc chiến hạt nhân sẽ không có bên nào thắng và sẽ gây ra thảm họa cho toàn thế giới. Chính vì vậy, họ luôn hành động một cách cẩn trọng trước những nguy cơ có thể đẩy căng thẳng leo thang dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp giữa các siêu cường quân sự.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nato-di-tren-day-giua-ranh-gioi-mong-manh-bi-keo-vao-xung-dot-nga-ukraine-a196760.html