Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Mê Kông đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với nhiều chỉ tiêu lạc quan. Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 của công ty lên đến 514 tỷ đồng, tăng 313 tỷ đồng, tương đương 156% so với năm 2021; lợi nhuận sau thuế tăng 19,3 tỷ đồng, tương đương 31,5% lên 80,6 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đa số thành tích này đều đến trong quý IV/2022. Trong kỳ, doanh thu Tập đoàn Nam Mê Kông lên đến 457 tỷ đồng, chiếm 88,9% tổng doanh thu cả năm, lợi nhuận sau thuế đạt 78 tỷ đồng, chiếm 96,8% tổng lợi nhuận năm 2022.
Nghĩa là 3 quý đầu năm công ty hoạt động èo uột và chỉ tăng tốc trong quý IV. Dù vậy, công ty vẫn đứng rất xa so với kế hoạch đề ra. Trước đó, Tập đoàn Nam Mê Kông đặt mục tiêu 2.065 tỷ đồng doanh thu và 835 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, trong năm 2022, công ty mới chỉ hoàn thành 25% mục tiêu doanh thu và 12% mục tiêu lợi nhuận.
Tại Tập đoàn Nam Mê Kông, Khu đô thị Bảo Ninh 2 được xem là tâm điểm. Theo kế hoạch, dự án sẽ bàn giao nhà cho khách hàng trong quý IV/2022. Có lẽ đó là lý do khiến doanh thu quý IV/2022 của Tập đoàn Nam Mê Kông tăng vọt từ 134 tỷ đồng lên 457 tỷ đồng.
Theo quy định, chỉ những sản phẩm nào được giao cho khách hàng thì số tiền mà khách nộp mới được ghi nhận là doanh thu. Còn với dòng tiền đã chảy vào công ty nhưng công ty chưa giao nhà thì sẽ được hạch toán vào chỉ tiêu “Người mua trả tiền trước ngắn hạn”.
Tại ngày 31/12/2022, chỉ tiêu Người mua trả tiền trước ngắn hạn tại Tập đoàn Nam Mê Kông lên đến 1.581 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 0 đồng hồi đầu năm. Sang năm 2023, khối tài sản này hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận khủng cho Tập đoàn Nam Mê Kông.
Tuy nhiên, có một hiện tượng lạ liên quan đến hai chỉ tiêu Doanh thu và Người mua trả tiền trước ngắn hạn. Đó là động thái mua hàng của những sếp lớn Tập đoàn Nam Mê Kông.
Cụ thể, trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Tập đoàn Nam Mê Kông đã mô tả “Những giao dịch trọng yếu của công ty với các bên liên quan trong quý IV/2022”.
Theo đó, ông Kiều Xuân Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Mê Kông; ông Kiều Xuân Phan, người liên quan tới ông Nam và ông Đặng Minh Huệ, Tổng giám đốc công ty đã chi lần lượt 421 tỷ đồng, 371 tỷ đồng và gần 27 tỷ đồng để nộp tiền hợp đồng mua bán nhà ở Khu đô thị Bảo Ninh 2.
Như vậy, tổng số tiền mà hai sếp bự và người liên quan “rót” vào Tập đoàn Nam Mê Kông qua dự án Khu đô thị Bảo Ninh 2 là 819 tỷ đồng. Số tiền này cao gấp 1,6 lần doanh thu cả năm 2022 của Tập đoàn Nam Mê Kông.
Năm 2022, doanh thu Tập đoàn Nam Mê Kông tăng vọt nhưng Hàng tồn kho lại cao hơn. Hồi cuối năm 2022, chỉ tiêu Hàng tồn kho của công ty lên đến 2.412 tỷ đồng, tăng 1.988 tỷ đồng, tương đương 469% so với cuối năm 2021 và chiếm 66,4% tổng tài sản công ty.
Hàng tồn kho cao chủ yếu tập trung ở chi phí dở dang tại các dự án bất động sản gồm: Khu đô thị Bảo Ninh 2 (1.911 tỷ đồng), The Charms – Bình Dương (475 tỷ đồng), khu dân cư Vinaconex 3 – Phổ Yên (14,6 tỷ đồng).
Đáng chú ý, dự án Khu biệt thự nhà vườn Đại Lải, giá trị hàng tồn kho giảm từ 33,2 tỷ đồng xuống chỉ còn 0 đồng. Ngoài ra, chi phí dở dang các dự án bất động sản khác là 8,8 tỷ đồng.
Có thể thấy, Khu đô thị Bảo Ninh 2 đang là sản phẩm được nổi bật nhất của Tập đoàn Nam Mê Kông. Ngoài việc giá trị hàng tồn kho tăng vọt từ 355 tỷ đồng lên 1.911 tỷ đồng, dự án này còn ghi nhận nhiều giao dịch cho Tập đoàn Nam Mê Kông.
Tại dự án này, Tập đoàn Nam Mê Kông có 39,1 tỷ đồng phải thu khách hàng, 134 tỷ đồng trả trước người bán, 1.581 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn và 83,7 tỷ đồng chi phí phải trả.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nam-me-kong-ban-hang-819-ty-cho-chu-tich-tong-giam-doc-ton-kho-van-chat-cao-a204989.html