Theo thông tin của PV, một báo cáo mới nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam ước tính năm 2022, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia lỗ sản xuất kinh doanh khoảng hơn 28.876 tỷ đồng.
EVN thậm chí có thể lỗ nhiều hơn số liệu nói trên nếu như không thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí đầu vào, vận hành tối ưu hệ thống điện.
Nguyên nhân lỗ lớn năm qua chính là thông số đầu vào tăng mạnh (giá than nhập, giá than pha trộn, giá khí, giá dầu thế giới) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường điện.
Năm 2022 chứng kiến giá than tăng phi mã, gấp 6 lần so với đầu năm 2021 và gấp khoảng hơn 3 lần so với đầu năm 2022. Kéo theo đó, chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu cũng lên tới 3.500-4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân là 1.864 đồng/kWh.
Điều đó khiến 2022 là năm lỗ lịch sử trong hoạt động kinh doanh điện của tập đoàn này.
Nhưng theo một nguồn tin, EVN đã tính toán tình hình tài chính cho năm 2023 còn u ám hơn năm qua rất nhiều. Theo đó, năm nay, Công ty mẹ EVN, các tổng công ty điện lực và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành.
Trong đó, 6 tháng đầu năm EVN dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng.
Như vậy, cùng với số lỗ của năm 2022 (28.876 tỷ đồng) thì tổng lỗ sản xuất kinh doanh EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 lên tới hơn 93.000 tỷ đồng.
Nhìn nhận tình hình tài chính của EVN, một chuyên gia cho rằng nếu không sớm được cải thiện, Tập đoàn Điện lực sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Không loại trừ việc EVN có thể "cạn tiền" để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện.
“Nếu điều này xảy ra, việc cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội sẽ bị ảnh hưởng. Khi đó, trách nhiệm không dừng lại ở ngành điện”, vị này cảnh báo.
Một hệ luỵ khác là nếu các chỉ số tài chính xấu như vậy sẽ dẫn đến các tổ chức tín dụng khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN. Đi kèm đó là lãi suất các khoản vay tăng lên do đánh giá mức độ rủi ro tăng thêm với bên cho vay.
Năm ngoái, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nhiều lần đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét sớm chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2023 và không làm mất vốn của nhà nước đầu tư tại EVN. Song đến nay, phương án này vẫn chưa được thông qua.
EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn điện Tết Nguyên đán Quý Mão tại EVN cho hay: Bộ Công Thương đã và đang nghiên cứu, tháo gỡ và có phương án báo cáo Chính phủ.
"Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc EVN rà soát, cập nhật lại số liệu kế hoạch, khuyến nghị nhiều biện pháp để EVN kịp thời ứng biến với tình hình thực tế; chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, tình hình tài chính của EVN và đề xuất các giải pháp hỗ trợ. Trong đó có giải pháp cốt lõi, lâu dài là tăng giá điện để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2022 và các năm tiếp theo cho EVN”, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2022 của EVN.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/evn-lo-tai-chinh-u-am-lo-lich-su-trong-nam-2023-a203923.html