Ghi nhận tại thời điểm 10h25 sáng 5/1, cổ phiếu VNZ của CTCP VNG chưa có đơn vị nào được khớp lệnh. Khối lượng đặt mua tại mức giá trần 336.000 đồng/cp là hơn 68.000 cổ phiếu.
Nói về mức giá chào sàn của VNZ, đây được xem như cao nhất trên thị trường UPCoM trong nhiều năm trở lại đây. Tạm tính với mức giá tham chiếu 240.000 đồng/cp, giá trị vốn hóa của công ty khoảng 8.600 tỷ đồng, tương đương hơn 360 triệu USD. Quy mô vốn hóa này của VNG cách xa mức định giá được đưa ra trước đó.
Theo World Startup Report, năm 2014 VNG được định giá 1 tỷ USD và trở thành kỳ lân đầu tiên của Việt Nam. Trước đó các tổ chức cũng trả mức giá khá cao để sở hữu cổ phần của kỳ lân này.
Cuối tháng 3/2019, VNG thông báo bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá lên đến 1.861.800 đồng/cp cho Seletar Investments. Tổ chức ngoại này là đơn vị trực thuộc Tập đoàn đầu tư Temasek của Chính phủ Singapore. Với mức giá trên, định giá của VNG thời điểm đó khoảng 2 tỷ USD. Sau giao dịch, Seletar Investments nắm giữ 1,74 triệu cổ phiếu, tương đương 5,04% vốn điều lệ của VNG.
Về lịch sử hình thành, CTCP VNG được thành lập vào ngày 9/9/2004 với tên gọi ban đầu là VinaGame. VNG là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực Công nghệ tại Việt Nam, luôn tiên phong kiến tạo hệ sinh thái sản phẩm công nghệ đa dạng, làm thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người dùng trong và ngoài nước, tiêu biểu như Zalo, Zing MP3, ZaloPay, VNG Cloud,… Sau 17 năm hình thành và phát triển, VNG hiện đã có gần 5.000 thành viên với 11 văn phòng tại 5 quốc gia.
Song song với các sản phẩm cốt lõi như trò chơi trực tuyến, nền tảng kết nối, thanh toán điện tử và điện toán đám mây, VNG cũng đang định hướng mạnh mẽ trong việc sử dụng dữ liệu (Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) làm nòng cốt phát triển trong thời gian tới.
Tính đến ngày 28/11/2022, công ty có ba cổ đông lớn gồm VNG Limited (nắm giữ hơn 17,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 61,1% số cp đang lưu hành); CTCP Công nghệ BigV (nắm giữ gần 1,65 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 5,7% số cp đang lưu hành) và ông Lê Hồng Minh (nắm giữ hơn 3,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 12,3% số cp đang lưu hành).
Về kết quả kinh doanh luỹ kế 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu dịch vụ trò chơi trực tuyến đạt hơn 4.000 tỷ đòng, chiếm 70% doanh thu thuần và giảm 12,7% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ quảng cáo trực tuyến đạt 933 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ.
Tăng trường mạnh trong doanh thu của VNG 9 tháng đầu năm là dịch vụ giải trí gia tăng trên mạng viễn thông và internet, đạt 683,6 tỷ đồng tăng 109,6% so với cùng kỳ và chiếm 11,86% tổng doanh thu của VNG. Có sự tăng trưởng này là do sự tăng trưởng mạnh về doanh thu của mảng thanh toán và tài chính.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-phieu-vnz-cua-vng-chua-khop-lenh-du-nguoi-mua-nga-gia-tang-40-phien-chao-san-a200662.html