Hôm 13/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo Quốc hội rằng Mỹ sẽ chạm trần nợ sau 6 ngày, sớm hơn hẳn dự kiến của nhiều người. Điều này không có nghĩa là chính phủ sẽ không thể trả nợ ngay vào ngày 19/1. Bà Yellen tin rằng Bộ Tài chính Mỹ có đủ tiền mặt và phương thức huy động tiền để trụ đến đầu tháng 6.
Nếu chỉ nhìn vào phản ứng của thị trường chứng khoán Mỹ, bạn sẽ không nhận thấy có điều gì bất thường. Khi bà Yellen đưa ra thông báo, chỉ số S&P 500 đang giảm 0,2% so với tham chiếu nhưng lại đóng cửa tăng 0,4%.
Có lẽ đây là điều hợp lý. Thị trường có rất nhiều điều phải lo nghĩ, từ dữ liệu kinh tế cho đến lợi nhuận doanh nghiệp và lập trường của Cục Dự trữ Liên bang (Fed). Tất cả những vấn đề này đều có vẻ cấp bách hơn nhiều trần nợ của chính phủ.
Cuộc chiến với lạm phát có lẽ là vấn đề quan trọng nhất – và là lý do chỉ số S&P 500 kết tuần trước với mức tăng 2,7%. Lạm phát giá tiêu dùng tháng 12 của Mỹ đạt 6,5%, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021. Lạm phát lõi đạt 5,7%, thấp hơn mức 6% trong tháng 11.
Nỗi sợ suy thoái cũng dịu xuống, được thể hiện qua khảo sát về tâm lý người tiêu dùng mà Đại học Michigan công bố vào ngày 13/1.
Những thông tin trên và các vị thế vô cùng tiêu cực trước khi thị trường bước vào năm 2023 đã khiến chứng khoán Mỹ ngó lơ thông báo của bà Yellen. Nhưng theo tờ Barron’s, rất có thể trần nợ công của Mỹ - hiện ở mức 31.400 tỷ USD – sẽ trở thành mối lo lớn hơn nhiều.
Quốc hội Mỹ có thể phê duyệt tất cả các khoản chi tiêu mà họ muốn, nhưng cũng cần phê duyệt tổng số nợ mà Mỹ có thể nắm giữ. Trong quá khứ, đây không phải là vấn đề. Mỹ sẽ chạm trần nợ, Quốc hội sẽ nâng nó lên và mọi người nhanh chóng chuyển sang công chuyện khác.
Nhưng tình thế đã thay đổi vào năm 2011, khi các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đe dọa sẽ không làm theo lệ thường. Hậu quả là công ty Standard & Poor hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ vào ngày 8/8, khiến chỉ số S&P 500 cắm đầu giảm 6,6%.
Khó khăn hiện nay có thể còn lớn hơn gấp bội. Ông Michael Gapen, nhà kinh tế trưởng về Mỹ tại Bank of America chỉ ra rằng lần này Quốc hội Mỹ cũng bị chia rẽ, Đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện và Đảng Cộng hòa chiếm Hạ viện.
Tuy nhiên, thỏa thuận mà ông Kevin McCarthy thực hiện để trở thành Chủ tịch Hạ viện Mỹ đã trao khá nhiều quyền lực cho một nhóm nhỏ các nghị sĩ, khiến việc đàm phán về trần nợ càng trở nên rắc rối.
Hậu quả lần này cũng có thể nghiêm trọng hơn nhiều, đặc biệt là nếu Mỹ buộc phải lỡ hạn thanh toán nợ hay ngừng chi tiêu, thậm chí là cho các khoản an sinh xã hội. Tất cả những kịch bản trên đều tính là vỡ nợ và có thể khiến xếp hạng tín dụng của Mỹ tiếp tục bị hạ, gây ra thêm nhiều nỗi đau kinh tế.
Nhà kinh tế Gapen viết: “Điểm mấu chốt là việc trễ hạn thanh toán nợ có thể gây ra nỗi đau kinh tế lớn. Chúng tôi cho rằng tình thế ‘bên miệng hố chiến tranh’ về tài khóa đã quay trở lại, dù hiện đây không phải kịch bản chính của Bank of America”.
Theo Barron's, nợ quốc gia là vấn đề đáng nhận được sự chú ý nghiêm túc thay vì bị kéo vào màn kịch chính trị xoay quanh trần nợ.
Ngân sách năm 2023 của chính quyền Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ tạo ra khoảng thâm hụt 1.200 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều so với mức thâm hụt kỷ lục năm 2020 là 3.100 tỷ USD, nhưng vẫn lớn hơn con số 984 tỷ USD của năm 2019.
Nợ quốc gia của Mỹ hiện bằng 120% GDP, tăng đáng kể so với mức 106% GDP năm 2019. Thâm hụt ngân sách chưa trở thành rắc rối cho Mỹ, nhưng thị trường đã bắt đầu mất kiên nhẫn với những nước khác. Ví dụ, Anh bị buộc phải rút lại chương trình chi tiêu tài khóa sau khi thị trường trái phiếu phản ứng dữ dội.
Ông Solomon Tadesse, quản lý cấp cao của Société Générale, chỉ ra rằng mức thâm hụt lớn cũng khiến cuộc chiến chống lạm phát trở nên nhọc nhằn hơn. Chính phủ bớt chi tiêu thâm hụt sẽ giúp công việc của Fed trở nên dễ dàng hơn.
Nếu không, Fed sẽ rơi vào chu kỳ thắt chặt quá mức và giảm mạnh quy mô bảng cân đối kế toán, sau đó buộc phải cắt giảm lãi suất và nới lỏng định lượng nhiều hơn để sửa chữa sai lầm. Điều này sẽ càng thúc đẩy lạm phát và khởi động lại “vòng xoáy tai hại”.
Nợ quốc gia cũng khiến Fed khó thực hiện công việc của mình hơn. Ông Barry Bannister, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại Stifel, lưu ý rằng lợi suất cao sẽ khiến việc trả lãi cho khoản nợ quốc gia trở nên bất khả thi, buộc Fed phải giới hạn lợi suất, giống như những gì cơ quan này đã làm trong và sau Thế chiến thứ hai.
Biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất sẽ giúp Mỹ có khả năng trang trải nợ, nhưng là tin xấu với chứng khoán vì dẫn đến sự gia tăng của lạm phát và làm giảm định giá cổ phiếu.
Ông Bannister dự kiến đến năm 2030, P/E của chỉ số S&P 500 sẽ giảm một nửa từ mức đỉnh năm 2021, bất chấp EPS tăng gấp đôi. Và nếu vậy thì S&P 500 sẽ kết thúc thập niên này ở mức bằng với năm 2021.
Dự đoán trên không liên quan gì tới cuộc phục hồi hiện tại của thị trường. Ông Bannister cho rằng chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục đi lên trong “thị trường gấu trong biên độ kéo dài”.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/no-cua-chinh-phu-my-co-the-dem-den-rac-roi-cho-thi-truong-chung-khoan-a202460.html