Tập đoàn Hapaco – Doanh nghiệp vừa lập giới tinh hoa để vay vốn có gì?

Tập đoàn Hapaco gây nhiều chú ý với việc thông qua tiêu chuẩn công nhận "Giới tinh hoa của Hapapco". Vậy doanh nghiệp này có gì? Tình hình kinh doanh ra sao?

“Giới tinh hoa của Hapaco” cần có gì?

Công ty Cổ phần Tập đoàn (CTCP) Hapaco (Mã chứng khoán: HAP) vừa công bố nghị quyết Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thông qua tiêu chuẩn công nhận "Giới tinh hoa của Hapaco".

Theo đó, đối với cổ đông đang làm việc tại Tập đoàn Hapaco, phải sở hữu tối thiểu 4 triệu cổ phiếu (CP) HAP trở lên; có trình độ kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ giỏi ở đơn vị đối tác; có quỹ tiền mặt 3 tỉ đồng để Hapaco có thể huy động tối đa 3 tháng với lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm của ngân hàng Sacombank.

hdqt-hap-thong-qua-tieu-chuan-cong-nhan-gioi-tinh-hoa-cua-hapaco-1675483650.PNG

Nghị quyết HĐQT HAP thông qua tiêu chuẩn công nhận "Giới tinh hoa của Hapaco"

Với cổ đông không làm việc tại Tập đoàn Hapaco, phải sở hữu 4 triệu cổ phiếu HAP trở lên; không có tiền án, tiền sự; có quỹ tiền mặt 1 tỉ đồng để Hapaco có thể thoả thuận huy động tối đa 3 tháng, lãi suất bằng lãi suất tiết kiệm của Sacombank.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 1.2, cổ phiếu HAP đạt thị giá 4.710 đồng/CP. Theo mức giá này, nếu muốn tham gia vào "Giới tinh hoa của Hapaco", các cổ đông phải chi khoảng 18,8 tỷ đồng để mua cổ phiếu HAP. Chưa kể quỹ tiền mặt theo yêu cầu và sẵn sàng cho doanh nghiệp vay vốn.

Cùng với các điều kiện tương đối khắt khe, doanh nghiệp cũng công bố quyền lợi khi gia nhập "Giới tinh hoa của Hapaco” như được trả tăng thêm 2% cổ tức của từng năm. Nếu cổ đông bình thường được chia 6% năm thì thành viên giới tinh hoa được trả 8%/năm. Ngoài ra, “Giới tinh hoa của Hapaco” cũng sẽ được phụ cấp 5 triệu đồng/tháng (sau thuế thu nhập cá nhân).

Để được xác nhận danh hiệu “Giới tinh hoa của Hapaco” sẽ căn cứ vào chính danh sách Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên do Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam chốt từ đầu năm. Thành viên "Giới tinh hoa” sẽ được hưởng quyền lợi 12 tháng và được lĩnh 1 lần sau ĐHĐCĐ năm đó.

Hapaco có gì?

Theo tìm hiểu, Hapaco tiền thân là Xí nghiệp giấy bìa Đồng Tiến, thành lập năm 1960 ở Hải Phòng và là một trong ba doanh nghiệp thí điểm đầu tiên ở miền Bắc cổ phần hoá cuối những năm 90.

Tháng 8.2000, HAP là một trong ba cổ phiếu đầu tiên niêm yết HOSE. Tháng 8.2009, doanh nghiệp chính thức trở thành Tập đoàn Hapaco. Lĩnh vực kinh doanh của HAP là đầu tư tài chính, sản xuất, thương mại và cung cấp dịch vụ.

Theo BCTC Hợp nhất quý 4.2022 của HAP, hoạt động kinh doanh chính trong năm qua của doanh nghiệp là sản xuất bột giấy và giấy các loại; đầu tư tài chính và mua bán chứng khoán; kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch sinh thái; in ấn: In giấy, vàng mã xuất nhập khẩu; kinh doanh dịch vụ bệnh viện.

Tính đến cuối năm 2022, HAP có 5 công ty con với tỷ lệ sở hữu từ 61-100% vốn. Bao gồm: CTCP Giấy Hải Phòng (tỷ lệ 99,9%); Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn (tỷ lệ 100%); Công ty TNHH Hapaco Đông Bắc (tỷ lệ 100%); CTCP Hải Hà (tỷ lệ 61,5%); CTCP Giấy Hải Phòng Hapaco (tỷ lệ 99%).

cac-cong-ty-con-cong-ty-lien-ket-cua-hap-1675483705.PNG

Các công ty con, công ty liên kết của HAP.

BCTC Hợp nhất quý 4.2022 của HAP cũng đề cập việc Hapaco có quyền sử dụng đất lâu dài tại CTCP Giấy Hải Phòng Hapaco với giá trị còn lại là 1,3 tỉ đồng; quyền sử dụng đất 50 năm tại xí nghiệp Trấn Yên của Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn, hiện đang được thế chấp, cầm cố để đảm bảo cho các khoản vay tại Ngân hàng BIDV, chi nhánh Yên Bái.

