Ngày 23/12/2022, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Cục Thuế thành phố tổ chức hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố”, nhằm giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế.
Tại hội nghị, Cục Thuế TP.HCM đã thông tin tới cộng đồng doanh nghiệp về việc triển khai thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử đến cơ quan thuế. Đây là một nội dung mới đang được cơ quan thuế TP.HCM triển khai áp dụng từ giữa tháng 12/2022.
Bà Hà Thái Hạnh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế TP.HCM, cho biết đối tượng triển khai là các doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai (gọi chung là người nộp thuế) trên địa bàn TP.HCM có hoạt động cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo mô hình kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng. Những đối tượng này được lựa chọn sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế.
Cụ thể, đó là 4 nhóm đối tượng bao gồm: Nhóm kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn; Nhóm bán lẻ hàng hóa (trung tâm thương mại, siêu thị, bán lẻ hàng tiêu dùng); Nhóm bán lẻ thuốc tân dược; Nhóm dịch vụ khác (dịch vụ vui chơi giải trí, vé cầu đường, vé xe buýt, vé tham quan, du lịch…).
Cơ quan thuế sẽ khai thác cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền để kiểm soát việc kê khai doanh thu của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đảm bảo phù hợp với các yếu tố chi phí trong kỳ khai thuế.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, việc áp dụng hóa điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đem lại nhiều lợi ích người nộp thuế, như: Chủ động 24/7 trong việc lập hóa đơn khi có phát sinh bán hàng hóa, dịch vụ, xử lý triệt để vướng mắc về độ trễ giữa thời điểm thanh toán và thời điểm lập hóa đơn.
Đồng thời, giúp người nộp thuế chủ động 24/7 trong việc xử lý sai sót phát sinh ngay trên thiết bị của người nộp thuế nếu đã được cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo chuẩn của cơ quan thuế; không bắt buộc có chữ ký số của người bán trên từng hóa đơn; khoản chi mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn được khởi tạo từ máy tính tiền được xác định là khoản chi có đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp khi xác định nghĩa vụ thuế…
Điều kiện triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền: Có thể thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử (như có chữ ký số và đăng ký để được cơ quan thuế cấp tài khoản giao dịch thuế điện tử); có hạ tầng công nghệ thông tin (như máy tính hoặc thiết bị điện tử có kết nối internet, email); sử dụng phần mềm lập hóa đơn điện tử - đây là phần mềm có thể lập hóa đơn điện tử đồng thời có thể truyền dữ liệu hóa đơn điện tử đến người mua và đến cơ quan thuế.
Trường hợp người nộp thuế lựa chọn hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, ngoài các điều kiện cơ bản nêu trên chỉ cần thay đổi phần mềm hoá đơn điện tử đáp ứng chuẩn định dạng dữ liệu hóa đơn theo quy định tại Quyết định 1510 (ngày 21/9/2022) của Tổng Cục Thuế.
Về lộ trình triển khai, Cục Thuế TP.HCM tiến hành triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 15/12/2022 đến hết tháng 3/2023, đảm bảo hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế, không làm gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị. Giai đoạn 2 dự kiến được tiếp tục thực hiện từ ngày 01/4/2023.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp cao su, từ năm 2021 đến nay chưa được Cục Thuế TP.HCM giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Có doanh nghiệp chưa được hoàn VAT 20-30 tỷ đổng, thậm chí có doanh nghiệp lên tới 100 tỷ đồng.
Nguyên nhân doanh nghiệp bị nợ hoàn thuế VAT do cơ quan thuế yêu cầu chứng từ thanh toán tiền hàng xuất khẩu phải thể hiện thông tin của người trả hoặc người chuyển tiền.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cho rằng họ bị vạ lây từ câu chuyện Thuduc House chiếm đoạt tiền thuế VAT, do đó đã dẫn đến bị “ách tắc” tiền hoàn thuế VAT suốt một năm.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, thời gian qua trong quá trình rà soát cơ quan thuế phát hiện nhiều doanh nghiệp sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Cơ quan thuế vẫn đang tiếp tục rà soát, với doanh nghiệp sau khi rà soát mà làm theo đúng quy định thì sẽ tiến hành hoàn thuế.
Liên quan đến việc chậm hoàn thuế VAT thời gian qua bắt nguồn từ Công văn số 5018 (ngày 13/12/2018) của Tổng cục Thuế yêu cầu các đơn vị thuế chỉ hoàn thuế khi có đầy đủ thông tin về tài khoản ngân hàng của khách hàng nước ngoài phù hợp với thông tin trên hợp đồng mua bán (bao gồm cả phụ lục hợp đồng) theo quy định hiện hành…
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, năm 2022, toàn ngành thuế thực hiện 6.265 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế VAT (bằng 174,6% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 630,8 tỷ đồng. Đáng chú ý, Tổng cục Thuế đã đánh giá dữ liệu 11.829 doanh nghiệp có phát sinh đề nghị hoàn thuế VAT xuất khẩu từ ngày 01/01/2018 đến hết 30/8/2021 và xác định được 70 doanh nghiệp có rủi ro cao về hoàn thuế.
Công văn số 5018, ngày 13/12/2018 của Tổng cục Thuế quy định:
Trường hợp trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng do ngân hàng phục vụ người xuất khẩu không thể hiện thông tin tài khoản ngân hàng của khách hàng nước ngoài phù hợp với thông tin trên hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả phụ lục hợp đồng) đã ký giữa khách hàng nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam thì chứng từ thanh toán này chưa đủ điều kiện để khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) liên quan đến hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu.
Cơ quan thuế chỉ xét khấu trừ, hoàn thuế đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu đã đảm bảo các điều kiện, trường hợp khấu trừ, hoàn thuế, trong đó có thông tin về tài khoản ngân hàng của khách hàng nước ngoài phù hợp với thông tin trên hợp đồng mua bán (bao gồm cả phụ lục hợp đồng) theo quy định hiện hành.
Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu mà chứng từ thanh toán chưa có đủ thông tin tài khoản chuyển tiền thanh toán thì tạm chưa xét hoàn thuế, chờ người nộp thuế bổ sung thông tin.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/sieu-thi-nha-hang-khach-san-phai-co-may-tinh-tien-ket-noi-voi-co-quan-thue-a198857.html