Chỉ tính đến cuối tháng 9.2022 theo báo cáo của Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn đang là 2.248 tỉ đồng, tăng 3% so với hồi đầu năm.
Bao gồm: Dự án Hoà Hải - Đà Nẵng gần 1.231 tỉ đồng, Dự án Văn La - Văn Khê gần 539 tỉ đồng; Dự án Tiến Xuân 156 tỉ đồng; Dự án KĐT Nam An Khánh mở rộng 109 tỉ đồng.
Trong khi đó, khoản mục hàng tồn kho Sudico ghi nhận 3.669 tỉ đồng, toàn bộ là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, chiếm chủ yếu tại Dự án KĐT Nam An Khánh với 3.597 tỉ đồng; dự án mở rộng khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo (Hòa Bình) 56 tỉ đồng.
Như vậy, các khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh tại các dự án của Sudico lên đến 5.917 tỉ đồng, tương đương 88% tổng tài sản Sudico đang bị chôn chân.
Đáng nói, trong số này có nhiều dự án dù đã triển khai xây dựng từ lâu nhưng đến nay, diện mạo toàn dự án vẫn còn dở dang, chưa đồng bộ về hạ tầng. Nổi bật nhất trong danh sách này là KĐT Nam An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), sau 10 năm triển khai vẫn dang dở, hàng loạt biệt thự vẫn bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Ngoài ra, tại Hà Nội, dự án KĐT Tiến Xuân (Thạch Thất) và khu nhà ở Văn La (Hà Đông) do Sudico làm chủ đầu tư cũng đang rơi vào tình trạng đắp chiếu.
Tương tự, báo cáo của Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng (Licogi) cũng đang ghi nhận khoản mục chi phí sản xuất kinh doanh dài hạn 1.169 tỉ đồng tại dự án KĐT Thịnh Liệt (Hà Nội), tương ứng chiếm đến 28% tổng tài sản doanh nghiệp (4.238 tỉ đồng).
Năm 2004, UBND TP.Hà Nội quyết định thu hồi khoảng 35ha đất tại các phường Tương Mai, Hoàng Văn Thụ, Thịnh Liệt thuộc quận Hoàng Mai và giao cho Công ty TNHH MTV Nhà ở và Đô thị Licogi - thuộc Licogi làm chủ đầu tư, để tổ chức điều tra, lập phương án giải phóng mặt bằng, chuẩn bị triển khai dự án KĐT mới Thịnh Liệt. Thế nhưng, sau gần 20 năm trôi qua, dự án vẫn là bãi đất trống cỏ dại mọc um tùm.
Bị chôn chân hàng nghìn tỉ đồng tại các dự án gây áp lực không nhỏ về tài chính cho cả Sudico lẫn Licogi. Theo đó, bức tranh tài chính của Licogi đang tồn tại nhiều điểm gợn, khi tính đến cuối quý III/2022, nợ phải trả Licogi đạt 3.711 tỉ đồng, cao gấp 7 lần vốn chủ doanh nghiệp, chiếm 88% nguồn vốn.
Đáng chú ý khi nợ vay hơn 1.800 tỉ đồng, nợ vay neo cao, là một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp mỗi tháng phải dành hơn 20 tỉ đồng cho chi phí lãi vay.
Ngay tại báo cáo tài chính đã soát xét 6 tháng đầu năm 2022, kiểm toán viên nhấn mạnh tại ngày 30.6.2022, lỗ lũy kế của Licogi là gần 600 tỉ đồng, tổng nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn.
“Khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính từ các chủ sở hữu, đối tác... cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tổng công ty”, kiểm toán viên nêu ý kiến.
Đối với Sudico, tổng nợ phải trả cũng xấp xỉ 4.307 tỉ đồng, chiếm 63% tổng nguồn vốn doanh nghiệp. Trong đó, nợ vay tài chính hơn 1.500 tỉ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 582 tỉ đồng, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm 48 tỉ đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nghin-ti-dong-cua-sudico-licogi-mac-ket-trong-dat-a198151.html