Cách đây 50 năm, bà Vân (73 tuổi) cùng 40 công nhân thuộc Công ty Cổ phần Cơ khí Xây dựng Số 5 cùng gia đình đến khu tập thể Cơ khí số 5 (tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) sinh sống, với hy vọng đây sẽ là chốn an cư lạc nghiệp.
Mòn mỏi vì dự án treo
Tuy nhiên, nửa thế kỷ trôi qua, hy vọng của bà Vân và các công nhân vẫn chưa thành hiện thực. Bởi năm 2008, khu tập thể Cơ khí số 5 được quy hoạch thuộc phạm vi dự án Cụm trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề Tây Mỗ, song đến nay, phần dự án tại khu vực này vẫn “đắp chiếu”.
Liên quan đến dự án treo xuyên thế kỷ này, UBND TP Hà Nội đã nhiều lần có công văn trả lời kiến nghị của cử tri, song mọi thứ vẫn chỉ dừng lại ở mức “các sở, ngành đang phối với các phòng, ban chuyên môn của quận Nam Từ Liêm để rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh”.
Các dự án chờ “điều chỉnh” kéo dài cả chục năm trên địa bàn TP Hà Nội hiện không hiếm. Theo thống kê sơ bộ, toàn thành phố hiện có hơn 400 dự án, trong số này có dự án đã thu hồi đất một phần hoặc hoàn thành thu hồi đất nhưng quây rào cho cỏ mọc hoang.
Chỉ riêng khu vực huyện Mê Linh hiện có hơn 40 dự án bất động sản thu hồi đất nhiều năm nhưng vướng quy hoạch, chưa điều chỉnh được quy hoạch, nên để đất hoang hóa.
Một trong những dự án chậm tiến độ tiêu tốn nhiều giấy mực của báo chí những năm qua tại Hà Nội là dự án dự án Khu nhà ở Văn La - Văn Khê, diện tích 12ha, tổng vốn 1.300 tỷ đồng, nằm ở trung tâm quận Hà Đông do Công ty Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư.
Theo tìm hiểu, dự án được giao đất vào năm 2008, quy hoạch như khu dân cư, khu chung cư cao tầng, khu biệt thự cao cấp và dự kiến hoàn thành năm 2009, nhưng đến nay, sau hơn 10 năm, khu "đất vàng" vẫn chỉ là bãi đất trống hoang hóa, trông giữ xe không giấy phép.
Không chỉ tại Hà Nội, TP.HCM cũng đang là điểm nóng của các dự án “treo”. Báo cáo của HĐND TP.HCM cho biết từ năm 2016 đến nay, thành phố đã hoàn thành 451 dự án, đang triển khai thực hiện 718 dự án, trong đó có 357 dự án chậm triển khai, đã hủy 169 dự án, còn lại đang xem xét.
Nan giải tìm “thuốc đặc trị”
Tại Kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa X vừa diễn ra, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết tính từ đầu năm 2022 đến ngày 31/10, thành phố cấp được 21.218 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số dự án có vướng mắc về pháp lý cần tháo gỡ.
Vướng mắc về pháp lý cũng chính là một trong những điểm nghẽn lớn nhất gây ra tình trạng dự án chậm tiến độ, treo xuyên thập kỷ, xuyên thế kỷ.
Điển hình như tại huyện Bình Chánh hiện có 323 dự án chậm triển khai. Có những dự án không giao đất được do đất công, các sở ngành chưa xác định mục đích sử dụng nên kéo dài 5 - 10 năm, thậm chí vài chục năm.
Bà Lê Thị Kim Thúy, đại biểu HĐND (quận Bình Chánh), dẫn chứng tại dự án Chung cư Thanh niên (phường 14, quận Tân Bình) nhiều năm qua, người dân níu hỏi từng cán bộ để mong có câu trả lời thoả đáng nhưng cũng không được. Các đơn vị chỉ trả lời các dự án phê duyệt từ năm nào, sau đó có ý kiến của lãnh đạo địa phương mời họp giải quyết nhưng cũng không đi đến đâu.
Việc giải quyết văn bản cũng rất chậm, nhanh nhất là 2 năm, có văn bản được đề từ năm 2008 nhưng đến năm 2019 mới được các sở, ngành lập ra để trả lời cho người dân. Điều này làm người dân bức xúc.
Qua đó, bà Thúy kiến nghị các sở, ngành liên quan phụ trách các dự án kéo dài thành lập tổ công tác, phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ phụ trách, giải quyết dứt điểm để các dự án này không còn là "điểm nóng" ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Các phân tích của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng chỉ ra vướng mắc về pháp lý là vướng mắc lớn nhất với doanh nghiệp bất động sản hiện nay, chiếm tới 70% khó khăn của các dự án trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh.
Nguyên nhân, theo HoREA, là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thống nhất, việc giải quyết vướng mắc pháp lý cần nhiều thời gian. Trung bình các dự án bất động sản, nhà ở thương mại sẽ mất khoảng 3-5 năm để giải quyết các thủ tục hành chính.
Trước những diễn biến thực tế, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại khâu cán bộ thuộc bộ máy tham mưu, quản lý. Cần có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý, phê duyệt quy hoạch dự án, tránh cơ chế xin - cho dẫn đến tình trạng dự án chậm, không cần thiết nhưng liên tục được nới thời hạn.
Đồng thời, cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch xây dựng, đầu tư xây dựng. Tăng cường hướng dẫn, đôn đốc tại các địa phương để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm; xử lý các cán bộ sai phạm.
“Để không còn các dự án treo, cần cụ thể hóa những tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, nhất là tiêu chí về chứng minh năng lực của doanh nghiệp cần thực chất, không hình thức như hiện nay để từ đó lựa chọn được các chủ đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án”, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhấn mạnh.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cach-nao-pha-bang-nghin-ty-tu-du-an-treo-a197018.html