Lãi suất vẫn dự báo tăng cao trong năm 2023

Trong bối cảnh thị trường tài chính vẫn còn nhiều biến số khó lường, các chuyên gia dự báo, năm 2023, lãi suất vẫn sẽ tiếp tục leo cao trong nửa đầu năm, sau đó giảm dần trong nửa cuối năm.

Các chuyên gia dự báo, năm 2023, lãi suất vẫn sẽ tiếp tục leo cao trong nửa đầu năm. Ảnh minh họa. Các chuyên gia dự báo, năm 2023, lãi suất vẫn sẽ tiếp tục leo cao trong nửa đầu năm. Ảnh minh họa.

Lạm phát vẫn bao trùm nền kinh tế thế giới

Trong năm 2022, thế giới đối mặt hàng loạt thách thức như lãi suất tăng cao, lạm phát ngoài tầm kiểm soát, các vấn đề về chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, hay xung đột giữa Nga và Ukraine.

Triển vọng của kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn không mấy lạc quan, khi nhiều vấn đề nhức nhối tiếp diễn, với lạm phát dù có dấu hiệu hạ nhiệt, lãi suất có thể vẫn tiếp tục tăng, trong khi tăng trưởng toàn cầu đang đi xuống.

Trong bản cập nhật hồi tháng 10/2022 về Triển vọng Kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn chưa qua.

Phần lớn các nhà kinh tế đều nhất trí rằng tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại ở hầu hết khu vực, với triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến giảm từ mức 3,2% trong năm 2022 xuống 2,7% vào năm 2023.

Lý do đưa đến cảnh báo trên của IMF là hàng loạt đợt tăng lãi suất năm 2022 sẽ tác động nặng nề nhất đến các nền kinh tế vào năm 2023, khi tác động của chính sách tiền tệ sẽ có độ trễ 12-18 tháng.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa lãi suất cơ bản từ mức 0%-0,25% hồi tháng 3/2022 lên 4,25%-4,5% hiện nay và sẽ còn tăng cao hơn nữa. Điều này đã dẫn đến việc tăng lãi suất hoặc các hình thức thắt chặt tiền tệ khác ở ít nhất 45 quốc gia trên toàn thế giới.

Chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến sụt giảm trong cả đầu tư, tiêu dùng cũng như thị trường nhà ở. Các thị trường cổ phiếu và trái phiếu cũng bị ảnh hưởng, từ đó ảnh hưởng đến sự thịnh vượng chung.

Việt Nam khó đi ngược xu hướng chung

Trước những biến động này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều nỗ lực để duy trì giá trị VND và để giữ ổn định tỷ giá hối đoái, kiểm soát lạm phát, NHNN đã sử dụng nhiều chính sách để can thiệp.

Cụ thể, NHNN nới biên độ tỷ giá giao ngay giữa VND và USD từ +/-3% lên +/-5% từ ngày 17/10/2022, giúp tỷ giá USD/VND niêm yết tại các ngân hàng thương mại được điều chỉnh linh hoạt hơn so với tỷ giá trung tâm.

Song, NHNN cũng bắt đầu tăng các mức lãi suất điều hành sau khi giữ nguyên trong gần 2 năm qua và lãi suất bình quân liên ngân hàng được đẩy lên cao được cho là xuất phát từ định hướng điều hành của NHNN nhằm tạo ra chênh lệch an toàn với lãi suất USD, góp phần kìm hãm đà tăng của tỷ giá.

Cụ thể, NHNN lần đầu tiên tăng lãi suất điều hành vào ngày 22/9/2022 với lãi suất tái cấp vốn từ 4%/năm lên 5%/năm và lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm tăng lên 3,5%/năm.

Tiếp đó, ngày 25/10/2022, NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng từ 6,%/năm lên 7%/năm.

Trong bối cảnh lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược xu hướng chung.

Bên cạnh đó, NHNN cũng điều chỉnh tăng các mức trần lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm; tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm.

Do đó, mặt bằng lãi suất tăng mạnh từ cuối tháng 10/2022, các ngân hàng đã mạnh tay hơn khi điều chỉnh lãi suất huy động từ 6 tháng trở lên và kỳ hạn dưới 6 tháng hầu hết đều áp mức tối đa. Không chỉ khối ngân hàng tư nhân, mà cả khối ngân hàng có vốn nhà nước chi phối cũng lao vào cuộc đua tăng lãi suất từ cuối tháng 10.

