Chuyên gia “bật mí” kỹ năng chuẩn bị thực phẩm Tết

Thời điểm này, các gia đình đang tất bật và rộn ràng chuẩn bị cho Tết. Chuyên gia ẩm thực Dương Văn Hùng- Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội đầu bếp Việt Nam bật mí cách chuẩn bị thực phẩm cho Tết một cách khoa học, hợp lý.

Chắc hẳn, để sắm sửa thực phẩm cho Tết, các gia đình đã phải dành nhiều tâm sức để lên kế hoạch và dành nhiều thời gian cho công việc này.

Mất cả một buổi sáng, 2 chị em bà Nguyễn Thị Hồng, ở thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc mới bàn bạc, hoàn thiện được danh sách thực đơn cho Tết. Theo truyền thống, đại gia đình gần 40 người học tập, sinh sống và làm việc ở khắp nơi đều tập trung đông đủ dịp này. “Phải lên thực đơn từ 27 đến mùng 3 Tết trước để còn biết số lượng và đi mua dần. Mình hiểu khẩu vị của mọi người, mấy chục năm nay ăn tết ở quê nên có kinh nghiệm”- bà Hồng nói.

thuc-pham-tet-1674012963.jpg Các gia đình mua thực phẩm chuẩn bị cho Tết

Gần 20kg là số lượng khoai lang để cả nhà cùng nướng vào hôm luộc bánh chưng. Cá, gà, thịt lợn, cua, tôm…. đều được chuẩn bị trước gần một tuần vì còn sơ chế, làm sạch và bảo quản. Rau xanh sẽ mua vào ngày 29 và ngày 30 âm lịch. Để bảo quản được lượng thức ăn trong 5 ngày, với gần 40 người, theo bà Hồng gia đình phải huy động 6 tủ lạnh và một tủ trữ đông.

Theo chuyên gia ẩm thực Dương Văn Hùng- Phó Chủ tịch thường trực Liên chi hội đầu bếp Việt Nam- Trưởng khoa Nấu ăn -Trường Trung cấp nghề Nấu ăn, Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội, việc chuẩn bị thực phẩm cho Tết là điều không thể bỏ qua.

“Người Việt Nam chúng ta có nói là ăn Tết, thưởng thức các món ăn ngon luôn được ưu tiên trong các gia đình. Vì vậy, việc chuẩn bị nguyên liệu để chế biến món ăn ngày Tết cũng đóng vai trò cần thiết, thể hiện được khả năng và sự quan tâm của các "đầu bếp" gia đình với những người còn lại trong một thời điểm đặc biệt, tập trung với số lượng lớn nhất các thành viên trong năm” – ông Hùng cho biết.

Vì coi việc chuẩn bị thực phẩm cho Tết là điều quan trọng và không thể thiếu trong ngày Tết nên phần lớn mọi người thường chi mạnh tay, mua sắm thoải mái hơn thường ngày. Thông thường người dân chuẩn bị khá nhiều thực phẩm cả về chủng loại và số lượng. Thế nhưng, việc tiêu dùng thực phẩm trong ngày Tết khá là cảm tính. Theo chuyên gia Dương Văn Hùng, chúng ta cần ghi nhớ những nguyên tắc cơ bản trong khâu chuẩn bị thực phẩm.

"Thứ nhất, chúng ta cần căn cứ vào khoảng thời gian gia đình sẽ tập trung, sẽ có bao nhiêu bữa ăn. Chi tiết hơn, trong thực đơn ngày Tết, chúng ta phải xem có những món nào dâng cúng, những món nào sẽ có trong mâm cơm để gia đình và bạn bè thưởng thức, từ đó chúng ta sẽ biết về số lượng món ăn, số bữa ăn và sẽ tính được nguyên liệu.

Chuyên gia ẩm thực Dương Văn Hùng chia sẻ, mâm cơm cúng tùy vào nhu cầu làm mấy bát, mấy đĩa từ đó sẽ tính được thực đơn và lượng nguyên liệu. Ngoài ra, trong bữa ăn hiện đại, người nấu cũng phải nắm được sở thích của các thành viên trong gia đình để còn xây dựng những món ăn phù hợp, phải căn cứ vào độ tuổi người già- trẻ nhỏ để cân đối món ăn cho hợp lý.

“Những loại thực phẩm cần thiết trong những ngày Tết thông thường cần chuẩn bị đủ đó là gạo nếp để thổi xôi, gói bánh chưng. Thịt gà để nấu cỗ. Không thể thiếu các loại rau xanh, những rau quả vụ đông xuân là những loại rau quả có hàm lượng các chất dinh dưỡng rất cao, ví dụ như loại hoa lơ, cà rốt. Các loại rau quả tươi để chế biến salat chóng ngấy như dưa leo, cà chua, rau xà lách… Cần chuẩn bị các loại gia vị. Hiện nay các loại gia vị rất phong phú, đặc biệt là các loại sốt đã được chế biến sẵn của các cơ sở sản xuất đã được Nhà nước cấp phép rất tiện dụng trong ngày Tết và linh hoạt trong việc chế biến các món ăn ngày Tết. Đảm bảo ngũ sắc và ngũ vị cho mâm cỗ ngày Tết”- chuyên gia Dương Văn Hùng tư vấn.

chuyen-gia-am-thuc-1674013013.jpg Chuyên gia ẩm thực Dương Văn Hùng

Chuyên gia cũng lưu ý, việc bảo quản thực phẩm trong dịp Tết cũng là một khâu quan trọng. Căn cứ các loại thực phẩm sẽ có cách bảo quản phù hợp như thực phẩm chín, thực phẩm tươi sống và rau củ tươi…

“Các loại rau tươi thì bảo quản ẩm, hạn chế ánh sáng hay nhiệt độ cao, bố trí khăn ẩm phủ lên trên, duy trì độ ẩm để các loại rau đảm bảo tươi nhất, vitamin được bảo tồn một cách đầy đủ nhất trong rau củ tươi.

Bảo quản mát thường áp dụng với các loại đồ ăn chế biến chín, có loại bảo quản ở nhiệt độ dưới 4 độ C, có loại dưới 8 độ C, rồi có ngăn riêng để đồ bánh, sữa … Phải bao gói kín để tránh nhiễm độc chéo, chia thành nhiều phần nhỏ tương ứng với mỗi bữa ăn, mỗi lần lấy ra sử dụng là phải sử dụng hết, không bảo quản lại trong tủ mát nữa.

Bảo quản lạnh thường áp dụng với những thực phẩm tươi sống như thịt, cá, tôm… Lưu ý quan trọng là cần bao gói riêng, chia thành những suất nhỏ, tương ứng với việc chế biến của chúng ta" - chuyên gia Dương Văn Hùng khuyến cáo.

Sắc xuân đang tràn ngập từng con phố và không khí Xuân đang len lỏi vào từng gia đình. Tất nhiên, để có được những ngày Tết vui, đủ đầy và không lãng phí, mỗi gia đình cần lên kế hoạch chi tiết và khoa học ngay từ khâu chuẩn bị thực phẩm./.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chuyen-gia-bat-mi-ky-nang-chuan-bi-thuc-pham-tet-a202614.html