Nhóm tác giả Nguyễn Đức Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp và Trần Thị Thu Hà, giảng viên Luật Hành chính – Nhà nước, Trường Đại học Luật TP.HCM, đã đề xuất mô hình thị trưởng cho TP.HCM, được đưa ra tại hội thảo khoa học "Pháp luật về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM", do trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức ngày 14/12/2022.
Theo bà Trần Thị Thu Hà, mô hình thị trưởng đề xuất cho TP.HCM không phải là sự sao chép máy móc, rập khuôn mô hình thị trưởng ở nước ngoài.
Trong mô hình thị trưởng, trụ sở UBND TP.HCM nên được đổi tên thành Toà Thị chính, do Thị trưởng đứng đầu và có quyền quyết định các chức danh cấp phó và bộ máy tham mưu, giúp việc.
Chức năng chủ yếu của Toà Thị chính là quản lý địa phương, thi hành văn bản của Hội đồng nhân dân, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân thông qua cơ chế bãi miễn. Thị trưởng cũng có trách nhiệm trong điều phối việc cung cấp dịch vụ công về giao thông, nhà ở, việc làm...
“Nếu theo đuổi mô hình này, lộ trình phải khá kỹ lưỡng như có cơ chế kiểm soát quyền lực trực tiếp thông qua dân bầu và bãi miễn”, bà Hà nhấn mạnh.
Lý giải cho việc cần đổi mô hình cho TP.HCM, bà Hà cho rằng hiện nay cơ cấu tổ chức và hoạt động của UBND TP.HCM trong mô hình chính quyền đô thị không đáp ứng đòi hỏi quản lý một đô thị thực sự, mà chỉ là chính quyền địa phương ở đô thị.
Tại nhiều đô thị lớn trên thế giới như Bắc Kinh (Trung Quốc), Berlin (Đức), New York (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc)... mô hình thị trưởng được áp dụng thành công, theo dẫn chứng của ThS Nguyễn Thanh Quyên và ThS Huỳnh Thị Hồng Nhiên, Khoa Hành chính - Nhà nước, trường Đại học Luật TP.HCM.
Cụ thể, tại Bắc Kinh (Trung Quốc) đang thực hiện mô hình đại hội nhân dân - thị trưởng. Chính quyền thành phố gồm thị trưởng, các phó thị trưởng, tổng thư ký và giám đốc các sở, ban, ngành. Chính quyền quận gồm Chủ tịch, phó chủ tịch, chủ nhiệm các uỷ ban và các giám đốc của phòng, ban. Các thành viên của chính quyền thành phố được đại hội nhân dân (là đại biểu do cử tri bầu cử trực tiếp) bổ nhiệm, nhiệm kỳ 5 năm.
Thời gian qua, TP.HCM thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhưng khi thực hiện có nhiều nội dung mới chỉ dừng lại ở quy định chung, không có hướng dẫn cụ thể, theo bà Phạm Thị Phương Thảo, Trường Đại học Luật TP.HCM.
“Trung ương đã thiết lập khung quyền lực Nhà nước cho chính quyền đô thị tại TP.HCM nhưng không đồng bộ, thống nhất, toàn diện. Điều này đã dẫn đến sự lúng túng cho chính quyền đô thị tại thành phố khi triển khai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình”, bà Thảo nói.
Do đó, bà Thảo kiến nghị cần hoàn thiện các quy định pháp luật về tổ chức quyền lực Nhà nước của chính quyền đô thị tại TP.HCM.
Tại hội thảo, các diễn giả cũng cho rằng mô hình người đứng đầu đô thị chịu trách nhiệm quản lý đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tế. Cần nghiên cứu mở rộng thẩm quyền cho người đứng đầu, bao quát toàn diện các lĩnh vực của đô thị. Đi kèm với thẩm quyền là trách nhiệm lớn và mọi sai sót trong chất lượng dịch vụ công đều quy trách nhiệm về người đứng đầu.
Thực hiện theo Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội, bắt đầu từ ngày 01/7/2021, TP.HCM áp dụng mô hình chính quyền đô thị. Sau hơn 1 năm thực hiện, dù có những kết quả nhất định nhưng các địa phương cũng gặp không ít khó khăn và kiến nghị sửa đổi một số quy định trong nghị quyết này.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/de-xuat-mo-hinh-thi-truong-cho-tphcm-a196781.html