Chuyện ‘về bờ’ của những nhà đầu tư ‘liều - lì - tham’

2022 ghi dấu một năm biến động mạnh nhất hơn 1 thập kỷ của chứng khoán Việt Nam, từ mức đỉnh lịch sử vượt ngưỡng 1.500, có thời điểm VN-Index nhúng xuống dưới 900, mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Bên cạnh những nhà đầu tư muốn xóa app quên đi tài khoản của mình vì mất mát quá nhiều, vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư hồ hởi chia sẻ câu chuyện “về bờ” và chốt lời ăn Tết sớm…

Sau gần 5 tháng “lênh đênh”, danh mục cổ phiếu mà anh Duy (Nam Định) từng có thời điểm muốn quên đi đã “về bờ” một cách ngoạn mục, thậm chí còn có chút lãi nhẹ. “Hên ghê, tôi đã về bờ. Tết này cũng ấm quá. Thật may vì mình đã kiên nhẫn”, anh Duy vui vẻ chia sẻ.

Dám bắt đáy khi thị trường lao dốc

Cũng là một trường hợp may mắn không kém, chị Vân (Hà Nam) cho biết, sau nửa năm “ba chìm bảy nổi” cùng thị trường để mua trung bình giá xuống, đến nay khoản đầu tư gần 5 tỷ đồng vào chứng khoán của chị đã “cập bến”, thậm chí đã có lãi gần 200 triệu đồng và có mã ghi nhận mức lãi hơn 30%.

“Tôi đã chốt lời dần những phiên đầu tháng 12 để lấy tiền sắm Tết sớm”, chị Vân phấn khởi.

Dạo quanh trên một số diễn đàn về đầu tư chứng khoán cũng có khá nhiều những chia sẻ tương tự như anh Duy, chị Vân. Họ là những người dám “bắt đáy” cổ phiếu của mình ở thời điểm thị trường chứng khoán (TTCK) lao dốc.

-1578-1671764453.png

Nhà đầu tư Ngọc Giang cho rằng, những người đầu tư đường dài và sẵn tiền mặt để trung bình giá lại được hưởng lợi lớn với những cú lao dốc của thị trường.

Chia sẻ với VnBusiness, anh Ngọc Giang (Hưng Yên), một nhà đầu tư lâu năm trên TTCK cho biết, thời gian qua có nhiều người phải “ngậm đắng nuốt cay” cắt lỗ khoản đầu tư chứng khoán của mình do sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Song, với những người đầu tư đường dài và sẵn tiền mặt để trung bình giá lại được hưởng lợi lớn với những cú lao dốc của thị trường.

Anh Giang nhìn nhận, trong giai đoạn VN-Index rơi vào xu hướng “downtrend”, có người đã phải cắt lỗ đến 4, 5 lần. Hay như có người đã “bắt dao rơi” 3, 4 lần nhưng vẫn “đứt tay” vì "lướt sóng". Các nhà đầu cơ, theo ngành, theo mã nào đó cũng đã “hoảng”,… Chỉ có những người đầu tư dài hạn có danh mục cổ phiếu tốt thì dù giảm nhưng vẫn thấy ổn.

“Không phải ai xuống tiền đầu tư cũng thắng trên TTCK. Bởi thị trường này được xem là lĩnh vực đòi hỏi có chuyên môn cao, nếu không có sự nghiên cứu và hiểu biết thì thất bại sẽ nhanh chóng đến với nhà đầu tư cá nhân”, anh Giang nói.

Kể về những trải nghiệm của bản thân trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh, anh Giang chia sẻ mình đã tham gia “đánh chứng” từ cuối năm 2006 với hy vọng thử vận may. Hồi đó, tình trạng bỏ việc công sở đi "đánh" chứng khoán xảy ra như cơm bữa và một cậu sinh viên khoa kinh tế như anh cũng không tránh khỏi việc trốn học lên sàn.

Cùng “cơn điên” của thị trường lúc bấy giờ, việc “lướt sóng” đã đem lại món lợi nhuận không tưởng, nhưng rồi “bão tố” ập tới đã cuốn bay thành quả. Với kinh nghiệm non nớt, tài khoản của anh Giang đã bị “đóng băng” vì chưa có kinh nghiệm xử lý.

