Giao dịch chứng khoán chiều 9/1: Thị trường xanh vỏ đỏ lòng, thanh khoản giảm mạnh

Áp lực bán lan rộng khiến sắc đỏ chiếm ưu thế nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn làm tốt nhiệm vụ nâng đỡ thị trường, với điểm nhấn là VCB, đã giúp VN-Index hồi phục sắc xanh trong đợt khớp lệnh ATC.

Mặc dù mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần ngày 9/1 khá thuận lợi, chỉ số VN-Index nhanh chóng vượt mốc 1.060 điểm khiến nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng tốc sau tuần đầu năm đầy hứng khởi, nhưng thực tế đã không như mong đợi.

Ngay khi thử thách ngưỡng 1.060 điểm, thị trường đã hạ độ cao và lình xình đi ngang quanh vùng giá 1.055 điểm trong suốt nửa còn lại của phiên sáng. Trạng thái phân hóa diễn ra khá mạnh trên thị trường và nhóm cổ phiếu trụ cột chính là ngân hàng vẫn khá lẻ bóng, đóng vai trò điểm tựa chính của thị trường.

Diễn biến mong manh này đã khiến thị trường trở nên yếu hơn trong phiên chiều. Áp lực bán dần gia tăng sau khoảng 30 phút giao dịch đã đẩy VN-Index về sát mốc tham chiếu và nhanh chóng đổi sắc.

Thị trường biến động giằng co nhẹ quanh vùng giá tham chiếu và tưởng chừng sẽ đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng dòng bank vẫn làm tốt nhiệm vụ trụ đỡ chính với tâm điểm chính là anh cả VCB, đã kịp thời kéo VN-Index qua mốc tham chiếu trong đợt khớp lệnh ATC bất chấp sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử.

Đóng cửa, sàn HOSE có 149 mã tăng và 234 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 2,77 điểm (+0,26%) lên 1.054,21 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 475,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 8.518 tỷ đồng, giảm 31,08% về khối lượng và 28,7% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 6/1. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 88,86 triệu đơn vị, giá trị 2.004,48 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, VCB có công lớn giúp thị trường lấy lại sắc xanh. Là cổ phiếu tăng tốt nhất ngành và cũng dẫn đầu trong rổ VN30, cổ phiếu VCB đóng cửa tăng 3,5% lên mức giá cao nhất ngày 86.900 đồng/CP.

Ngoài ra, một số mã bluechip khác cũng tiếp sức thị trường như NVL tăng 1,8%, VJC tăng 1,3%, PLX và VNM cùng tăng 1,1%, HPG tăng 1%...

Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoài VCB, các mã tăng tốt khác phải kể đến CTG cũng đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 29.100 đồng/CP, tăng 1,7%; các cổ phiếu khác như VIB tăng 2,7%, HDB tăng 1,8%, STB tăng 1,4%, EIB và VIB cùng tăng 2,5%...

Trái lại, cổ phiếu LPB bị bán mạnh sau phiên bốc đầu cuối tuần trước, đã quay đầu giảm 1,38% và đóng cửa tại mức giá 14.250 đồng/CP, cùng một số mã cũng không giữ được sắc xanh như BID giảm 1,56%, VPB, SHB, ACB giảm trên dưới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán phân hóa với VND, SSI, HCM, VCI, VIX nhích nhẹ, trong khi TVB, TVS, VDS, FTS, BSI, AGR đóng cửa trong sắc đỏ.

Nhóm cổ phiếu thép cũng kém tích cực hơn với HSG và NKG cùng đóng cửa giảm hơn 1%; HPG cũng thu hẹp biên độ và chỉ còn tăng 1%.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, anh cả VIC giật lùi và giảm 2% xuống mức giá thấp nhất ngày 55.000 đồng/CP. Nhiều mã khác cũng chuyển sắc đỏ hoặc nới rộng đà giảm như PDR giảm 3,4%, NLG giảm 5,47%, DIG giảm 2%, DXG giảm 3,41%, VCG giảm hơn 1%...

Trong khi đó, HPX vẫn là điểm sáng của ngành khi đóng cửa ở mức giá trần 5.020 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 7,89 triệu đơn vị và dư mua trần tới gần 9,4 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã vừa và nhỏ khác cũng đóng cửa trong sắc tím như IBC, LGL, DTT, SRF.

Trên sàn HNX, sau nhịp rung lắc nhẹ đầu phiên, thị trường đã đảo chiều giảm điểm trước sức ép gia tăng từ nhóm cổ phiếu bluechip.

Đóng cửa, sàn HNX có 69 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index giảm 0,98 điểm (-0,47%), xuống 209,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 41,62 triệu đơn vị, giá trị 642,56 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,15 triệu đơn vị, giá trị 112,88 tỷ đồng.

Cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng kém tích cực với SHS lùi về mốc tham chiếu 8.900 đồng/CP và vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với xấp xỉ 7,7 triệu đơn vị khớp lệnh; MBS đảo chiều giảm nhẹ 0,7% xuống 13.600 đồng/CP và khớp 1,42 triệu đơn vị; BVS giảm 6,9% xuống mức thấp nhất ngày 19.000 đồng/CP…

Bên cạnh đó, ở nhóm bất động sản, cổ phiếu CEO cũng đảo chiều giảm mạnh và đóng cửa giảm 4% xuống mức 19.300 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua SHS với 7,44 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi IDC may mắn giữ được sắc xanh nhưng chỉ tăng 0,3%; NRC cũng hạ độ cao khi tăng 2,3%, đều có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều giảm điểm trong phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,02 điểm (-0,03%), xuống 72,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 19 triệu đơn vị, giá trị 260,37 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,71 triệu đơn vị, giá trị 59,98 tỷ đồng.

Chỉ có 4 mã có thanh khoản hơn 1 triệu đơn vị. Trong đó, BSR dẫn đầu với 4,83 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa đứng tại mốc tham chiếu 14.600 đồng/CP.

Các mã sau đó cũng đều giao dịch kém khởi sắc với C4G giảm 1,9% xuống 10.600 đồng/CP và khớp 1,82 triệu đơn vị, VHG đứng giá tham chiếu 2.400 đồng/CP và khớp 1,46 triệu đơn vị, DSC giảm 3,2% xuống 24.100 đồng/CP và khớp 1,15 triệu đơn vị.

Cổ phiếu NHV vẫn đóng cửa tại mức giá sàn 14.000 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 0,4 triệu đơn vị và dư bán sàn 135.000 đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng nhẹ, trong đó VN30F2301 đáo hạn gần nhất đóng cửa tăng 2,6 điểm (+0,2%) lên 1.053,6 điểm, dẫn đầu thanh khoản với 266.050 đơn vị, khối lượng mở gần 48.980 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, nhưng CHPG2221 với khối lượng giao dịch cao nhất khi có 1,9 triệu đơn vị đã tăng 22,2% lên 110 đồng/cq.

Theo sau là CSTB2222 với 1,18 triệu đơn vị, đóng cửa đứng giá tham chiếu 1.290 đồng/cq.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/giao-dich-chung-khoan-chieu-91-thi-truong-xanh-vo-do-long-thanh-khoan-giam-manh-a201235.html