IDG Ventures đã nộp đơn khởi kiện VCCorp

Theo IDG, mục đích của việc khởi kiện lãnh đạo VCCorp ra tòa án Hà Nội và trung tâm trọng tài quốc tế nhằm để "minh bạch với cổ đông".

Với những mâu thuẫn kéo dài từ năm 2017 đến nay vẫn chưa được giải quyết, Phó chủ tịch IDG Ventures Việt Nam Trần Nguyên Huân thông tin đã cùng nhóm cổ đông lớn nộp đơn khởi kiện lãnh đạo VCCorp.

Việc khởi kiện dựa theo các điều khoản trong hợp đồng liên doanh và các quy định của pháp luật Việt Nam. Hồ sơ khởi kiện đã nộp ở Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) và tại tòa án ở Hà Nội về các sai phạm trong quản lý doanh nghiệp.

"Nhóm cổ đông đã nộp hồ sơ từ tháng 9/2022 và tòa án đã đồng ý thụ lý đơn cho các cổ đông vào tháng 12/2022", ông Huân nói về phần lớn đơn của cổ đông đã được chấp thuận, ngoại trừ IDGVV 15 Limited (một công ty nước ngoài) cần hoàn thiện thêm một số hồ sơ.

Bảo vệ quyền lợi cổ đông

Lãnh đạo IDG Ventures Việt Nam nhấn mạnh việc khởi kiện chính công ty đang đầu tư là bước cuối cùng bởi sẽ ảnh hưởng đến giá trị đầu tư, và vẫn mong muốn thông qua đối thoại để giải quyết vấn đề do kiện tụng không có lợi cho các bên.

Quỹ đầu tư mạo hiểm nêu ra 3 mục đích chính cho việc nộp đơn khởi kiện để có được sự minh bạch tốt nhất về thông tin cho các cổ đông.

"Chúng tôi mong muốn lãnh đạo VCCorp điều hành theo đúng điều lệ và các cam kết trong hợp đồng liên doanh. Thứ hai là đảm bảo quyền lợi của các cổ đông, trong đó có nhóm IDG. Ngoài ra còn đảm bảo tính minh bạch để không bị ảnh hưởng đến giá trị công ty", ông Huân nói về các mục tiêu.

pho-chu-tich-idg-ventures-viet-nam-tran-nguyen-huan-1674029353.png

Phó chủ tịch IDG Ventures Việt Nam Trần Nguyên Huân. Ảnh: Huy Lê.

Đại diện quỹ nói rằng vẫn chưa có ý định nào về thay đổi nhân sự, đặc biệt nhấn mạnh sự khác biệt của 2 phạm trù là khởi kiện về sai phạm quản lý và năng lực của lãnh đạo VCCorp.

Trong đó, năng lực của các thành viên đã được chứng minh là những người khởi nghiệp rất thành công. Trong khi câu chuyện khởi kiện nhắm vào vấn đề sai phạm về mặt quản lý và minh bạch với các cổ đông.

Theo IDG Ventures Việt Nam, sau khi nhận thấy các sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo VCCorp nên không thể im lặng, bởi với vị thế nhóm cổ đông lớn nhất thì im lặng nghĩa là đồng thuận với các sai phạm.

Nhóm cổ đông IDG (hiện còn sở hữu khoảng 27% vốn VCCorp) đã nhiều lần sử dụng quyền cổ đông lớn để 8 lần triệu tập Đại hội đồng cổ đông, gần nhất vào tháng 11/2022 nhưng vẫn bất thành.

"Nhiều sai phạm trong quản lý"

Kể từ năm 2017, đại diện IDG Ventures Việt Nam nói rằng đã phát hiện lãnh đạo VCCorp có một số hành động không rõ ràng trong việc cung cấp báo cáo theo hợp đồng liên doanh.

IDG Ventures Việt Nam cho biết đã nhiều lần yêu cầu cung cấp hồ sơ nhưng không được giải quyết, kể cả trong các cuộc họp Hội đồng quản trị.

Đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm nhìn nhận các lãnh đạo VCCorp đang có nhiều dấu hiệu sai phạm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của nhóm IDG và các cổ đông khác kể từ 2017 đến nay.

bo-nhiem-nhan-su-va-quan-ly-von-tai-vccorp-bi-to-khong-dung-theo-quy-dinh-phap-luat-1674029419.png

Bổ nhiệm nhân sự và quản lý vốn tại VCCorp bị tố không đúng theo quy định pháp luật.

IDG Ventures Việt Nam nêu sai phạm rõ nhất là ông Vương Vũ Thắng không còn là chủ tịch HĐQT hợp pháp của VCCorp cho nhiệm kỳ 2021-2026. Nhiệm kỳ của vị này là 2015-2020 và công ty vẫn chưa tổ chức ĐHĐCĐ để bầu HĐQT mới.

Tiếp đến, theo Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ 17.1, VCCorp phải lập một Ban Kiểm Soát độc lập bao gồm các cá nhân không phải là người lao động. Tuy nhiên, các thành viên Ban kiểm soát hiện tại là những người lao động thuộc công ty.

IDG Ventures nhận định các sai phạm về bổ nhiệm nhân sự đã dẫn đến các dấu hiệu sai phạm về sử dụng vốn, không có sự chấp thuận từ HĐQT và cổ đông là trái với quy định của pháp luật cũng như điều lệ công ty.

Nhóm cổ đông nêu một số dẫn chứng như mức lương của ông Vương Vũ Thắng và CEO Nguyễn Thế Tân tăng đột biến nhưng IDG không nhận được bất kỳ nghị quyết nào từ HĐQT và ĐHĐCĐ thông qua.

Ngoài ra, quỹ này cũng không nhận được bất kỳ nghị quyết nào về việc VCCorp tự tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu mới cho nhà đầu tư, bán công ty con Wepay...

Hội đồng quản trị cũng không tiến hành ĐHĐCĐ định kỳ từ năm 2018 đến tháng 11/2022 là vi phạm khoản 2 Điều 14 Điều lệ và Điều 136 Luật Doanh nghiệp 2014, Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020.

Trước các vấn đề được IDG chỉ ra, nhóm cổ đông lớn nhất kêu gọi các cổ đông khác cùng nhau hỗ trợ và có trách nhiệm kiện toàn cơ cấu quản lý như: lập ra HĐQT và Ban kiểm soát đúng quy định, thuê đơn vị kiểm toán độc lập để rà soát các hoạt động trong giai đoạn 2015-2022, triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường.

Hiện IDGVV 15 Limited và IDG Ventures Việt Nam là nhóm cổ đông lớn nhất tại VCCorp và đã kêu gọi nhiều cổ đông khác nộp đơn khởi kiện.

Đại diện truyền thông VCCorp từ chối bình luận về vấn đề khởi kiện của nhóm cổ đông IDG khi Zing liên hệ.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/idg-ventures-da-nop-don-khoi-kien-vccorp-a202667.html