Chứng khoán Mỹ tăng điểm nhờ cổ phiếu công nghệ hồi mạnh, giá dầu giảm

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (29/3), khi giá cổ phiếu hồi mạnh và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện khi cuộc khủng hoảng ngân hàng tiếp tục dịu đi. Giá dầu thô giảm do nhà đầu tư chốt lời sau hai phiên tăng liên tiếp trước đó.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 323,35 điểm, tương đương tăng 1%, chốt ở 32.717,6 điểm. Chỉ số S&p 500 tăng 1,4%, đạt 4.027,81 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng gần 1,8%, đạt 11.926,24 điểm.

Cổ phiếu các công ty công nghệ vốn hoá lớn đồng loạt tăng, như Meta và Netflix tăng hơn 2%; Apple tăng gần 2%; Amazon tăng hơn 3%.

Cổ phiếu Micron tăng hơn 7% sau khi hãng chip công bố kết quả kinh doanh quý, cho dù công ty phải ghi bút toán giảm 1,4 tỷ USD giá trị hàng tồn kho. Nhà đầu tư hài lòng khi Micron cho biết các vấn đề về hàng tồn kho đang cải thiện. Các cổ phiếu chip khác tăng theo Micron, như Nvidia tăng 2% và AMD tăng 1,6%.

Sắc xanh cũng được ghi nhận ở các cổ phiếu ngân hàng khu vực. Chứng chỉ quỹ SPDR S&P Regional Banking ETF tăng khoảng 1%. Cổ phiếu những ngân hàng lớn như Citigroup và Goldman Sachs đều chốt phiên trong trạng thái tăng.

Thời gian gần đây, cổ phiếu công nghệ và ngân hàng là những nhóm bị bán mạnh nhất do nỗi lo về lãi suất tăng và khủng hoảng ngân hàng. Giờ đây, dù mối lo lãi suất vẫn còn đó, thị trường đã không còn lo nhiều về sức khoẻ của hệ thống ngân hàng. Nhờ vậy, các cổ phiếu này hồi phục và đưa thị trường lên theo.

Tiếp tục phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) còn tăng lãi suất để chống lạm phát, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng phiên này. Lợi suất của kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên mức 3,57%, lợi suất của kỳ hạn 2 năm tăng lên mức 4,09%.

Trước đó, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng giảm điểm trong phiên ngày thứ Ba, khi nhà đầu tư lo ngại lãi suất tăng có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái cho dù cuộc khủng hoảng ngân hàng có vẻ đã được khống chế.

“Mỗi ngày trôi qua mà không có thêm thứ gì đổ vỡ là một ngày tốt”, Chủ tịch Ed Yardeni của Yardeni Research nhận định với hãng tin CNBC. Ông nói thêm rằng vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (SVB) có thể đã là sự đổ vỡ lớn nhất và cuối cùng trong hệ thống ngân hàng, và điều này giúp nhà đầu tư tin tưởng rằng Fed kiểm soát được rủi ro ro lây lan.

“Thị trường đã chờ đợi đến vụ đổ vỡ tiếp theo, nhưng có lẽ câu chuyện đã dừng ở SVB”, ông Yardeni nói.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,37 USD/thùng, tương đương giảm 0,5%, còn 78,28 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 0,23 USD/thùng, tương đương giảm 0,3%, còn 72,97 USD/thùng.

Dầu giảm giá do nhà đầu tư chốt lời sau hai phiên tăng liên tiếp, nhưng thị trường vẫn được hỗ trợ bởi những tín hiệu về sự thắt chặt của nguồn cung.

“Thị trường dầu đang cố gắng tìm một điểm cân bằng”, ông Dennis Kissler - Chủ tịch cấp cao của BOK Financial - phát biểu, nhấn mạnh việc các quỹ đầu tư đã mua mạnh dầu trong 2 phiên trước.

Bên phía nguồn cung, nỗi lo về sự thắt chặt đã nổi lên sau khi thống kê cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ bất ngờ giảm. Việc vùng người Kurd ở Iraq phải tạm ngừng việc xuất khẩu dầu cũng là một nhân tố hỗ trợ giá dầu mấy ngày gần đây, bù lại việc Nga được cho là cắt giảm sản lượng dầu ít hơn dự kiến.

Báo cáo hàng tuần từ Bộ Năng lượng Mỹ cho thấy lượng dầu tồn kho của nước này giảm trong tuần trước, thay vì tăng như dự báo, do các nhà máy lọc dầu tăng hoạt động sau mùa bảo trì hàng năm. Ngoài ra, lượng tồn kho xăng cũng giảm, cho thấy nhu cầu đang mạnh lên trước khi bước vào những tháng mùa hè.

“Bản báo cáo công bố ngày hôm nay có tác dụng hỗ trợ giá dầu, nhưng bức tranh lớn lại phức tạp hơn nhiều”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của Again Capital nói với hãng tin Reuters.

Thông tin về lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm được đưa ra sau khi có tin vùng người Kurd tự trị ở phía Bắc của Iraq phải dừng xuất khẩu 450.000 thùng dầu mỗi ngày sau một phán quyết của toà trọng tài. Trong khi đó, một số nguồn tin nói rằng sản lượng dầu của Nga chỉ giảm 300.000 thùng/ngày trong 3 tuần đầu của tháng 3, ít hơn nhiều so với mức giảm 500.000 thùng/ngày mà nước này công bố lúc đầu.

Những thông tin có tác dụng trái chiều này đang “gây nhiễu” diễn biến giá dầu, khiến thị trường khó xác định phương hướng. Nhưng dù sao, giá dầu đang vững lên sau khi rớt xuống đáy 15 tháng vào hôm 20/3 do ảnh hưởng của khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ và Thuỵ Sỹ.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-my-tang-diem-co-phieu-a201870.html