Tập đoàn Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng vay gần 70 tỷ để mua ô tô, xế hộp Lexus, Maybach

Từ năm 2019 đến nay, Tập đoàn Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng liên tục vay ngân hàng hàng chục tỷ đồng để mua sắm những xế hộp như Maybach, Lexus, Volvo…

Mới đây, liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty TNHH đầu tư xây dựng Dacinco được nhận hồ sơ yêu cầu gói thầu đầu tiên của đoạn cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Đây là liên danh đã có đơn xin tham nhận thầu theo hình thức chỉ định thầu trước đó, được đánh giá đáp ứng yêu cầu. Liên danh này vượt qua 3 nhà thầu/liên danh khác để trở thành nhà thầu được nhận hồ sơ chỉ định thầu tại gói thầu này.

Gói thầu XL1 có trị giá khoảng 3.862 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 1.020 ngày (34 tháng) kể từ ngày khởi công.

Tập đoàn Đèo Cả tiền thân là CTCP đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn. Hiện nay thương hiệu Đèo Cả gắn liền với Chủ tịch Hồ Minh Hoàng. Tập đoàn này được biết đến là “ông trùm” trong lĩnh vực BOT với chuỗi dự án như: hầm Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, Phú Gia - Phước Tượng, các cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận…

ong-ho-minh-hoang-chu-tich-tap-doan-deo-ca-1671767114.jpg

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 của Tập đoàn Đèo Cả, tổng tài sản của tập đoàn ở mức 41.177 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tài sản dài hạn đến từ các hợp đồng BOT, trạm thu phí trên các cao tốc.

Tính đến hết ngày 30/6, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Đèo Cả đạt 1.970 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp khoảng 1.333 tỷ đồng, giúp Tập đoàn thu lợi gần 637 tỷ đồng.

Cùng với đó, Đèo Cả còn có thêm nguồn doanh thu hoạt động tài chính 99 tỷ đồng và lãi đến từ các công ty liên doanh, liên kết gần 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do đầu tư nhiều dự án nên vay nợ của Tập đoàn Đèo Cả khiến khoản trả lãi vay lên đến 328 tỷ đồng. Cùng với đó, chi phí quản lý doanh nghiệp trong 6 tháng ở mức 120 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của Đèo Cả ở mức 307 tỷ đồng.

Chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn Đèo Cả là Ngân hàng Vietinbank với khoản nợ dài hạn 19.454 tỷ đồng, chiếm 93,61% tổng nợ dài hạn. Tài sản đảm bảo với khoản nợ dài hạn là quyền thu phí của dự án BOT với thời hạn vay từ 15 - 20 năm.

Đèo Cả cũng vay 944 tỷ đồng tại Ngân hàng VietABank – Chi nhánh Hà Nội với kỳ hạn hơn 19 năm. Mục đích để thực hiện dự án xây dựng công trình hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia, quốc lộ 1A, tỉnh Thừa Thiên Huế theo hình thức hợp đồng BOT. Tài sản đảm bảo là quyền thu phí của dự án BOT và phần vốn góp của Công ty TNHH Hà Thành và CTCP ĐTMT Hà Thành vào CTCP Phước Tượng Phú Gia BOT.

Ngoài vay vốn thực hiện dự án, Tập đoàn Đèo Cả của ông Hồ Minh Hoàng còn vay hàng chục tỷ đồng để mua sắm ô tô, xế sang như Maybach, Lexus, Volvo…

Trong tháng 10 vừa qua, công ty con của Tập đoàn Đèo Cả là CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Mã CK: HHV) đã chào bán 267,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có quyền mua một cổ phiếu mới.

Với số tiền dự kiến thu về là 2.673,8 tỷ đồng, HHV cho biết sẽ dùng 182,3 tỷ đồng góp vốn vào các doanh nghiệp khác để thực hiện dự án; 1.670 tỷ đồng hợp tác kinh doanh. Cụ thể là 1.300 tỷ đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo để thực hiện dự án thành phần đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông; 370 tỷ đồng hợp tác với công ty mẹ (CTCP Tập đoàn Đèo Cả) đầu tư dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1.

Còn lại, doanh nghiệp sẽ dùng 392,4 tỷ đồng đầu tư bất động sản sẵn và đưa vào khai thác; 492 tỷ đồng bổ sung vốn hoạt động bao gồm trả nợ, mua sắm thiết bị...

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tap-doan-deo-ca-cua-ong-ho-minh-hoang-vay-gan-70-ty-de-mua-o-to-xe-hop-lexus-maybach-a198378.html