Cáo buộc tham nhũng liên quan tới Qatar khiến EU thêm 'đau đầu' về khí đốt

Khi EU đang gặp khó khăn do hạn chế nhập khẩu khí đốt của Nga, cuộc khủng hoảng tham nhũng tại Nghị viện châu Âu cho thấy châu lục này sẽ gặp thách thức hơn nữa trong mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Nghị sĩ Nghị viện châu Âu của Hy Lạp Eva Kaili (trái) là một trong bốn người bị buộc tội tham nhũng 1,5 triệu euro tiền mặt. Ảnh: Euractiv

Nghị sĩ Nghị viện châu Âu của Hy Lạp Eva Kaili (trái) là một trong bốn người bị buộc tội tham nhũng 1,5 triệu euro tiền mặt. Ảnh: Euractiv

Theo trang tin Politico.eu ngày 19/12, cáo buộc tham nhũng liên quan tới Qatar tại Nghị viện châu Âu đã xảy ra vào thời điểm các nước EU thiếu khí đốt đang rơi vào tình huống khó xử, đặc biệt là đối với Đức.

Quốc gia vùng Vịnh này hiện là trung tâm của các cáo buộc hối lộ để lấy ảnh hưởng của EU. Nhưng với tư cách là nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn, Qatar cũng rất quan trọng đối với các kế hoạch của châu Âu nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.

Tầm quan trọng của Qatar với tư cách là một nguồn cung cấp khí đốt lớn sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng tới, làm phức tạp thêm chương trình ngoại giao của các nước EU, nếu chính quyền Bỉ chính thức buộc tội Doha trong cuộc điều tra tham nhũng đang diễn ra của họ. Đặc biệt đối với Đức, nước đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế Nga, vụ bê bối cho thấy rằng trong thế giới địa chính trị năng lượng, không có bất kỳ lựa chọn nào là dễ dàng.

Theo số liệu của Ủy ban châu Âu, tổng lượng nhập khẩu LNG từ Qatar chỉ chiếm dưới 5% lượng nhập khẩu khí đốt của EU từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, tầm quan trọng của Qatar đối với an ninh năng lượng của châu Âu sẽ tăng lên nhờ sự mở rộng quy mô lớn về năng lực sản xuất LNG của nước này, với hai dự án lớn sẽ hoàn thành vào năm 2026 và 2027.

Đức là nước đầu tiên "xếp hàng" để mua. Nước này là một trong những thành viên EU đang có nhu cầu rất cao trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt thay thế, vốn đã phụ thuộc vào Nga không dưới 55% nguồn cung trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra.

Tháng trước, các công ty Đức đã ký hợp đồng khí đốt 15 năm với QatarEnergy thuộc sở hữu nhà nước Qatar và công ty ConocoPhillips của Mỹ, nhằm đảm bảo cung cấp 2 triệu tấn LNG hàng năm bắt đầu từ 2026. Đó là năm diễn ra giai đoạn đầu tiên trong quá trình mở rộng công suất của Qatar trong dự án "North Field East".

Cinzia Bianco, nhà nghiên cứu về châu Âu và vùng Vịnh tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), cho biết: “Một số quốc gia EU - chẳng hạn như Italy - ngày càng quan tâm hơn đến LNG của Qatar, nhưng hầu hết trong số họ đã thảo luận về các thỏa thuận thị trường giao ngay nhằm cung cấp khí đốt ngay lập tức. Chỉ có Đức là quốc gia EU duy nhất đã ký một thỏa thuận năng lượng dài hạn quan trọng với Qatar”.

Thỏa thuận đó, trong khi tốt cho an ninh năng lượng, lại có nguy cơ trở thành cơn ác mộng về "đạo đức" đối với Berlin. Khi được hỏi sau cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU tại Brussels rằng "liệu có đúng đắn hay không về việc mua khí đốt từ Qatar trong khi Qatar 'mua' các nghị sĩ châu Âu”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết các vấn đề nên được coi là “hai lĩnh vực khác nhau”.

