Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết năm 2022 thị trường dệt may chứng kiến 2 bức tranh có màu sắc đối lập giữa 6 tháng đầu năm khởi sắc và 6 tháng cuối năm đảo chiều khó khăn (8 tháng đầu năm xuất khẩu tăng 20% so cùng kỳ, tháng 9 chỉ còn tăng 11% nhưng tháng 10 và tháng 11 quay đầu giảm lần lượt 4% và 10% so cùng kỳ) khi nhu cầu tiêu thụ dệt may tại các thị trường lớn như Mỹ, EU suy giảm do lạm phát cao và lãi suất tăng.
Xuất khẩu dệt may Việt Nam cả năm mặc dù dự kiến đạt mức cao mới khoảng 44 tỷ USD, tăng 8% so năm 2021 nhưng tốc độ tăng trưởng của Quý 4/2022 đã chậm lại và tình hình khó khăn dự kiến còn tiếp diễn trong năm 2023.
Tuy nhiên, ngành dệt may cũng như những ngành công nghiệp khác đang đứng trước những thác thức như dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt, lạm phát toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh, xung đột Nga - Ukraine còn căng thẳng, bên cạnh đó là đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh.
Trong báo cáo triển vọng ngành dệt may mới đây, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng áp lực lạm phát sẽ tiếp tục thách thức thị trường trong năm 2023.
McKinsey dự báo doanh thu hàng thời trang cao cấp trên toàn cầu sẽ tăng 5-10% so với cùng kỳ, trong khi phần còn lại của thị trường sẽ giảm 3% so với cùng kỳ. Ngoài sự khác biệt giữa thời trang cao cấp và các phân khúc khác trong ngành dệt may, sự khác biệt giữa các vùng cũng sẽ được thể hiện rõ. Nền kinh tế Mỹ, mặc dù dự kiến sẽ chậm lại, nhưng được dự báo vẫn sẽ là thị trường có quy mô lớn hơn các nền kinh tế lớn khác.
Quá trình xử lý giảm lượng hàng tồn kho đã được tiến hành tại các nhà bán lẻ lớn, diễn biến tích cực nhất được ghi nhận tại các doanh nghiệp kinh doanh đồ thể thao. Tuy nhiên, dữ liệu từ Mỹ vẫn cho thấy mức tồn kho cao trong toàn ngành dự kiến sẽ kéo dài đến quý 2 năm 2023. Các đơn đặt hàng sẽ bắt đầu tăng tốc theo quý trong quý 3/2023, mặc dù triển vọng tăng trưởng lợi nhuận (theo năm) vẫn không chắc chắn trong nửa cuối năm 2023.
VITAS dự báo giá trị xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam sẽ đạt 45-47 tỷ USD (tăng 7-11% so với cùng kỳ) trong năm 2023.
SSI Research cho rằng mục tiêu này khá thách thức do phân ngành sợi đã bắt đầu ghi nhận mức lỗ trong quý 4 năm 2022, và Vinatex cũng dự báo đơn hàng may mặc sẽ giảm 25% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu và tiêu dùng nói chung được dự báo cũng sẽ giảm đi, và doanh thu bán lẻ sẽ được thúc đẩy bởi các chương trình khuyến mãi và giảm giá. Theo đó, SSI Research cho rằng tỷ suất lợi nhuận gộp của toàn bộ chuỗi giá trị sẽ chịu áp lực, trong đó các nhà sản xuất sợi và hàng may mặc trong nước dễ bị tổn thương nhất do giá bán trung bình thấp hơn.
Trong khi đó, SSI Research cho rằng áp lực từ chi phí nguyên vật liệu đối với các nhà sản xuất đã giảm bớt do giá bông và giá dầu đã giảm đáng kể từ quý 2 năm 2022. Chi phí vải giảm sẽ bù đắp một phần giá bán trung bình thấp hơn.
Tuy nhiên, SSI Research vẫn dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp tổng thể sẽ giảm do năng lực đàm phán của các nhà sản xuất trong nước thấp hơn so với các nhà bán lẻ (đặc biệt là trong giai đoạn nhu cầu yếu) và lương cơ bản dự kiến sẽ tăng 20% so với cùng kỳ.
Với lãi suất dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong suốt cả năm, chi phí tài chính tăng cao có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận ròng, đặc biệt đối với những công ty có tỷ lệ đòn bẩy cao.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nganh-det-may-se-con-doi-mat-voi-nhieu-thach-thuc-khi-luong-tieu-thu-du-kien-giam-a202810.html