Nhưng rồi bản tính “liều - lì - tham” đã khiến anh bắt đầu có suy nghĩ nghiêm túc về việc đầu tư chứng khoán. Bắt đầu từ việc nghiên cứu những mã đang nắm giữ để mua trung bình giá xuống đúng thời điểm, khi thị trường hồi phục trở lại, những cổ phiếu này đã "về bờ" nhanh chóng. Dĩ nhiên, để có được thành quả, anh cũng phải trải qua không ít “nếm mật nằm gai”.

Trở lại hiện tại, anh Giang cho biết, thời gian vừa qua, dù thị trường giảm mạnh nhưng tài khoản của anh vẫn ghi nhận khoản lãi lớn khi “bắt” cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát).

Nhà đầu tư người Hưng Yên này thông tin, đây là mã cổ phiếu đã liên tục giảm trong suốt một thời gian dài làm chán nản không biết bao nhiêu nhà đầu tư. Không chỉ những “cá mập” nội, ngoại mà rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải chấp nhận cắt lỗ cổ phiếu này để “đảo hàng” tìm cơ hội mới ở những cổ phiếu khác, dù trước đó, thời điểm 2021, đây là “3 chữ cái” khiến bao nhà đầu tư muốn nắm giữ.

Dù vậy, sau khi nghiên cứu thị trường, cân đo đóng đếm triển vọng kinh doanh, anh đã quyết định mua gần 60.000 cổ phiếu HPG khi thị giá về vùng 12.x trong giai đoạn đầu tháng 11/2022. Đây cũng là thời điểm VN-Index có tín hiệu tích cực trở lại.

Với quyết định gần như là “bắt dao rơi” bởi thời điểm đó, cổ phiếu HPG liên tục nhận được khuyến nghị không được khả quan. Hơn một tháng xuống tiền, khoản đầu tư này của anh Giang đã ghi nhận mức lãi hơn 40% khi giá cổ phiếu HPG đóng cửa ngày 16/12 với mức tăng lên 20.400 đồng/cp.

Người chiến thắng là luôn sẵn tiền làm lại "ván mới"

Theo giới đầu tư chứng khoán, nhịp tăng với biên độ cao đã giúp nhiều nhà đầu tư ghi nhận lợi nhuận x2, thậm chí x3 nếu bắt “đúng đáy” của thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những người sớm “về bờ” bởi miệt mài trung bình giá và có tiền “bắt đáy” khi cổ phiếu lao dốc, một lượng lớn nhà đầu tư chứng khoán vẫn còn âm tài khoản khá nặng từ 20-40%.

-9951-1671764453.png

Nhà đầu tư Thùy Linh chỉ ra rằng, để thành công trên TTCK, nhà đầu tư không nên để mình bị lợi nhuận chi phối.

Nhờ chút kinh nghiệm giữa những “bão táp mưa sa” trên thị trường, biết chấp nhận cắt lỗ và giữ vững kỷ luật của bản thân để hạn chế tối đa mức thiệt hại, nhờ đó vẫn “sống khỏe” trong lúc thị trường nhiều giông bão, anh Giang vẫn phải thừa nhận, tham gia đầu tư tài chính luôn đi kèm với rủi ro, dù ít hay nhiều.

Theo anh Giang, bí quyết đầu tư chứng khoán thành công không có gì cao siêu, quan trọng nhất là cần trang bị kiến thức, rèn luyện lâu dài, kiên trì, gồng lãi chứ nhất định không gồng lỗ. Mỗi người nên tự tìm ra cho mình một phương pháp đầu tư riêng, phù hợp với chính bản thân mình. Đặc biệt, hãy luôn lạc quan, cho dù lỡ đầu tư sai lầm dẫn tới thua lỗ. Bởi TTCK không phân biệt đúng hay sai, thua lỗ chỉ là tạm thời. Sai lầm là do không chốt lãi đúng lúc, cũng như không cắt lỗ sớm để bảo toàn vốn chờ cơ hội làm lại. Và nên nhớ rằng, không có cổ phiếu nào là “rác” cả, nếu không mua đúng thời điểm thì VN30 hay penny thì cũng đều như nhau cả!

“Mức độ chấp nhận rủi ro của mỗi người phụ thuộc vào nhiều đặc điểm bao gồm độ tuổi, tài sản, thu nhập hàng tháng, sự ổn định của thu nhập, thói quen chi tiêu... Cho nên, tuy cùng một danh mục đầu tư, có người sẽ cảm thấy việc lỗ là dễ chấp nhận, có người thì không. Nếu không xác định được mức độ của mình, những nhà đầu tư mới dễ mạo hiểm và có những bước đi cảm tính", anh Giang nói.

