Chính phủ tiếp tục các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, về cơ bản, các chính sách về thuế, phí, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2023 sẽ tương tự các chính sách áp dụng trong năm 2022, song sẽ có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Quy mô nền kinh tế đạt 409 tỷ USD

Theo thông tin của Văn phòng Chính phủ, năm 2022, Việt Nam đã đạt được một số kết quả nổi bật như tăng trưởng GDP đạt 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), cao nhất trong 10 năm qua, nâng quy mô nền kinh tế lên 409 tỷ USD.

Có 59/63 địa phương tăng trưởng từ 6,5% trở lên, trong đó, nhiều địa phương tăng trưởng cao như: Khánh Hòa (20,7%), Bắc Giang (19,3%); Đà Nẵng (14,1%), Hậu Giang (13,9%), Hưng Yên (13,4%), Cần Thơ (12,6%), Thanh Hóa (12,5%), Hải Phòng (12,3%), Lâm Đồng (12,1%), Vĩnh Long (11,3%), Quảng Nam (11,2%), Hà Nam (10,8%), Quảng Ninh (10,3%) và Điện Biên (10,2%). Hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có mức tăng trưởng cao lần lượt đạt 8,9% và 9,03%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra. Các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó thu NSNN vượt 27,8% dự toán, tăng 392 nghìn tỷ đồng, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu 11,2 tỷ USD…

tom-1672831591.jpg Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023. (Ảnh minh họa)

Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Trong năm có 208.300 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 30,3% so với năm 2021. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 3,22 triệu tỷ đồng tăng 11,2% so với năm 2021, tương đương 33,8% GDP.

Chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản về chính sách hỗ trợ cho năm 2023

Trong buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều tối 3/1, trước câu hỏi về các chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong năm 2023, hiện một số chính sách sắp hết hiệu lực, chẳng hạn như việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% với một số mặt hàng. Trong bối cảnh năm 2023 được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn, Bộ Tài chính dự kiến sẽ đề xuất cắt giảm loại thuế, phí nào để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp?

Trả lời câu hỏi, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, chính sách thuế, tài khoá của Chính phủ và Nhà nước hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã kéo dài suốt từ thời gian dịch Covid-19 diễn ra. Tính riêng năm 2022, thuế giá trị gia tăng giảm từ 10 xuống 8% đối với hầu hết các mặt hàng có mức thuế 10%.

Cùng với đó, gia hạn tiền thuế phải nộp tạo ra hỗ trợ dòng tiền, thanh khoản cho doanh nghiệp, cũng như giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân và giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu trong năm 2022...Đặc biệt, trong năm 2022, chính sách hỗ trợ lên tới 233 nghìn tỉ đồng, chưa từng có trong tiền lệ. Hỗ trợ đó giúp cho người dân và doanh nghiệp phục hồi. 

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, năm 2023 được dự báo sẽ có nhiều khó khăn và thách thức, do đó, ngay từ những tháng cuối năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chuẩn bị, nghiên cứu, đề xuất hàng loạt các giải pháp về chính sách tài khoá, thuế để tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Trong đó, với chính sách gia hạn nộp thuế, cơ quan này đã có kiến nghị và sẽ có báo cáo với Chính phủ theo thẩm quyền để xem xét quyết định, trên cơ sở đó tiếp tục hỗ trợ dòng tiền linh hoạt, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp, người dân. Bộ Tài chính cũng đề xuất tiếp tục chính sách giảm tiền thuê đất cho người dân, doanh nghiệp trong năm 2023. Đối với thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, cơ quan này cũng tiếp tục đề xuất giảm và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có quyết sách với việc này.

Theo ông Chi, về cơ bản, Bộ Tài chính đã đề xuất các chính sách về thuế phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2023, tương tự như chính sách đã áp dụng trong năm 2022. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, những chính sách áp dụng trong năm 2023 sẽ có điều chỉnh phù hợp nhưng tất cả đều trên tinh thần thực hiện tiếp tục các chính sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho biết, đã sẵn sàng xây dựng các kịch bản khác nếu như tình huống năm 2023 có những diễn biến, có tác động tiêu cực. Song song với đó, Chính phủ sẽ tiếp tục điều hành nhịp nhàng các chính sách về tiền tệ cũng như chính sách vĩ mô khác để đảm bảo cân đối vĩ mô và ổn định nền kinh tế.
 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chinh-phu-tiep-tuc-cac-chinh-sach-tai-khoa-ho-tro-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-trong-nam-2023-a200582.html