Ông Habeck nói: “Hối lộ là một tội hình sự. Thương mại với các quốc gia khác luôn phải được cân nhắc bởi những hậu quả đạo đức và vấn đề đảm bảo an ninh nguồn cung. Trong trường hợp này, với vấn đề mua khí đốt, châu Âu hoặc Đức có lợi ích trong việc bù đắp tổn thất khí đốt từ Nga. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta phải phân biệt giữa hai điều này”.

Nói cách khác, an ninh năng lượng hiện là quá quan trọng với châu Âu nên cần phải tách biệt với vụ bê bối tại Nghị viện châu Âu. Chính phủ Qatar trước đó đã phủ nhận mọi cáo buộc. Mới nhất vào ngày 18/12, Doha đã phản bác lại các cáo buộc và chỉ trích Brussels có hành động “phân biệt đối xử” đối với Qatar dựa trên thông tin “không chính xác”. Trong một tuyên bố được truyền thông đưa tin, một nhà ngoại giao Qatar nói rằng phản ứng của Nghị viện châu Âu đối với vụ bê bối có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ và nguồn cung cấp khí đốt.

Tuy nhiên, quan điểm trên của Bộ trưởng Habeck không nhận được sự đồng tình của tất cả mọi người. Nghị sĩ Nghị viện châu Âu Dennis Radtke thuộc đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Đức đã đặt câu hỏi về các hợp đồng khí đốt với quốc gia vùng Vịnh và yêu cầu xem xét lại những hợp đồng cung cấp khí đốt đó.

Vụ bê bối cũng có thể gây thêm áp lực lên liên minh cầm quyền của Đức, trong đó đảng Xanh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan khi phải tán thành các thỏa thuận về nguồn cung cấp nhiên liệu hóa thạch mới quan trọng cùng với việc xây dựng các cơ sở hạ tầng LNG để nhập khẩu chúng.

Khi được hỏi liệu Berlin có nên xem xét lại thỏa thuận của mình với Qatar hay không, Rasmus Andresen, người phát ngôn của đảng Xanh Đức tại Nghị viện châu Âu, trả lời: “Chúng tôi hiện đang xem xét mọi thứ liên quan đến Qatar tại Nghị viện châu Âu và những người khác cũng nên làm như vậy”.

Về phần mình, Nghị sĩ Nghị viện châu Âu và cũng là thành viên thuộc đảng Xanh của Đức Henrike Hahn cho biết khí đốt từ Qatar “không phải là giải pháp lâu dài” đối với an ninh năng lượng của Berlin nhưng “hiện tại ít tệ hơn so với Nga”.

Đức không phải là quốc gia EU duy nhất có quan hệ năng lượng sâu sắc với Qatar. Công ty năng lượng khổng lồ của Pháp TotalEnergies nắm giữ cổ phần đáng kể trong cả dự án phát triển LNG North Field East, được mô tả là dự án LNG lớn nhất thế giới và trong dự án liên quan, North Field South. Tập đoàn Eni của Italy cũng nắm giữ cổ phần tại North Field East.

Chuyên gia Bianco nhận định, nếu các nhà chức trách Bỉ công khai kết quả điều tra liên quan đến Qatar trong vụ bê bối tham nhũng ở Brussels, "các khiếu nại ngoại giao chính thức" từ các nước EU có thể sẽ xảy ra trong bối cảnh những liên kết năng lượng với Qatar phần lớn do các quốc gia thành viên EU nắm giữ. Vị chuyên gia này cũng dự đoán rằng vụ bê bối có thể có tác động trì hoãn mọi động thái hướng tới quan hệ đối tác năng lượng trong tương lai giữa EU và Qatar.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cao-buoc-tham-nhung-lien-quan-toi-qatar-khien-eu-them-dau-dau-ve-khi-dot-a197959.html