Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 26/2022/TT-NHNN (có hiệu lực từ 31/12/2022) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thông tư 26/2022/TT-NHNN không nới trần tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR) từ mức 85% hiện nay lên 90%. Nhưng thông tư này cho phép các ngân hàng được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào cấu phần huy động.
Theo đó, tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước sẽ được tính vào tổng huy động với một tỷ lệ khấu trừ nhất định. Tỷ lệ này sẽ được khấu trừ theo lộ trình giảm dần, cụ thể là từ ngày Thông tư 26/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023, trừ 50% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2024, trừ 60% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Từ ngày 1/1/2025 đến ngày 31/12/2025, trừ 80% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Từ ngày 1/1/2026, trừ 100% số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước.
Các nhà phân tích cho rằng, quy định trên sẽ giúp các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (nhóm Big 4), bao gồm: Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank có thêm thanh khoản để cho vay.
Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect nhận định Thông tư 26/2022/TT-NHNN sẽ có tác động tích cực lên thanh khoản hệ thống, khi có xấp xỉ 50% tiền gửi Kho bạc Nhà nước có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại sẽ có khả năng được tính vào phần dư địa cho vay của hệ thống. Từ đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay.
Đồng thời, thông tư trên sẽ mang lại lợi thế cho các ngân hàng có nguồn tiền gửi dồi dào từ Kho bạc Nhà nước. Theo ước tính của VNDirect, các ngân hàng thương mại như Vietcombank, BIDV và VietinBank sẽ được hưởng lợi khi LDR mới giảm đáng kể.
Số liệu từ Fiin Group cho thấy, tính đến quý III/2022, LDR thuần tại hầu hết ngân hàng tầm trung trở lên đều tăng cao và vượt 95%. Điều đó cho thấy tình trạng căng thẳng về thanh khoản trong hệ thống và làm hạn chế khả năng đẩy mạnh hoạt động cho vay ở nhiều ngân hàng cho dù có thêm hạn mức tín dụng từ NHNN.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của các ngân hàng thương mại cũng cho thấy, số dư tiền gửi mà Kho bạc Nhà nước gửi tại các ngân hàng thuộc nhóm Big 4 ước khoảng 300.000 tỷ đồng.
Với quy định của Thông tư 26/2022/TT-NHNN, các ngân hàng thương mại sẽ có thêm khoảng 135.000-150.000 tỷ đồng thanh khoản, có thể bổ sung vào nguồn vốn cho vay.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/mot-thay-doi-nho-co-them-150000-ty-dong-bom-vao-thi-truong-a204980.html