Hà Nội đặt mục tiêu phát triển 950 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Năm 2023, Hà Nội phấn đấu có khoảng 950 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, có khoảng 300-350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam…

doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-1674104818.jpg Năm 2023 Hà Nội đặt mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16-17% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, tính đến năm 2022, toàn thành phố có khoảng 900 doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó, có gần 300 doanh nghiệp đã có những sản phẩm đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

DOANH NGHIỆP THIẾU NGUỒN LỰC, VƯỚNG CHÍNH SÁCH

Tuy nhiên, công nghiệp hỗ trợ vẫn bộc lộ nhiều tồn tại. Cụ thể, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Hiện nay tỷ lệ nội địa hóa ngành ô tô đạt khoảng 5 - 20%; điện tử 5 - 10%; da giầy, dệt may 30%; cơ khí chế tạo tỷ lệ nội địa hóa đạt khoảng 15-20%.

Tỷ lệ nội địa hóa thấp nên khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD. Riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành điện tử và ô tô vào khoảng 35 - 50 tỷ USD.

Hơn nữa, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn thiếu nguồn lực để đổi mới. Năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp chưa đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo báo cáo của Tổng Cục Thống kê, trên 30% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của cả nước nói chung hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Xét theo chuỗi giá trị, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may, da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất. Khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường), hơn 20% doanh nghiệp có thực hiện 5S tại doanh nghiệp. Số doanh nghiệp áp dụng các công cụ như Lean, 6 sigma, TQM, TPM chỉ khoảng từ 1-2%.

Bên cạnh đó, theo Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), việc đầu tư, xây dựng, phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội lại càng khó khăn do chi phí thuê mặt bằng sản xuất, nhân công và một số dịch vụ khác tăng cao.

Dù đã có hệ thống chính sách ưu đãi tương đối hoàn thiện nhưng dường như các doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được do các chính sách này còn có nhiều vướng mắc trong khâu thực hiện. Một số quy định ưu đãi còn chung chung khiến các địa phương lúng túng trong triển khai đến các doanh nghiệp.

Cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại địa phương chưa được hoàn thiện, nhất là các chính sách tín dụng… Quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến, khả năng nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm còn hạn chế…

HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHUỖI SẢN XUẤT TOÀN CẦU

Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội năm 2023. Trong đó, phấn đấu năm 2023, TP. Hà Nội có khoảng 950 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Trong đó có khoảng 300-350 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam.

Đặc biệt, giá trị sản xuất công nghiệp của công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 16-17% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Hà Nội. Chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng trên 11-12% (tăng khoảng 1% so với năm 2022).

Chương trình nhấn mạnh, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước qua đó thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Để đạt mục tiêu này trong năm 2023, TP. Hà Nội sẽ thuê chuyên gia tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các ngành nghề, lĩnh vực, mặt hàng sản xuất thuộc danh mục sản phẩm ưu tiên phát triển. Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất.

Đồng thời tổ chức hội chợ chuyên ngành về công nghiệp hỗ trợ năm 2023 với quy mô khoảng 200-300 gian hàng nhằm thu hút các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ quốc tế đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông - Trung Quốc, Thái Lan... tham gia giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu trong công nghiệp chế tạo.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số); nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu…

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ha-noi-dat-muc-tieu-phat-trien-950-doanh-nghiep-cong-nghiep-ho-tro-a202785.html