Tỷ lệ trả cổ tức cao có thể hãm đà giảm giá cổ phiếu phân bón

Lượng tiền mặt ròng cao và tỷ lệ chi trả cổ tức cao có thể giúp hạn chế đà giảm của giá cổ phiếu phân bón trong bối cảnh lợi nhuận có nguy cơ giảm năm 2023.

Báo cáo từ CTCP Chứng khoán SSI dự báo ngành phân bón năm 2023 sẽ khó thuận lợi như năm 2022 với dự báo lợi nhuận sẽ giảm. SSI khuyến nghị kém khả quan đối với ngành phân bón.

SSI Research cho rằng trong năm 2022, giá urê đạt đỉnh vào quý I do chi phí đầu vào cao vì xung đột Nga-Ukraine, nhu cầu lớn nhờ giá hàng hóa cao vào thời điểm đó và hạn chế xuất khẩu của các nhà xuất khẩu chủ lực (Nga và Trung Quốc).

Các doanh nghiệp sản xuất urê ghi nhận kết quả kinh doanh vượt trội nhờ xu hướng tăng giá urê và xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Mã: DPM) và CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Mã: DCM) lần lượt tăng vọt 200% và 308% so với cùng kỳ, với mức tăng trưởng mạnh nhất diễn ra vào quý I/2022.

Các nhà sản xuất NPK có tỷ suất lợi nhuận gộp và sản lượng tiêu thụ giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm và không xuất khẩu nhiều. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2022 của CTCP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Mã: LAS) tăng 15% so với cùng kỳ, trong khi Phân bón Bình Điền (Mã: BFC) giảm 8%.

co-phieu-phan-bon-1675049634.jpg

Bước sang năm 2023, giá urê có thể giảm do xuất khẩu từ Nga và Trung Quốc sẽ phục hồi, chi phí đầu vào urê (than và khí tự nhiên) có thể giảm và nhu cầu urê có thể suy yếu.

Báo cáo từ SSI Research nhận định, xuất khẩu urê từ Nga và Trung Quốc sẽ phục hồi. Song nhà đầu tư cần lưu ý rằng cả Trung Quốc và Nga đều nới lỏng các biện pháp hạn chế xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2022 so với nửa đầu năm, SSI kỳ vọng xu hướng này sẽ kéo dài đến năm 2023.

Đối với nguyên liệu đầu vào, theo Ngân hàng Thế giới, sản lượng than dự kiến sẽ tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu của các nhà máy điện than. Nguồn cung dự kiến tăng và nhu cầu suy yếu do suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến giá than trong năm 2023.

Đối với giá khí đốt tự nhiên, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên trong năm 2023 có thể không đáng kể như năm 2022 do khu vực này chuyển sang khai thác các nguồn năng lượng khác chẳng hạn như than đá và năng lượng tái tạo. Điều này, cùng với nhu cầu giảm do suy thoái kinh tế, có thể sẽ kéo giá khí đốt tự nhiên xuống trong năm 2023.

Nhu cầu urê có thể suy yếu trong năm 2023 do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu và sự điều chỉnh giá của các mặt hàng nông nghiệp. Quý IV thường được coi là mùa cao điểm. Tuy nhiên, giá urê không tăng trong quý IV năm 2022. Thực tế đó phản ánh nhu cầu đang suy yếu và nhu cầu có thể tiếp tục giảm đi vào năm 2023, báo cáo từ SSI cho biết.

Bộ phận Nghiên cứu của SSI ước tính lợi nhuận ròng của DPM và DCM lần lượt là 3 nghìn tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ) và 2,26 nghìn tỷ đồng (giảm 41% so với cùng kỳ) vào năm 2023, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trước COVID lần lượt là 700 tỷ đồng và 600 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm mạnh nhất trong quý I năm 2023.

Lượng tiền mặt ròng cao và tỷ lệ chi trả cổ tức cao có thể giúp hạn chế đà giảm của giá cổ phiếu phân bón. DPM có chính sách cổ tức hào phóng nhất trong nhóm cổ phiếu phân bón (với tỷ lệ chi trả lên đến 70% mệnh giá, tỷ suất cổ tức đạt 16% cho năm 2022). Công ty có thể thông báo trả cổ tức trong tháng 1/2023.

Bên cạnh đó, nhà máy urê của DCM sẽ hết khấu hao vào khoảng tháng 9/2023, do đó SSI Research dự báo mức giảm lợi nhuận của DCM sẽ chậm lại từ quý IV năm 2023. Đây có thể là một bước ngoặt đối với giá cổ phiếu phân bón này.

SSI cũng cho rằng, nguồn cung khí tự nhiên và than có thể bị gián đoạn đột ngột do xung đột Nga-Ukraine, nên có thể đảo ngược xu hướng giảm giá khí tự nhiên và than.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ty-le-tra-co-tuc-cao-co-the-ham-da-giam-gia-co-phieu-phan-bon-a203935.html