Thị trường IPO công nghệ sụp đổ trong năm 2022, chưa có dấu hiệu phục hồi vào năm 2023

Năm 2021 là một năm bùng nổ của ngành công nghệ khi có tới ít nhất 10 công ty đã IPO và huy động được tối thiểu 1 tỷ USD. Tuy nhiên, câu chuyện trong năm 2022 lại là điều hoàn toàn trái ngược.

Sau một năm 2021 bùng nổ với nhiều thương vụ IPO đình đám của các công ty như Rivian, Toast, GitLab,… năm 2022 lại là những diễn biến hoàn toàn ngược lại, theo CNBC.

Đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) đáng chú ý nhất ở Mỹ năm nay thuộc về Mobileye, công ty 23 năm tuổi của Intel, chuyên sản xuất công nghệ cho ô tô tự lái và đã được giao dịch công khai cho tới khi được mua lại vào năm 2017.

Mobileye chỉ huy động được chưa đến 1 tỷ USD và không có thương vụ IPO nào khác của các công ty công nghệ tại Mỹ thu về dù chỉ là 100 triệu USD, theo FactSet. Điều này trái ngược so với năm 2021, thời điểm có ít nhất 10 đợt IPO của các công ty công nghệ ở Mỹ đã huy động được ít nhất 1 tỷ USD.

Tổng số tiền huy động được được từ các thương vụ IPO trong năm 2022 đã giảm mạnh 94% so với năm trước, từ 155,8 tỷ USD xuống còn 8,6 tỷ USD, theo báo cáo IPO của công ty kiểm toán Ernst & Young được công bố vào giữa tháng 12.

nasdaq-1672459277.jpg Năm 2022 là một năm khó khăn đối với các công ty công nghệ muốn lên sàn. (Ảnh: CNBC).

Các nhà đầu tư đang nhận thấy cổ phiếu công nghệ dần chạm đáy. Tuy nhiên, David Trainer, CEO của công ty nghiên cứu chứng khoán New Constructs, cho biết các nhà đầu tư trước tiên cần nắm bắt thực tế và quay lại định giá các công ty công nghệ mới nổi dựa trên các nguyên tắc cơ bản chứ không phải những lời hứa hẹn xa vời.

Khi các đợt IPO công nghệ bùng nổ vào năm 2020 và 2021, Trainer đã đưa ra cảnh báo, công bố báo cáo chi tiết về việc các công ty phần mềm, thương mại điện tử và công nghệ đang đưa ra mức định giá cao ngất ngưởng khi lên sàn.

Thời điểm đó, không nhiều người tin vào những lời cảnh báo của Trainer, song khi chứng kiến giá cổ phiếu của những startup từng được định giá cao ngất ngưởng như Robinhood, Rivian hay Sweetgreen giảm tối thiểu 85% so với thời điểm mới chào bán, giới đầu tư đã phải suy nghĩ lại.

“Cho đến khi chúng tôi thấy sự quay trở lại liên tục của việc phân bổ vốn thông minh là động lực chính của các quyết định đầu tư, tôi nghĩ thị trường IPO công nghệ vẫn sẽ gặp khó khăn. Một khi các nhà đầu tư tập trung trở lại vào các nguyên tắc cơ bản, tôi nghĩ thị trường có thể quay trở lại đúng bản chất vốn có”, Trainer chia sẻ.

Định giá nhiều công ty công nghệ giảm mạnh sau khi IPO

Đối với các công ty đang trong quá trình phát triển, vấn đề không đơn giản chỉ dừng lại ở việc vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại. Họ cũng phải thừa nhận rằng định giá mà họ đạt được từ các nhà đầu tư tư nhân không phản ánh sự thay đổi trong tâm lý thị trường đại chúng.

Đợt IPO lớn của Facebook vào năm 2012 và các triệu phú được đúc kết bởi những công ty như Uber, Airbnb, Twilio và Snowflake đã đem tiền quay trở lại với hệ sinh thái công nghệ. Trong khi đó, các công ty đầu tư mạo hiểm đã huy động được số tiền lớn hơn bao giờ hết, cạnh tranh với một loạt quỹ phòng hộ mới và các công ty cổ phần tư nhân, vốn đang bơm rất nhiều tiền vào các công ty công nghệ đến mức nhiều công ty đã chọn cách giữ trạng thái tư nhân lâu nhất có thể thay vì lên sàn.

Vào năm 2021, các công ty đầu tư mạo hiểm đã huy động được 131 tỷ USD, qua đó chứng kiến lần đầu đạt mức 100 tỷ USD và đánh dấu năm thứ hai liên tiếp đạt hơn 80 tỷ USD, theo Hiệp hội đầu tư mạo hiểm quốc gia Mỹ (NVCA). NVCA cho biết, mức định giá sau khi gọi vốn trung bình đối với các giao dịch đầu tư mạo hiểm trên tất cả các giai đoạn đã tăng lên 360 triệu USD vào năm 2021 từ khoảng 200 triệu USD của năm trước.

