Năm 2023: Sản xuất, tiêu dùng sẽ còn khó khăn

Dự kiến trong năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa của TP.HCM tăng 12%, sản xuất công nghiệp tăng 7,5%. Cả hai chỉ số này đều thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm 2022…

doanh-thu-ban-le-1673582343.jpg Doanh thu bán lẻ hàng hóa của TP.HCM năm 2022 đạt 625.520 tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm 2021.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM đã tăng trở lại trong năm 2022, điều này cho thấy xu hướng phục hồi, nhưng tình trạng sụt giảm đơn hàng gần đây của nhiều doanh nghiệp cho thấy tình hình sản xuất, tiêu dùng trong năm 2023 chưa có nhiều khả quan.

NĂM 2023, DỰ KIẾN BÁN LẺ CỦA TP.HCM TĂNG 12%

Theo số liệu của Sở Công thương TP.HCM, trong năm qua, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của TP.HCM ước tăng gần 14% so cùng kỳ (cùng kỳ giảm 14,3%); trong đó, 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 20,4% (cùng kỳ giảm 10,6%), cao hơn 6,5 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp đã chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm dần tỷ trọng các ngành công nghệ thấp, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp trung bình và công nghệ cao.

Trong năm qua, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước năm 2022 ước đạt 115,7 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1.089.446 tỷ đồng, tăng 30,5% so với năm 2021; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 625.520 tỷ đồng, tăng 20,5%.

Thành phố vẫn duy trì chương trình bình ổn thị trường với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; một số hàng hóa có lượng hàng chiếm tới 30 - 50% thị phần; cung ứng hàng hóa cho người dân luôn được bảo đảm thực hiện thường xuyên. 

Đại diện cho các doanh nghiệp tham dự Hội nghị tổng kết năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của ngành công thương TP.HCM, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, cho rằng trong năm 2023 thành phố càn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, liên kết để phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thông qua tổ chức nhiều chương trình đưa hàng hóa đến các tỉnh, thành và ở chiều ngược lại tổ chức liên kết vùng với các địa phương có vùng nguyên liệu sản xuất lớn.

Trong năm 2023, xác định doanh nghiệp vẫn còn đối diện nhiều khó khăn, như sức mua giảm ở các thị trường xuất khẩu nên ảnh hưởng đến một số ngành, doanh nghiệp phải ngừng hoặc điều chỉnh quy mô sản xuất. 

Theo đó trong năm 2023, các chỉ tiêu của ngành công thương TP.HCM đặt ra ở mức tăng trưởng 12% đối với tổng mức bán lẻ hàng hóa và tăng 7,5% đối với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP). Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu tăng khoảng 10% so với năm 2022.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, các chỉ tiêu đặt ra dựa trên những khó khăn chung như khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn khó, chi phí nguyên vật liệu tiếp tục tăng. Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu chưa được khắc phục. Ngoài ra, chi phí trong logistics tương đối lớn mà doanh nghiệp phải đối diện cùng những khó khăn tiềm ẩn khác.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Sở sẽ xác định lại các ngành công nghiệp trọng điểm theo hướng phù hợp với tình hình thực tiễn. Về thương mại, sẽ ứng dụng phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu.

ĐỐI DIỆN SỤT GIẢM ĐƠN HÀNG

Nhận định về hoạt động thương nghiệp TP.HCM sau một năm thoát khỏi bùng phát dịch Covid-19, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng kinh tế - xã hội thành phố trong năm 2022 phục hồi nhanh, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, vượt mức trên 9%, trong đó có sự đóng góp của ngành công thương.

vo-van-hoan-1673582392.jpg Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM: "Ngành công thương thành phố tiếp tục nâng cao năng lực dự báo để chủ động xây dựng các kịch bản và chuẩn bị ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra” - Ảnh: PC.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công thương thành phố đã, đang và dự báo sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức, như: sụt giảm đơn hàng, khó khăn tiếp cận tín dụng…

“Năm 2023, TP.HCM đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 7,5 - 8% so với năm 2022. Để đạt được chỉ tiêu này, ngành công thương thành phố cần tham mưu nhiều giải pháp mới, có tính đột phá, đặc biệt về phát triển kinh tế công nghiệp và thương mại; tiếp tục nâng cao năng lực dự báo để chủ động xây dựng các kịch bản và chuẩn bị ứng phó mọi tình huống có thể xảy ra”, ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng đề nghị ngành công thương thành phố cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động thương mại với các tỉnh, thành khác; thực hiện kích cầu đầu tư cho doanh nghiệp bình ổn thị trường, liên kết, kết nối ngân hàng; xây dựng lại kế hoạch phát triển trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề…

Còn theo ông Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương, cho rằng TP.HCM có Nghị quyết 54 với nhiều cơ chế đặc thù. Do đó, ngành công thương thành phố cần cụ thể hóa bằng những kế hoạch, những cơ chế chính sách cụ thể trong thời gian tới. Theo đó, ngành công thương TP.HCM cần tiếp tục tham gia góp ý những cơ chế chính sách, kế hoạch, chương trình hành động để Bộ Công Thương  thiết kế, đưa vào chính sách.

Cùng với đó, tham mưu kế hoạch phát triển thành phố trong cái giai đoạn tới, đặc biệt là những lĩnh vực như logistics, công nghiệp công nghệ cao, nền tảng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nam-2023-san-xuat-tieu-dung-se-con-kho-khan-a201892.html