Hội đồng quản trị Công ty CP Quốc tế Sơn Hà vừa có quyết định điều chỉnh một số nội dung của dự án "Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp Tam Dương I - Khu vực 2, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc".
Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh tăng từ 1.576,4 tỷ đồng lên 1.576,8 tỷ đồng, tăng 400 triệu đồng so với lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 7/2021.
Trong đó, vốn góp thực hiện dự án của Tập đoàn Sơn Hà giảm từ 523,7 tỷ đồng xuống còn 504,5 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 32% tổng vốn đầu tư. Tiến độ vốn góp cũng được điều chỉnh từ giai đoạn từ năm 2021 - 2022 đến năm 2025.
Đối với số vốn còn lại vay ngân hàng và vốn huy động hợp pháp khác được nâng từ 1.052 tỷ đồng chiếm 66,8% tổng vốn đầu tư lên 1.072 tỷ đồng. Tiến độ huy động vốn cũng kéo dài từ năm 2024 đến năm 2025.
Lý do điều chỉnh được Sơn Hà cho biết là do căn cứ vào tình hình thực hiện dự án thực tế và biến động chi phí, dự toán các hạng mục đầu tư để triển khai dự án.
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Sơn Hà điều chỉnh vốn góp. Ngày 15/3/2021, Tập đoàn Sơn Hà được Chính phủ đồng ý quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Tam Dương I - khu vực 2, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng, kinh doanh đất có hạ tầng và kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.
Địa điểm thực hiện dự án tại xã Hướng Đạo, xã Đạo Tú và thị trấn Hợp Hòa, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc với quy mô sử dụng đất của dự án 162,33 ha, trong đó phần đất xây dựng hạ tầng khu công nghiệp là 156,76 ha và phần đất 5,57 ha (đất tôn giáo, tín ngưỡng; đất hành lang an toàn lưới điện) được giữ nguyên hiện trạng và có biện pháp bảo vệ.
Tổng vốn đầu tư của dự án là 1.316,12 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Nhà đầu tư là 198,734 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm kể từ ngày được quyết định chủ trương đầu tư (10/3/2021).
Đến ngày 27/7/2021, Sơn Hà nâng tổng mức đầu tư lên 1.576,4 tỷ đồng và tăng giá trị vốn góp của mình lên tới 523,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Tập đoàn đã phải điều chỉnh giảm vốn góp vào dự án.
Số liệu từ báo cáo tài chính ghi nhận, Tập đoàn Sơn Hà đã đầu tư 202 tỷ đồng vào Dự án Tam Dương. Trong đó, Tập đoàn đã vay 140,7 tỷ đồng từ Ngân hàng Vietinbank với tổng hạn mức gói vay lên tới 1.073 tỷ đồng. Tức là trong số 202 tỷ đồng đã vào Khu công nghiệp Tam Dương thì chủ yếu số vốn đến từ vay ngân hàng, tiền vốn góp của Sơn Hà giải ngân không đáng kể.
Việc điều chỉnh giảm vốn góp vào dự án của Sơn Hà cũng không loại trừ nguyên nhân Tập đoàn này đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh các lĩnh vực chính.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 của Tập đoàn Sơn Hà ghi nhận, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.906 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá vốn hàng bán tăng theo nên lợi nhuận gộp giảm nhẹ chỉ còn 180 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng mạnh chủ yếu do chi phí lãi vay tăng cao, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao dẫn đến Sơn Hà báo lỗ 94 triệu đồng trong quý 3 năm nay trong khi cùng kỳ năm ngoái có lãi. Công ty mẹ báo lỗ 7,7 tỷ đồng trong khi năm ngoái lãi 1 tỷ đồng.
Vay nợ của Sơn Hà cũng tăng mạnh theo thời gian. Nợ phải trả tính đến cuối quý 3 vừa qua là 4.679 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với vốn chủ sở hữu. Trong đó, vay nợ tài chính 3.881 tỷ đồng tăng mạnh so với con số đầu năm chiếm 59% tổng cộng nguồn vốn, tức là hoạt động kinh doanh của Sơn Hà chủ yếu đến từ nguồn vốn đi vay.
Việc phải chi trả tiền vay tăng mạnh cùng với các khoản phải thu tăng dẫn đến dòng tiền kinh doanh của Sơn Hà liên tục trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng, và âm nặng lên tới con số 1.289 tỷ đồng trong khi con số này đầu năm là âm 337 tỷ đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra đầu năm 2022, Chủ tịch Sơn Hà ông Lê Vĩnh Sơn cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu năm nay sẽ có doanh thu từ khu công nghiệp Tam Dương, tỷ lệ khai thác được là 30-40 ha đất thương phẩm. Ông Sơn cũng đánh giá đầu tư vào lĩnh vực này là việc làm thận trọng bởi nếu phân bổ nguồn lực không phù hợp sẽ gặp rủi ro.
Trong báo cáo chiến lược triển vọng ngành bất động sản khu công nghiệp năm 2023, Chứng khoán VnDirect cho rằng động lực tăng trưởng nhóm này đang phai mờ dần trong năm nay sau khi tăng trưởng tốt vào năm 2022.
Các yếu tố tích cực đối với bất động sản công nghiệp đang mờ dần tới từ dòng vốn FDI chậm lại FDI đăng ký mới 9T22 giảm 15,3% so với cùng kỳ do tâm lý thận trọng của nhà đầu tư với kinh tế toàn cầu phục hồi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và việc FED tăng lãi suất có thể tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Việt Nam có sức hút vững chắc nhờ vị trí gần Trung Quốc, giá thuê đất thấp, chi phí năng lượng cạnh tranh và lao động lành nghề. Tuy nhiên, đang có sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các quốc gia khác và Việt Nam hiện đang tụt lại phía sau trong việc thu hút dòng vốn FDI vào ngành xe điện và công nghiệp bán dẫn.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vi-dau-tap-doan-son-ha-bat-ngo-giam-von-gop-vao-du-an-khu-cong-nghiep-tam-duong-i-a200849.html