Cũng là một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường, chị Thùy Linh (Hà Nội) chỉ ra rằng, để thành công trên TTCK, nhà đầu tư chỉ nên sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư. Tức là không để mình bị lợi nhuận chi phối mà dẫn tới sử dụng "margin" quá cao. Khi sử dụng tiền nhàn rỗi để đầu tư, thì khi thị trường biến động, hoặc xã hội có những biến động, nhà đầu tư không bị rơi vào sự quẫn bách vì lấy tiền cho nhu cầu thiết yếu để đầu tư và tạm thời bị thua lỗ. Nhà đầu tư có đủ nguồn lực để chờ đợi, cho đến khi kinh tế phục hồi, và chứng khoán phục hồi, mang về cho chúng ta lợi tức, dù có thể là muộn màng.

“Về dài hạn, nhất định giá của cổ phiếu sẽ phải lên, VN-Index chắc chắn sẽ phải về mức cũ và vượt lên. Kinh tế, theo quy luật, sẽ phải phục hồi và phát triển sau quãng thời gian suy thoái. Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ nên sử dụng tiền nhàn rỗi để chờ đợi”, chị Linh khẳng định.

Tương tự, "về bờ" sau nửa năm “lênh đênh”, chị Vân đã rút ra một số bài học đáng lưu tâm trong quá trình đầu tư.

Chẳng hạn, người mới dễ nghiện xem biểu đồ cổ phiếu và tìm hiểu thông tin ngoài lề, dẫn đến mất thời gian làm những công việc khác. Bên cạnh đó, họ thường dễ bị dao động tâm lý khi cổ phiếu giảm sâu, dẫn đến hành động vội vàng như bán tháo hay cắt lỗ. Nhưng vài ngày sau, cổ phiếu đó có thể phục hồi, thậm chí tăng, khiến nhà đầu tư rơi vào tình trạng tiếc nuối vì lỡ “mất hàng”.

Dưới vai trò là người quản lý, Giám đốc Trung tâm Tư vấn đầu tư VNDIRECT Phạm Thiên Quang nhận thấy, có nhiều người may mắn thoát hết cổ phiếu ra tại vùng đỉnh, song lại mạnh tay bắt đáy thị thị trường về những ngưỡng hỗ trợ như 1.200, 1.000 hay 900 điểm. Với suy nghĩ “đáy là đây”, nhiều người "bắt dao rơi” và bay sạch thành quả chốt lời được trước đó, có người còn âm vốn tích luỹ đến cả 10 năm. Ngược lại, có những người đã hiện thực hoá lợi nhuận để mua tài sản như nhà, ô tô.

“Vốn dĩ đầu tư là quyết định của mình, thua lỗ quá nặng nề cũng là do tâm tham lam và cố chấp. TTCK “downtrend” lấy đi của nhà đầu tư rất nhiều thứ, không chỉ riêng tiền bạc”, ông Quang đánh giá.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nhà đầu tư rời bỏ thị trường. Quan trọng là nhà đầu tư cần nhận diện được chu kỳ kinh tế và phân bố tỷ trọng tài sản vào cổ phiếu phù hợp. Bởi trong đầu tư vốn dĩ vẫn cần có một chút mạo hiểm, những người quá rụt rè và cẩn thận sẽ không nắm bắt được những cơ hội tốt trên thị trường.

“Khi đi qua những chu kỳ của thị trường, hiệu suất tích luỹ dần dần đi lên, đó mới là phương pháp đầu tư bền vững. Và nhà đầu tư giỏi không phải là người không bao giờ sai, mà là sau khi thị trường kết thúc chu kỳ đi xuống, họ vẫn còn tiền để tiếp tục “ván mới””, chuyên gia của VNDIRECT nói.

Hiện tại, TTCK vẫn được coi là “mỏ vàng” trong nhiều năm tới. Sự lạc quan về TTCK Việt Nam trong tương lai sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng thị trường. Quá trình này có thể đến nhanh hay chậm, nhưng việc nâng hạng được cho là “gần như chắc chắn” trong khoảng thời gian 3-5 năm tới. Song, để có thể khai thác được “mỏ vàng” này, chắc chắn nhà đầu tư sẽ phải đi qua nhiều “hố bom” khác nhau mới có thể thành công trong công cuộc khai phá.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chuyen-ve-bo-cua-nhung-nha-dau-tu-lieu-li-tham-a203321.html