So với cuối năm 2021, nhìn chung lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện tăng 3-4%/năm ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Theo các ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động tăng, trong đó quan trọng nhất là tăng lãi suất tiền gửi giúp ngân hàng tăng huy động vốn, cải thiện thanh khoản, đáp ứng nhu cầu vốn tăng cao dịp kinh doanh cao điểm cuối năm.

Để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), các tổ chức tín dụng đã thống nhất quan điểm chỉ đạo của NHNN và ủng hộ đề xuất mức tối đa 9,5%/năm cho lãi suất huy động các kỳ hạn, song chỉ một vài ngân hàng đưa lãi suất tiền gửi về mức đề xuất vì áp lực thanh khoản cuối năm.

Thế nhưng, tại một số ngân hàng, dù đang niêm yết mức lãi suất cao nhất dưới 9,5%/năm, song nếu tham gia các chương trình khuyến mãi, hoặc đáp ứng điều kiện về lượng tiền gửi tối thiểu, mở thêm tài khoản thanh toán online… hoặc là khách VIP thì mức lãi suất thực nhận vẫn ở mức cao, khoảng 12-13%/năm.

Năm 2023 lãi suất vẫn khó hạ nhiệt 

Theo TS. Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), trong năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái. Theo đó, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và dự kiến duy trì chính sách lãi cao đến cuối năm 2024. Như vậy, áp lực lạm phát tăng vẫn lớn, mặt bằng lãi suất cao còn tiếp tục duy trì, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu còn cao.

Trong bối cảnh lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược xu hướng chung. Do đó, cơ quan quản lý sẽ phải nỗ lực hơn nữa để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng thời gian tới, nhất là khi lạm phát lõi có dấu hiệu tăng.

Ở góc nhìn tích cực hơn, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia tài chính nhận định, mặc dù còn chịu sức ép tăng những tháng đầu năm, nhưng lãi suất sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý II/2023.

Các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh sẽ có có hội tiếp cận nguồn tín dụng lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi. Thời điểm này, nhiều ngân hàng thương mại đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, chỉ chờ được cấp hạn mức tín dụng mới là lập tức giải ngân.

Ông Trần Ngọc Báu - Tổng Giám đốc WiGroup - đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu và giải pháp công nghệ tài chính tại Việt Nam cho hay, hiện tại, dòng tiền đang chịu áp lực lớn, tổng cung tiền trong nền kinh tế giảm nhẹ trong năm 2022 - điều chưa từng xuất hiện trong 20 năm qua.

Trong khi đó, cung tiền cần tăng 12-13% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang gặp khó khăn do chênh lệch lớn giữa cho vay và huy động.

Số liệu NHNN cho thấy, tính đến 21/12/2022, tín dụng tăng 12,87% so với cuối năm 2021, trong khi huy động vốn chỉ tăng 6%.

Theo ông Báu, một số tổ chức quốc tế đưa ra nhận định kém lạc quan về kinh tế Việt Nam năm 2023, dấu hiệu đầu tiên là số lượng đơn hàng của doanh nghiệp giảm từ cuối năm 2022.

Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố để cơ quan quản lý cân nhắc hỗ trợ thị trường tiền tệ để kích thích phát triển, do đó bức tranh kinh tế 2023 sẽ vẫn có những gam màu sáng, lãi suất dự báo bắt đầu giảm từ quý II/2023. Tương tự, lạm phát năm 2023 sẽ theo xu hướng tăng trong những tháng đầu năm, trước khi giảm dần sau đó.

Còn Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định, lãi suất điều hành có thể tăng thêm 2%/năm trong năm 2023, trong khi lãi suất liên ngân hàng, thanh khoản hệ thống sẽ duy trì ở mức hiện tại để hỗ trợ tiền đồng.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục duy trì chênh lệch lãi suất VND và USD liên ngân hàng dương để hỗ trợ tỷ giá. Tuy nhiên, do Fed còn duy trì chính sách lãi suất cao, NHNN sẽ khó giảm mạnh lãi suất liên ngân hàng trong những tháng tới.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lai-suat-van-du-bao-tang-cao-trong-nam-2023-a202762.html