Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều nghị định 65 năm 2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế.
Theo đó, nội dung đáng chú ý nhất trong bản dự thảo là việc đề xuất cho phép các trái phiếu đã phát hành (còn dư nợ) được gia hạn thêm thời gian tối đa là 2 năm nếu được 65% trái chủ đồng ý.
Đề xuất này được cho là giải pháp tích cực hỗ trợ cho thị trường vốn trong ngắn hạn, khi mà các doanh nghiệp gặp khó trong việc thanh toán nợ trái phiếu vẫn đang thực hiện đàm phán để giãn nợ.
Không chỉ các doanh nghiệp, việc giãn nợ trái phiếu còn mang lại một số lợi ích cho các ngân hàng – những trái chủ lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVCS), có thể tạm hiểu rằng việc giãn nợ trái phiếu cho phép cả ngân hàng cũng có thể giãn thời gian thanh toán mà không làm chuyển nhóm nợ.
Điều này đồng nghĩa rằng các ngân hàng không phải lo lắng về việc trích lập dự phòng cho các lô trái phiếu có rủi ro không thể thanh toán khi đáo hạn, hay khả năng hình thành nợ xấu từ trái phiếu doanh nghiệp.
Như VietTimes từng đề cập, dữ liệu thống kê của FiinGroup cho biết, quy mô danh mục trái phiếu doanh nghiệp (phi ngân hàng) do ngân hàng nắm giữ hiện đạt 284.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 2,47% trên tổng tài sản sinh lời tại thời điểm 30/6/2022.
Trong bối cảnh NHNN tiếp tục nâng lãi suất điều hành và nhiều thông tin bất lợi trên thị trường, FiinGroup cho rằng danh mục trái phiếu của một số ngân hàng sẽ tiếp tục ghi nhận lỗ chưa thực hiện trong quý cuối năm 2022.
Dù vậy, nhóm phân tích nhận định trong ngắn hạn, tác động trực tiếp của trái phiếu sang chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ ở mức thấp. Đây cũng không phải vấn đề lớn nếu ngân hàng có trích lập dự phòng đầy đủ./.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/sua-doi-nghi-dinh-65-gian-no-trai-phieu-thi-sao-a197475.html