Tổng cục Thống kê: Thu nhập người lao động năm 2022 tăng

Năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động tăng 927.000 đồng, số thất nghiệp giảm hơn 359.000 người so với năm 2021.

Cơ quan thống kê ngày 10/1 cho biết, thu nhập bình quân theo tháng của người lao động năm 2022 đạt 6,7 triệu đồng, tăng 16% (tương đương 927.000 đồng) so với 2021 và tăng 12,7% (tương đương 759.000 đồng) so với năm 2019 - thời điểm trước khi Covid-19 bùng phát.

Tổng cục Thống kê đánh giá, nhờ hầu hết các ngành tăng trưởng trong 2022, thu nhập của người lao động ở 3 khu vực kinh tế đều tăng so với năm trước. Trong đó, mức tăng mạnh nhất được ghi nhận ở khu vực công nghiệp - xây dựng (tăng 17,6%, tương đương hơn 1,1 triệu đồng), kế đến là dịch vụ (tăng 15,4%, khoảng 1 triệu đồng), cuối cùng là nông lâm thuỷ sản (tăng 9,8%, khoảng 448.000 đồng).

Với lao động hưởng lương, thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng, tăng 15,1% (tương đương 992.000 đồng) so với năm ngoái. Nếu so với thời điểm trước dịch, thu nhập của nhóm này cũng tăng 12,5%, tương đương 847.000 đồng.

Thu nhập của lao động nam là 8 triệu đồng một người một tháng, gấp 1,14 lần so với nữ. Nếu xét theo khu vực, người lao động tại thành thị cao gấp 1,23 lần so với người tại nông thôn, tương ứng 8,4 triệu đồng so với 6,9 triệu đồng.

Bên cạnh thu nhập tăng, theo cơ quan thống kê, tình trạng thất nghiệp trong năm 2022 cũng giảm nhẹ so với năm 2021 - năm ghi nhận mức thất nghiệp cao kỷ lục 3,98% (quý III/2021). Năm 2022, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động gần 1,07 triệu người, giảm hơn 359.000 người so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp là 2,32%, giảm 0,88 điểm phần trăm. So với trước dịch (năm 2019 trở lại), tỷ lệ thất nghiệp năm 2022 cao hơn 0,16 điểm phần trăm.

Lý giải về điều này, phía Tổng cục Thống kê cho biết, tỷ lệ thất nghiệp 2,32% không phải là con số thấp so với các nước trong khu vực và phản ánh đúng thực trạng của Việt Nam vừa qua.

Trước quý IV, tình hình lao động việc làm đã khởi sắc do kinh tế tăng trưởng tốt. Thậm chí, thời điểm đó, nhiều dự báo đánh giá, về cuối năm, thị trường lao động sẽ tốt do nhà máy, công xưởng cần nhiều nhân công phục vụ hàng lễ, tết. Tuy nhiên, các biến động kinh tế toàn cầu suy giảm, lạm phát tăng... đã khiến số lượng đơn hàng (đặc biệt là dệt may, da giày, chế biến gỗ...) tại Việt Nam giảm mạnh.

Thị trường lao động các tháng cuối 2022 ghi nhận lượng công nhân thiếu, mất việc tăng mạnh do nhà máy, công xưởng không có đơn hàng. Đơn cử, tại TP HCM, 110.000 lao động bị thiếu, mất việc, trong đó 6.300 người bị cắt giảm. Cũng trong 2022, số người rút bảo hiểm xã hội một lần là 895.000 người, tăng 3,7% so với cùng kỳ 2021.

"Thị trường lao động quý IV có phục hồi nhưng tốc độ tăng chậm lại và không đạt được như kỳ vọng", Tổng cục Thống kê nói. Thông thường, tỷ lệ thiếu việc làm của quý IV thường có xu hướng thấp nhất trong năm thì nay lại bị đẩy lên cao hơn so với quý trước.

Cơ quan này cũng cho biết, thị trường lao động cũng bị chậm lại, có thể kéo dài hết quý I sang đầu quý II/2023.

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tong-cuc-thong-ke-thu-nhap-nguoi-lao-dong-nam-2022-tang-a201520.html