Mới đây, CTCP Bất động sản Vinaconex đã công bố thông tin mua lại 50 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Đây là lô trái phiếu có mã VCGRH1922 được Bất động sản Vinaconex phát hành từ năm 2019 có trị giá 700 tỷ đồng. Từ tháng 8/2022 đến nay, Bất động sản Vinaconex đã 3 lần thực hiện để mua lại toàn bộ lô trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng này.
Bất động sản Vinaconex là công ty con của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, MCK: VCG) với tỷ lệ sở hữu 100%.
Vinaconex được biết đến là doanh nghiệp lớn sở hữu nhiều dự án bất động sản trên khắp cả nước. Những năm qua, để có vốn đầu tư các dự án, Vinaconex cũng như các công ty con ngoài đi vay ngân hàng còn huy động vốn qua kênh phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi tới Chính phủ hồi tháng 6/2022, Vinaconex lọt danh sách 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trong năm 2021khi phát hành 6.000 tỷ trái phiếu.
Chỉ trong 10 ngày trong năm 2021, Vinaconex đã phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu để rót vốn vào các công ty con.
Cụ thể, thông tin trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, từ ngày 15/6/2021 - 25/6/2021, Vinaconex đã huy động tổng cộng 4.700 tỷ đồng từ kênh trái phiếu.
Trong đó, lô trái phiếu 2.500 tỷ được phát hành hôm 25/6/2021 là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản.
Lãi suất áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm. Các kỳ tính lãi tiếp theo (3 tháng/lần), lãi suất được xác định bằng lãi suất tham chiếu và biên độ 4,93%/năm, nhưng trong mọi trường hợp không thấp hơn 10,5%/năm.
Toàn bộ số tiền thu được sẽ được VCG sử dụng để bổ sung vốn cho hoạt động xây lắp và tăng quy mô vốn hoạt động của Công ty TNHH Vinaconex Đầu tư (Vinaconex Đầu tư) và/hoặc Công ty TNHH MTV Vinaconex Xây dựng (Vinaconex Xây dựng).
Trong ngày 15/6/2021, Vinaconex phát hành thành công 10 lô trái phiếu với tổng giá trị 2.200 tỷ đồng, kỳ hạn từ 30 đến 84 tháng. Lãi suất áp dụng cho năm đầu tiên chỉ là 8,5%/năm; các năm tiếp theo, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 3%/năm.
Toàn bộ số tiền huy động được từ 10 lô trái phiếu này sẽ được Vinaconex sử dụng để hợp tác đầu tư cùng CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vinaconex (Vinaconex ITC, MCK: VCR) phát triển phân khu cao tầng và các hạng mục hạ tầng của dự án Cát Bà Amatina.
Trong năm 2022, Vinaconex đã đầu tư hơn 4.660 tỷ đồng vào dự án Cái Giá Cát Bà.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 mà Vinaconex công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ đạt 3.174 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của doanh nghiệp đạt 273,8 tỷ đồng, cao hơn 2,4 lần so với quý III/2021.
Theo giải trình của Vinaconex, nguyên nhân chính dẫn đến việc lợi nhuận hợp nhất tăng là do trong quý III/2022, doanh thu hoạt động tăng 1.905 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ tăng 150% so với cùng kỳ. Cùng với việc tăng doanh thu, các khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm đã góp phần làm lợi nhuận của tổng công ty tăng so với cùng kỳ năm 2021.
Lũy kế 9 tháng, doanh thu của Vinaconex đạt gần 6.700 tỷ đồng, cao hơn 85,5% so với cùng kỳ, con số này lạc quan hơn rất nhiều so với 3.610 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2021. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.011 tỷ đồng, lãi sau thuế ở mức 969 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 842 tỷ.
Tính đến ngày 30/9/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 30.966 tỷ đồng, tương đương so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu gần 9.970 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu kỳ. Nợ trái phiếu của Vinaconex ở mức 4.484 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Tại Đại hội cổ đông năm 2022, Vinaconex thông qua kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 2022 đạt 15.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất ở mức 1.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 143% và 169% so với thực hiện 2021.
Như vậy, với kết quả đã đạt được, VCG đã hoàn thành 43,7 kế hoạch doanh thu và hơn 69,2% mục tiêu lợi nhuận cả năm sau 9 tháng.
