Kinh tế năm 2022 - 2023: Thị trường chứng khoán đối đầu sóng gió

Chứng khoán Việt Nam trải qua năm 2022 đầy “sóng gió”, nhưng giới phân tích, nhà quản lý vẫn tự tin cho rằng thị trường còn nhiều tiềm năng tăng trong trung và dài hạn do có những điểm tựa vững chắc.

Kinh tế năm 2022 - 2023: Thị trường chứng khoán đối đầu sóng gió
Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh tư liệu: Trần Việt/TTXVN

Một năm thăng trầm

Tiếp nối năm 2021 thăng hoa, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu năm 2022 với chỉ số VN-Index tăng 2% lên 1.528,6 điểm trong tuần đầu tiên của năm đạt mức cao nhất mọi thời đại. Ngay cả khi những rủi ro bên ngoài xuất hiện như tín hiệu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trụ vững và dao động trong vùng 1.450 - 1.550 điểm.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu thay đổi khi chủ tịch của một số tập đoàn lớn bị bắt vì tội thao túng thị trường chứng khoán cũng như vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Xu hướng giảm điểm của thị trường bắt đầu từ tháng 4; trong đó, đan xen những nhịp phục hồi vào tháng 5 và tháng 8 và cuối tháng 11 đến nay.

Tính đến ngày 30/11, chỉ số VN-Index đạt 1.048,42 điểm, giảm 30% so với cuối năm 2021. Thanh khoản thị trường cũng có xu hướng giảm liên tục trong giai đoạn này, với giá trị giao dịch bình quân giảm từ 26.299 tỷ đồng/phiên trong tháng 4 xuống còn 13.017 tỷ đồng/phiên trong tháng 11. Tính chung 11 tháng năm nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 20.556 tỷ đồng/phiên, giảm 22,7% so với bình quân năm 2021.

Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT nhìn nhận các vấn đề chính gây khó khăn cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022, đó là chính sách ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát thông qua việc tăng lãi suất, thắt chặt tín dụng đối với các phân khúc cho vay rủi ro cao, bao gồm đầu tư bất động sản, chứng khoán. Đặc biệt, kênh huy động vốn dài hạn là thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn do khủng hoảng niềm tin của nhà đầu tư sau sự cố tại Tập Tân Hoàng Minh và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Do đó, số lượng tài khoản chứng khoán mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước sụt giảm kể từ tháng 6. Trong tháng 11, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới 88.334 tài khoản và các tổ chức mở mới 145 tài khoản, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.

Tuy nhiên, lũy kế 11 tháng năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới gần 2,5 triệu tài khoản chứng khoán, vượt xa con số của cả 4 năm 2018, 2019, 2020 và 2021 cộng lại.

Trong khi “sức nóng” từ nhà đầu tư nội hạ nhiệt thì khối ngoại giao dịch sôi động. Khoảng từ giữa tháng 11 thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua một nhịp hồi mạnh từ đáy dài hạn với động lực lớn đến từ khối ngoại.

Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2022 hôm 17/12, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, tính đến giữa tháng 12/2022, thị trường chuyển biến tích cực khi khối ngoại quay trở lại với giá trị mua ròng khoảng 19.000 tỷ đồng.

Điểm tựa phát triển

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích "khẩu vị rủi ro" của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi.

Có thể thấy, dòng vốn ETF (Quỹ hoán đổi danh mục) ồ ạt đổ vào thị trường, trong bối cảnh định giá của chứng khoán Việt Nam xuống thấp lịch sử sau giai đoạn liên tục giảm sâu. Thị giá nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn cũng giảm xuống mức thấp, qua đó kích thích dòng tiền bắt đáy của khối ngoại.

Đồng thời, việc dòng vốn có dấu hiệu quay lại sau giai đoạn 2020 - 2021 liên tục bị rút mạnh cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về khu vực cận biên và mới nổi đang trở lại. Với động lực này, Việt Nam được cho sẽ có nhiều triển vọng nhất khi đang đứng đầu rổ thị trường cận biên với tỷ trọng khoảng 30%, Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT thông tin.

Thực tế, khối ngoại thực hiện mua ròng trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn diễn biến rất tích cực. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá, Việt Nam sẽ là nền kinh tế dẫn đầu khu vực Đông Á-Thái Bình Dương với mức tăng trưởng 7,2% trong năm 2022 và 6,7% trong năm 2023.

Ông Andrea Coppola, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, kết quả kinh tế tích cực của Việt Nam trong năm 2022 được thúc đẩy bởi 4 yếu tố chính.

Đầu tiên là động lực xuất khẩu, vốn đã rất mạnh trong quá khứ, đã cho thấy khả năng phục hồi ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng vì đại dịch COVID-19, với xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính.

Động lực tăng trưởng thứ hai là nhu cầu trong nước. Tiêu dùng trong nước và doanh số bán lẻ là động lực tăng trưởng chính trong năm 2022. Điều này được thể hiện qua việc doanh số bán lẻ tháng 10/2022 ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 17% so với cùng kỳ năm 2021.

“Chúng tôi đánh giá nhu cầu trong nước của Việt Nam dự kiến sẽ chịu ảnh hưởng bởi lạm phát trong nước gia tăng thời gian tới, nhưng vẫn sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2023”, ông Andrea Coppola nhận định.

Theo ông Andrea Coppola, động lực thứ ba đó là đầu tư đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế Việt Nam. Tính đến tháng 11/2022, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2021.

Động lực cuối cùng, đó là đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, đặc biệt là trong quý III/2021 nên hiệu quả kinh tế mạnh mẽ trong năm 2022 cũng là kết quả của hiệu ứng xuất phát điểm thấp.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, năm 2022, VN-Index giảm sâu phần nhiều do tâm lý bi quan, hơn là do sức khỏe nội tại. Chuyên gia từ Chứng khoán VNDIRECT tự tin về đà tăng của thị trường từ giữa năm 2023 và kỳ vọng đà tăng này sẽ vững chãi hơn khi triển vọng nới lỏng lãi suất dần sáng tỏ.

Thị trường chứng khoán, đặc biệt là các thị trường chứng khoán mới nổi, sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất từ cách đó 4 - 6 tháng. Vì vậy công ty chứng khoán này vẫn ưu tiên “mục tiêu phòng thủ” trong ngắn hạn với các nhóm cổ phiếu giá trị, hoặc cổ tức hấp dẫn; sau đó dịch chuyển dần sang chiến lược “tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng” từ nửa sau năm 2023.

Rủi ro chủ yếu của thị trường vẫn là lạm phát không thể giảm xuống mức đủ để các ngân hàng trung ương nới lỏng. Ngược lại, thị trường sẽ khởi sắc hơn khi các chính sách tháo gỡ cho trái phiếu doanh nghiệp được thực thi quyết liệt, hay Việt Nam được nâng hạng sớm hơn dự kiến, Chứng khoán VNDIRECT nhận định.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/kinh-te-nam-2022-2023-thi-truong-chung-khoan-doi-dau-song-gio-a198159.html