Đề xuất áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện tương tự như điều hành giá xăng, dầu đã được EVN đưa ra tại hội nghị triển khai Quyết định 1479/QĐ-TTg của Thủ tướng và Kế hoạch huy động các nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty tham gia các hoạt động, dự án đóng góp vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Hội nghị do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức hồi giữa tháng 12/2022.
Tại sự kiện nêu trên, ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho biết, năm 2022, giá chi phí đầu vào cho sản xuất điện tăng rất cao. Điển hình, giá dầu tăng mạnh, giá khí “ăn theo” giá dầu, còn giá than tăng 600% so với đầu năm 2021; trong khi đó, giá bán điện vẫn giữ bình ổn từ năm 2019 đến nay. Do nguyên nhân tổng hợp từ các yếu tố nêu trên, tình hình tài chính EVN năm 2022 và thời gian tới có rất nhiều khó khăn.
Theo lãnh đạo EVN, vấn đề mất cân đối tài chính dẫn đến nguy cơ EVN sẽ không có nguồn chi phí để hoạt động; có nguy cơ không có tiền trả cho các đơn vị bán điện cho EVN thời gian tới. Kéo theo đó, hệ số xếp hạng tín dụng của EVN sẽ bị đánh giá thấp; việc vay vốn ngân hàng cho các dự án đầu tư xây dựng điện cũng sẽ vô cùng khó khăn.
Thực trạng này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước. Chính vì vậy, để đóng góp hiệu quả vào chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, EVN kiến nghị áp dụng cơ chế thị trường cho giá điện, khi các yếu tố đầu vào tăng thì giá điện tăng và ngược lại một cách kịp thời theo một cơ chế tự động, tương tự như cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu.
Bên cạnh đó, EVN kiến nghị Chính phủ xem xét giao EVN và các tổng công ty phát điện triển khai các dự án nguồn điện quan trọng, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có cơ chế, chính sách để các dự án nguồn điện, lưới điện quan trọng vì an ninh quốc gia thuộc danh mục ưu tiên của Nhà nước được sử dụng vốn vay ODA và cho EVN vay lại không chịu rủi ro tín dụng.
Về đề xuất này của EVN, tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 3/1 mới đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tại Quyết định 24 của Thủ tướng đã quy định về cơ chế điều chỉnh giá điện trong năm.
Theo đó, hàng quý EVN có trách nhiệm cập nhật chi phí phát điện quý trước, dự kiến thông số đầu vào của khâu phát điện các quý còn lại trong năm để tính toán giá bán lẻ điện bình quân. Nếu thông số đầu vào trong khâu phát điện thay đổi làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 3% trở lên thì giá điện được phép điều chỉnh tăng và ngược lại.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã giao Bộ Công thương phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu phương án đề xuất của EVN theo đúng Quyết định 24 để xây dựng lộ trình tăng giá điện trên cơ sở đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng.
Thông tin từ Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, từ đầu năm 2022, do biến động giá nhiên liệu (than, dầu, khí) thế giới làm cho chi phí sản xuất điện và mua điện của EVN tăng cao. Theo diễn biến giá nhiên liệu các tháng đầu năm 2022 và nếu căn cứ kế hoạch vận hành hệ thống điện đã được Bộ Công thương phê duyệt từ đầu năm thì kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 của EVN có thể lỗ lên tới khoảng 64.800 tỷ đồng.
EVN đã nỗ lực, cố gắng để giảm chi phí nhưng với các giải pháp trong nội tại mà EVN đã thực hiện vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn.
Kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng đầu năm 2022 của công ty mẹ EVN lỗ khoảng 15.758 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.
Theo các dự báo mới nhất của các tổ chức quốc tế, khả năng giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021, do đó dự kiến năm 2023 EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính.
Năm 2023 dự kiến giá nhiên liệu (than, dầu, khí) trên thế giới vẫn đang ở mức cao theo các nguồn dự báo, tỷ giá ngoại tệ USD liên tục tăng trong thời gian qua. Đồng thời tỷ trọng các nguồn điện có giá thành rẻ (như thủy điện) có xu hướng giảm và tăng tỷ trọng các nguồn điện có giá bán cao.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhap-nhom-gia-dien-a201322.html