Sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam tạo dấu ấn mới với mức tăng trưởng mạnh mẽ trở lại vào năm 2022. Xuất khẩu từ tháng 1 đến tháng 11-2022 tăng trưởng nhiều hơn nhập khẩu - với mức tăng 13% đối với xuất khẩu và 10% đối với nhập khẩu - do đó, có thặng dư thương mại. Du lịch phục hồi từ mức thấp của năm 2021, hỗ trợ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ.
Theo tác giả bài viết, trong những tháng cuối năm 2022, xuất hiện nhiều khó khăn mới như các đơn đặt hàng xuất khẩu bị chậm, trái phiếu doanh nghiệp gặp khó khăn, đặc biệt là trái phiếu của các công ty bất động sản nên rất khó để các công ty tái cấp vốn.
Hơn thế nữa, theo chuyên gia kinh tế David Dapice, Việt Nam có những thế mạnh để bù đắp những thách thức này. Lạm phát ở mức thấp một con số. Tính đến đầu tháng 12-2022, VNĐ chỉ mất giá khoảng 5% so với USD, thấp hơn nhiều quốc gia khác. Hầu hết các ngân hàng Việt Nam đều ở thế mạnh với nguồn vốn đầy đủ. Dòng vốn vào cao và việc thực hiện đầu tư nước ngoài cho thấy rằng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi sẽ có một dòng lao động tiếp tục chuyển từ nông nghiệp năng suất thấp sang sản xuất công nghiệp năng suất cao hơn. Ngoài ra, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất cũng sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng và góp phần chuyển đổi cơ cấu của nền kinh tế. Trong khi đó, việc tham gia các hiệp định thương mại đang giúp Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới.
Theo chuyên gia kinh tế David Dapice, Việt Nam có thể nhận thấy rằng vào cuối thập kỷ này, họ sẽ thiếu lực lượng lao động nông nghiệp do chuyển đổi sang công nghiệp. Dẫn dữ liệu từ Ngân hàng Phát triển châu Á, ông David Dapice cho biết số công nhân nông trại từ 24,5 triệu người vào năm 2014 giảm chỉ còn 14,2 triệu người vào năm 2021, cho thấy mức giảm gần 1,5 triệu người mỗi năm. Tác giả bài viết nhận định, nếu tỷ lệ đó tiếp tục trong 5 năm nữa, lực lượng lao động nông nghiệp và công nghiệp đều giảm vì những người làm trong lĩnh vực công nghiệp đã lớn tuổi không còn đảm bảo năng suất ở nhà máy. Tại thời điểm đó, tăng trưởng GDP sẽ giảm xuống còn 5% hoặc thấp hơn trừ khi năng suất toàn nền kinh tế tăng nhanh hơn. Đây là thách thức trung hạn đối với Việt Nam, vì vậy, theo ông, cần chuyển đổi các nguồn tăng trưởng sang dựa trên năng suất thay vì tái phân bổ lao động thông qua di cư.
Nhận định về tình hình kinh tế của Việt Nam trong năm 2023, tác giả cho rằng, nếu không có thiên tai lớn, Việt Nam có thể duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế miễn là môi trường toàn cầu được cải thiện trong năm. Ông David Dapice cho rằng vào năm 2023, dự báo các động lực của nền kinh tế Việt Nam sẽ không còn là xuất khẩu hay thậm chí là chi tiêu của người tiêu dùng, vốn đã tăng trưởng 15% trong năm 2022. Thay vào đó, ngành du lịch sẽ phục hồi hơn nữa khi Trung Quốc nới lỏng các phong tỏa Covid-19 cùng với các chính sách mạnh mẽ tăng đầu tư của chính phủ nhằm mục đích thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/kinh-te-viet-nam-tu-tin-trong-nam-2023-a202881.html