Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố báo cáo tài chính với lợi nhuận trước thuế lũy kế cả năm hơn 37.000 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021 và vượt kế hoạch năm.
Con số này giúp Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân lợi nhuận toàn hệ thống ngân hàng, bỏ xa các ngân hàng phía sau là Techcombank (25.600 tỷ) và BIDV (23.058 tỷ đồng), VietinBank (21.113 tỷ đồng)...
Trong đó riêng quý IV, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank là hơn 12.400 tỷ đồng, đóng góp 1/3 lợi nhuận cả năm. Mức lợi nhuận này cũng cao hơn lợi nhuận cả năm của nhiều ngân hàng khác SHB (9.658 tỷ đồng), HDBank (10.286 tỷ đồng), VIB (10.581 tỷ đồng)...
Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Vietcombank vượt 1,814 triệu tỷ đồng, tăng 28,2%. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 19,8% đạt hơn 1,12 triệu tỷ với nợ xấu nội bảng của Vietcombank ở mức 7.808 tỷ, tăng 27,6%. Qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,65% lên 0,7%.
Đáng chú ý, Vietcombank bất ngờ ghi nhận khoản dự phòng rủi ro cho khoản tiền gửi và cho vay tại các tổ chức tín dụng khác lên 10.840 tỷ đồng so với quý III chỉ 1.000 tỷ đồng. Hiện Vietcombank cho vay các tổ chức tín dụng khác hơn 40.000 tỷ đồng và gửi tại các tổ chức tín dụng khác hơn 283.682 tỷ đồng.
Người lại, các tổ chức tín dụng khác cũng đang gửi tại Vietcombank 222.000 tỷ đồng và cho Vietcombank vay hơn 10.000 tỷ đồng. Các con số này đều tăng gấp đôi so với năm 2021.
Trong khi đó, tiền gửi khách hàng tại Vietcombank tăng 9,5% trong năm 2022 lên trên 1,243 triệu tỷ. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 32,3% với gần 402.104 tỷ đồng.
Sau khi phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và tăng vốn trong năm 2022, vốn điều lệ của ngân hàng tăng lên hơn 47.000 tỷ đồng. Mới đây, ngân hàng tiếp tục có kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại để nâng quy mô vốn điều lệ lên khoảng 75.000 tỷ đồng.
Vietcombank cho biết việc tăng vốn điều lệ là rất cần thiết trên cơ sở đánh giá quy mô vốn của Vietcombank so với các ngân hàng trong nước và khu vực. Hiện, vốn điều lệ của Vietcombank là thấp nhất trong số các ngân hàng thương mại Nhà nước, thấp hơn một số ngân hàng thương mại cổ phần và có khoảng cách lớn so với các ngân hàng hàng đầu trong khu vực.
Với vai trò là ngân hàng thương mại lớn góp phần hỗ trợ thực hiện các chính sách của Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và đặc biệt là có đủ nguồn lực tích cực tham gia phương án tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém, Vietcombank cho biết rất cần bổ sung vốn để trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất thị trường, giữ vững vai trò dẫn dắt ngành ngân hàng Việt Nam.
Ngân hàng cho biết, vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Vietcombank như: đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ; xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới; đầu tư cho quá trình chuyển đổi số; mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn; đảm bảo nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vietcombank-bat-ngo-du-phong-10840-ty-dong-tien-gui-tai-ngan-hang-khac-a204203.html