Cụ thể, ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Nam Việt đã không mua cổ phiếu nào trong tổng đăng ký mua vào 2 triệu cổ phiếu, thời gian đăng ký giao dịch từ ngày 21/11 đến ngày 20/12. Như vậy, với việc không mua vào, ông Doãn Tới vẫn đang sở hữu 56,3% vốn điều lệ tại Nam Việt.
Lý do được vị Tổng giám đốc, đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất không mua vào do diễn biến thị trường không thuận lợi.
Được biết, từ ngày 17/6 đến ngày 15/11, cổ phiếu ANV giảm 73,8% từ 61.560 đồng về 16.100 đồng/cổ phiếu và sau đó hồi phục, tính tới ngày 19/12, cổ phiếu ANV đang giao dịch vùng 25.550 đồng/cổ phiếu, tức cao hơn 58,7% so với đáy ngày 15/11 và đồng thời vẫn giảm 58,5% so với đỉnh ngày 17/6.
Trước đó, từ ngày 15/7 đến 9/8, ông Đỗ Lập Nghiệp, Chủ tịch HĐQT bán ra 450.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 469.000 cổ phiếu (0,37% vốn điều lệ) về 19.000 cổ phiếu (0,01% vốn điều lệ).
Thêm nữa, từ ngày 23/9 đến ngày 18/10, ông Doãn Chí Thiên, con trai ông Doãn Tới đã bán 4,99 triệu cổ phiếu ANV để giảm sở hữu từ 6,88% về còn 3,1% vốn điều lệ.
Ở một diễn biến khác, Nam Việt vừa thông qua kế hoạch phát hành 6 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động, tương ứng tỷ lệ phát hành 4,71% tổng lượng cổ phiếu đang lưu hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Toàn bộ số cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ thời điểm phát hành và dự kiến sẽ thực hiện không quá 45 ngày kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ tài liệu báo cáo.
Theo tìm hiểu, CTCP Nam Việt tiền thân là Công ty TNHH Nam Việt được thành lập vào năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu là 27 tỷ đồng và chức năng kinh doanh chính là xây dựng dân dụng và công nghiệp. Năm 2000, Công ty quyết định đầu tư mở rộng phạm vi kinh doanh sang lĩnh vực chế biến thủy sản, khởi đầu là việc xây dựng Xí nghiệp đông lạnh thuỷ sản Mỹ Quý với tổng vốn đầu tư là 30,8 tỷ đồng, chuyên chế biến xuất khẩu cá tra, cá basa đông lạnh. Hiện tại, doanh số của công ty chủ yếu từ xuất khẩu cá tra.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý III/2022, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 1.238,68 tỷ đồng, tăng 88,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 119,9 tỷ đồng so với cùng kỳ ghi nhận lỗ 13,17 tỷ đồng. Trong đó, biên lợi nhuận gộp tăng kỷ lục từ 10,5% lên 23,2%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Nam Việt ghi nhận doanh thu đạt 3.752,4 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 567,22 tỷ đồng, tăng 662,7% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, Nam Việt đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.900 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.000 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty mới hoàn thành 56,7% kế hoạch năm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 11/2022, tăng trưởng xuất khẩu thuỷ sản rơi xuống mức âm lần đầu tiên kể từ đầu năm, tương ứng giảm trên 14% so với cùng kỳ năm trước và chỉ đạt 780 triệu USD.
Trong đó, mức giảm chủ yếu do xuất khẩu tôm, cá tra, cá ngừ đều giảm mạnh từ 20% đến 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mực, bạch tuộc và các loại cá biển xuất khẩu vẫn giữ được tăng trưởng dương lần lượt là 9% và 6% so với cùng kỳ.
Luỹ kế trong 11 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam tăng 28% so với cùng kỳ lên 10,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cá tra tăng 63% so với cùng kỳ, đạt 2,3 tỷ USD; xuất khẩu tôm tăng 14%, đạt 4 tỷ USD; xuất khẩu cá ngừ tăng 40%, đạt 941 triệu USD; và xuất khẩu mực, bạch tuộc tăng 30%, đạt 704 triệu USD.
VASEP cho biết thêm giai đoạn nửa cuối năm tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại, nhu cầu thị trường tụt dốc, thể hiện rõ rệt nhất ở kết quả xuất khẩu trong quý IV. Trong tháng 10, xuất khẩu thuỷ sản chỉ tăng 2% so với cùng kỳ, sang tháng 11/2022 thấp hơn bắt đầu giảm 14%.
Dự báo, tháng 12, xuất khẩu thuỷ sản sẽ giảm sâu hơn nữa và đà sụt giảm kéo dài sang năm 2023. Lạm phát ảnh hưởng nặng nề đến các thị trường nhập khẩu, khiến nhu cầu mua hàng cho giai đoạn quý I năm tới gần như đình trệ. Nhiều doanh nghiệp thuỷ sản cho biết, đơn hàng sụt giảm mạnh không chỉ đối với các mặt hàng giá cao như tôm sú, tôm chân trắng cỡ lớn, hải sản cao cấp như mực, bạch tuộc, cá ngừ…, mà cả các sản phẩm có giá vừa phải như tôm cỡ nhỏ, cá tra, cá biển nhỏ, chả cá, surimi…cũng đều bị giảm đáng kể nhu cầu cho quý tới.
Trong khi đó, theo SSI Research dự báo đối với năm 2023, mức giá xuất khẩu cá tra sẽ giảm từ mức bình quân 4,2 USD/kg trong tháng 10/2022 sang 4 USD/kg.
Thêm nữa, Công ty Chứng khoán Funan nhận định, xuất khẩu cá tra dự kiến hạ nhiệt trong những tháng cuối năm do tác động tiêu cực từ lạm phát.
Hiện tại, đang có ba nguyên nhân tác động tiêu cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản trong năm 2023 bao gồm biến động tỷ giá, nguồn vốn thắt chặt; kinh tế thế giới suy thoái, lạm phát tăng làm giảm nhu cầu dẫn đến tồn kho tăng; và cuối cùng là cạnh tranh ngày một gay gắt hơn từ những đối thủ có chi phí thấp và giá bán rẻ như Ecuador, Ấn Độ.
Có thể sau đầu năm 2022 tương đối thành công, nhu cầu cao và giá bán cao, nhưng giai đoạn cuối năm lại có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và đặc biệt, bước sang năm 2023, dự báo sẽ còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp thuỷ sản.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ong-doan-toi-khong-mua-vao-co-phieu-nao-trong-tong-dang-ky-2-trieu-co-phieu-anv-a197925.html