Trong kỳ, Hapaco đã chuyển nhượng cổ phần Bệnh viện Quốc tế Green ghi nhận phải thu 268 tỉ đồng, qua đó giảm sở hữu xuống còn 49,5%. Hapaco cũng ghi nhận Bệnh viện Quốc tế Green là công ty liên kết duy nhất theo phương pháp vốn chủ sở hữu.

HAP còn đầu tư, góp vốn vào 3 đơn vị khác như CTCP chứng khoán Hải Phòng với tỷ lệ 6,64% (môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư chứng khoán); CTCP Đầu tư Hafinco với tỷ lệ 15% (hoạt động tư vấn quản lý); CTCP Đông dược Tiên Sa, tỷ lệ sở hữu 20% (kinh doanh đông dược).

hapaco-gop-von-vao-cac-don-vi-khac-1675483749.PNG

Hapaco góp vốn vào các đơn vị khác.

Tại ngày 31.12.2021, tổng tài sản của Hapaco đạt 1.351 tỉ đồng. Chủ yếu là tài sản ngắn hạn với hơn 830 tỉ đồng, trong đó, khoản phải thu ngắn hạn chiếm tới 532 tỉ (chủ yếu nằm ở phải thu khác) và đã phải trích lập dự phòng gần 80 tỉ.

Đáng chú ý, khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là CTCP Bệnh viện Quốc tế Green cũng chiếm tỷ trọng khá lớn với 426 tỉ đồng, tương ứng với 49,5% vốn tại bệnh viện này. Dù vậy, Hapaco cho biết, quý vừa qua doanh nghiệp này hoạt động không hiệu quả.

benh-vien-quoc-te-green-hapaco-dau-tu-426-ti-dong-voi-ty-le-so-huu-495-1675483784.PNG

Bệnh viện Quốc tế Green Hapaco đầu tư 426 tỉ đồng, với tỷ lệ sở hữu 49,5%. Ảnh: Hapaco.

Ngoài ra, Hapaco hiện có các khoản tiền, tiền gửi ngân hàng tính tới hết tháng 12.2022 ghi nhận 193 tỉ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, Hapaco hiện có khoảng 111 triệu cổ phiếu đang lưu hành, tương đương vốn hoá 522 tỉ đồng theo thị giá HAP chốt phiên 1.2 (4.710 đồng/CP).

Lợi nhuận xuống đáy, dòng tiền âm

Về tình hình kinh doanh, quý 4.2022, HAP ghi nhận 157 tỉ đồng doanh thu thuần, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 4 tăng mạnh lên 144 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ hơn 6,8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi phí tài chính cũng lên 45,3 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 400 triệu đồng.

Kết quả, quý 4.2022, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế 31 tỉ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 17,5 tỉ đồng. Đây là kết quả ở mức thấp nhất trong một quý mà Hapaco từng ghi nhận trong nhiều năm qua

Luỹ kế cả năm 2022, Hapaco ghi nhận 625 tỉ đồng doanh thu thuần, lãi ròng gần 8,6 tỉ đồng; tăng 25% về doanh thu song giảm 84% về lợi nhuận so với năm 2021.

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp, quý 4 vừa qua, các công ty thành viên đã cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước, tối giản chi phí, đồng thời có hoàn nhập dự phòng đối với công ty thành viên năm trước.

Bên cạnh đó, CTCP Bệnh viện Quốc tế Green kinh doanh không hiệu quả, dẫn đến lợi nhuận quý 4 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Về dòng tiền, báo cáo lưu chuyển tiền HAP cho thấy ghi nhận, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2022 âm 289 tỉ đồng, trong khi năm 2021 chỉ âm gần 16 tỉ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền đầu tư cũng âm 206 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ dương gần 18 tỉ đồng.

dong-tien-kinh-doanh-cua-haptrong-nam-2022-am-289-ti-dong-1675483831.png

Dòng tiền kinh doanh của HAPtrong năm 2022 âm 289 tỉ đồng.

Về phía nguồn vốn, nợ phải trả cuối năm 2022 của HAP ghi nhận 77,3 tỉ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Trong đó, doanh nghiệp vay nợ ngắn hạn 21,6 tỉ đồng.

Cụ thể, khoản vay ngắn hạn tại ngân hàng BIDV, chi nhánh Yên Bái của Hapaco Yên Sơn là 7,5 tỉ đồng; khoản vay ngắn hạn của CTCP Giấy Hải Phòng tại ngân hàng TMCP Sài Gòn – Thương Tín, chi nhánh Hải Phòng 14 tỉ đồng.

Các khoản vay này đang được thế chấp bằng các tài sản là xe ô tô, quyền sử dụng đất và 4 hợp đồng tiền gửi trị giá 15 tỉ đồng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tap-doan-hapaco-doanh-nghiep-vua-lap-gioi-tinh-hoa-de-vay-von-co-gi-a204997.html