Tuy nhiên, không phải công ty nào được định giá cao cũng thành công. Stripe đã cắt giảm 28% giá trị nội bộ của mình trong tháng 7, từ 95 tỷ USD xuống còn 74 tỷ USD, Wall Street Journal đưa tin. Checkout.com cũng đã giảm mức định giá trong tháng này xuống còn 11 tỷ USD từ 40 tỷ USD trước đó, theo Financial Times. Theo The Information, Instacart đã chịu nhiều tác động, giảm mức định giá từ 39 tỷ USD xuống còn 24 tỷ USD vào tháng 5, sau đó xuống 15 tỷ USD vào tháng 7 và cuối cùng là 10 tỷ USD trong tuần này.

stripe-1672459334.jpg Stripe từng được đánh giá cao trước khi lao dốc trong năm 2022. (Ảnh: CNBC).

Don Butler, CEO Thomvest Ventures dự đoán rằng thị trường IPO công nghệ sẽ chưa thể tốt hơn trong năm 2023. Các đợt tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dường như có nhiều khả năng đẩy nền kinh tế vào suy thoái và chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nhà đầu tư sẽ chấp nhận rủi ro.

Butler cũng cho rằng Thung lũng Silicon phải thích nghi với sự thay đổi khỏi tư duy tăng trưởng trước khi thị trường IPO khởi sắc trở lại. Điều đó không chỉ có nghĩa là sử dụng vốn hiệu quả hơn, chỉ ra con đường ngắn hạn dẫn đến lợi nhuận và kiềm chế kỳ vọng tuyển dụng, mà còn yêu cầu thực hiện các thay đổi về cấu trúc đối với cách thức hoạt động của các tổ chức.

“Cash is King”

Một công ty tư nhân có giá cao vẫn duy trì mức định giá là Databricks, công ty có phần mềm giúp khách hàng lưu trữ và làm sạch dữ liệu để nhân viên có thể phân tích và sử dụng. Databricks đã huy động được 1,6 tỷ USD với mức định giá 38 tỷ USD vào tháng 8/2021. Tính đến giữa năm 2021, công ty đang trên đà tạo ra doanh thu hàng năm là 1 tỷ USD, tăng trưởng 75% so với năm trước.

Databricks nằm trong danh sách những thương vụ IPO tiềm năng đáng chú ý nhất năm. Giám đốc điều hành Databricks Ali Ghodsi hiện không nói về IPO, nhưng ít nhất ông không bày tỏ lo ngại về nguồn vốn của công ty. Trên thực tế, ông nói rằng việc giữ doanh nghiệp ở trạng thái tư nhân là điều tốt và mang lại nhiều lợi ích cho Databricks.

Ghodsi cho biết Databricks có “rất nhiều tiền mặt” và ngay cả khi xảy ra một vụ việc tương tự bong bóng dot-com những năm 2000, công ty “sẽ được tài trợ đầy đủ một cách rất lành mạnh mà không cần huy động thêm bất kỳ khoản tiền nào”.

Databricks cũng đã tránh được làn sóng sa thải nhân sự công nghệ trong năm nay và Ghodsi cho biết công ty có kế hoạch tiếp tục tuyển dụng để tận dụng những tài năng sẵn có đã bị những công ty công nghệ lớn sa thải.

Cách tiếp cận đó có thể khiến Databricks trở thành ứng cử viên IPO hấp dẫn vào một thời điểm nào đó trong tương lai, nhưng câu hỏi về mức định giá vẫn còn là một mối quan tâm kéo dài.

Snowflake, công ty đã IPO gần nhất được so sánh với Databricks, đã mất gần 2/3 giá trị kể từ khi đạt đỉnh vào tháng 11/2021. Đợt IPO của Snowflake vào năm 2020 là đợt IPO lớn nhất từ trước đến nay tại Mỹ đối với một công ty phần mềm, huy động được gần 3,9 tỷ USD.

Sự tăng trưởng của Snowflake vẫn mạnh mẽ. Doanh thu trong quý gần nhất tăng 67%, vượt qua ước tính. Lợi nhuận đã điều chỉnh cũng tốt hơn kỳ vọng và công ty cho biết họ đã tạo ra 65 triệu USD tiền mặt trong quý.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu Snowflake đã giảm gần 20% trong quý IV. “Tâm lý trên thị trường hơi căng thẳng. Mọi người phản ứng rất mạnh mẽ. Điều đó tương đối dễ hiểu, nhưng chúng ta sống trong thế giới thực, và chúng ta chỉ đi từng ngày một. Tất cả đều cần thời gian”, CEO Snowflake Frank Slootman chia sẻ trên CNBC.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thi-truong-ipo-cong-nghe-sup-do-trong-nam-2022-chua-co-dau-hieu-phuc-hoi-vao-nam-2023-a199937.html