Vinaconex tiền thân của doanh nghiệp này là CTCP dịch vụ và xây dựng nước ngoài, thành lập năm 1988, trực thuộc Bộ Xây dựng. Năm 1991, Bộ Xây dựng có quyết định chuyển Công ty dịch vụ và xây dựng nước ngoài thành Tổng công ty Xuất nhập khẩu xây dựng VN (Vinaconex). Đến ngày 24/11/2006, Bộ này lại có quyết định chuyển Vinaconex thành Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng VN (Vinaconex JSC).
Tháng 12/2006, Vinaconex hoàn thành chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần do nhà nước giữ cổ phần chi phối, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, trong đó xây lắp và đầu tư bất động sản là 2 lĩnh vực nòng cốt.
Tháng 11/2018, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đã thoái toàn bộ vốn tại Vinaconex.
Lúc này, Công ty TNHH An Quý Hưng nắm 254.901.153 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 57,71% tại Vinaconex; Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ nắm 94.010.175 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 21,28%; Công ty TNHH Đầu tư Star Invest đã nắm 33.455.400 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 7,57%. Tính ra, 3 cổ đông lớn này đã nắm 382.366.728,00 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu là 86,56%.
“Cuộc chơi” tại Vinaconex theo đó xoay quanh 3 cổ đông lớn này. Bởi lẽ, việc sở hữu gần 58% vốn Vinaconex không đồng nghĩa An Quý Hưng có đủ quyền chi phối doanh nghiệp xây dựng này, Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định, một số nội dung như loại cổ phần, số lượng cổ phần chào bán, thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, tổ chức, giải thể công ty… phải đạt ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp chấp thuận.
Đó là chưa kể, Cường Vũ với sự liên quan tới một tập đoàn đa ngành trong lĩnh vực hàng không, tài chính và bất động sản và nhóm cổ đông liên quan dư sức sở hữu tỷ lệ lớn hơn con số 21,28%. Vì lẽ đó, Cường Vũ cùng Star Invest vẫn là “hòn đá tảng” lớn với An Quý Hưng.
Vì vậy, đầu năm 2019, nhóm cổ đông “yếu thế” gồm Cường Vũ và Star Invest đã khởi kiện ra tòa án để yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông Vinaconex ngày 11/1/2019.
Sau đó, tòa án quận Đống Đa đã ra quyết định dừng thực hiện nghị quyết nói trên. Trả lời báo chí, ông Đào Ngọc Thanh cho biết, nhóm cổ đông gửi đơn kiến nghị đến toà là do bất đồng tại Dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh - Splendora. Splendora là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cao cấp kết hợp các trung tâm, văn phòng thương mại ở phía Tây của Hà Nội, tổng diện tích 245 ha, do Công ty An Khánh JVC thực hiện.
Liên quan tới dự án Splendora Bắc An Khánh, cần biết rằng, một tập đoàn đa ngành có mối liên hệ mật thiết với nhóm Cường Vũ và Star Invest đã nắm 50% vốn dự án này.
Splendora được coi là dự án “cơm áo, gạo tiền” đối với Vinaconex bởi ước tính nếu hoàn thành, toàn bộ dự án có thể mang về 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chỉ nắm 50% vốn tại An Khánh JVC, nên Vinaconex không thể định hướng phát triển dự án. Trong khi đó, hai cổ đông Cường Vũ và Star Invest lại có những mối liên quan mật thiết với đối tác của Vinaconex tại An Khánh JVC.
Việc Vinaconex không thể thực hiện dự án, nhóm cổ đông bị ảnh hưởng lớn nhất là An Quý Hưng vì trước đó, nhóm này phải chi ra hơn 7.400 tỷ đồng để mua lại 57,71% vốn từ SCIC. Nhóm cổ đông này rất muốn triển khai dự án để tạo dòng tiền bù đắp cho áp lực tài chính.
Để dàn xếp, nhóm Cường Vũ và Star Invest sau đó đã thoái vốn khỏi Vinaconex, đổi lại Vinaconex thoái vốn khỏi An Khánh JVC - chủ đầu tư dự án Splendora.
Theo Báo cáo tài chính quý III/2022, Vinaconex đang có khoản nợ xấu hơn 671 tỷ đồng đến từ An Khánh JVC.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/mua-lai-50-ty-trai-phieu-truoc-han-vinaconex-van-no-hang-nghin-ty-a199943.html