Bộ Xây dựng: Có hiện tượng các sàn câu kết ôm hàng, làm giá, tạo sóng

Bộ Xây dựng nhận định thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ "bong bóng" chuyển sang nguy cơ "suy thoái". Có hiện tượng sàn câu kết ôm hàng, thổi giá, làm nhiễu loạn thị trường...

Đó là một trong những tồn tại được đưa ra tại báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng trong hội nghị hôm nay (23/12).

Bộ Xây dựng thẳng thắn thừa nhận việc thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của bộ năm 2022 còn chậm theo tiến độ được giao. Nguyên nhân là các văn bản pháp luật của ngành có nội dung rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Trong khi đó, sự phối hợp tham gia soạn thảo, góp ý đôi khi chưa chặt chẽ, khoa học, chưa thực sự hiệu quả, chưa bảo đảm thời gian theo yêu cầu.

Bộ Xây dựng: Có hiện tượng các sàn câu kết ôm hàng, làm giá, tạo sóng - 1

Bộ Xây dựng cho biết sẽ thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn (Ảnh: ĐT).

Việc sửa đổi các quy định của pháp luật và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá theo Bộ Xây dựng, vẫn còn chậm, chưa theo kịp với những bức xúc, vướng mắc trong thực tiễn.

Bộ này cũng chỉ ra chất lượng một số đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị tại một số địa phương chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc điều chỉnh quy hoạch, nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn chưa chặt chẽ. Nguồn vốn, thủ tục lập quy hoạch còn vướng mắc, hạn chế.

Ngoài ra, năng lực quản lý và quản trị đô thị còn yếu, còn chậm đổi mới. Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật, cơ chế, chính sách về quy hoạch và phát triển đô thị còn thiếu quyết liệt, chưa đồng bộ; trình độ, năng lực của phần lớn cán bộ, công chức, viên chức quản lý đô thị còn yếu.

Về lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định thị trường vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, từ nguy cơ "bong bóng" chuyển sang nguy cơ "suy thoái". Ngoài ra, các vấn đề như thiếu nguồn cung ở các phân khúc vẫn tồn tại, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ... 

"Có hiện tượng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau "ôm hàng", "làm giá", "tạo sóng", "thổi giá", gây "sốt ảo" ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực", Bộ Xây dựng nêu loạt bất cập.

Bộ Xây dựng nhìn nhận, trong nước các hoạt động kinh tế, xã hội chuyển từ thích ứng, phục hồi sang phát triển nhanh, ổn định hơn. Tuy nhiên, những hạn chế, bất cập, vấn đề tích tụ, tồn đọng lâu ngày bộc lộ rõ nét hơn trước tác động của bối cảnh biến động khó lường.

Ngành xây dựng tuy đã đạt được một số kết quả tích cực trong năm nay nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong nội tại như tốc độ tăng trưởng không cao, năng suất lao động thấp hơn so với nhiều ngành kinh tế, các khó khăn tồn đọng, tích tụ nhiều năm, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng có xu hướng suy giảm, gặp nhiều thách thức.

Về thị trường bất động sản năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bộ này cũng nhấn mạnh sẽ thường xuyên bám sát tình hình thị trường bất động sản kịp thời điều chỉnh, tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập của cơ chế, chính sách, pháp luật, thiên tai, tác động của dịch Covid-19 đối với thị trường bất động sản, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bo-xay-dung-co-hien-tuong-cac-san-cau-ket-om-hang-lam-gia-tao-song-a198570.html