Trúng nhiều gói thầu lớn, Tập đoàn Đạt Phương vẫn âm dòng tiền

Dù thường xuyên rơi vào tình cảnh âm dòng tiền, Tập đoàn Đạt Phương (HoSE: DPG) vẫn liên tục trúng nhiều gói thầu lớn tổng trị giá ngàn tỷ trong năm 2022.

cong-ty-cp-tap-doan-dat-phuong-1675485044.jpg
Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương. Ảnh: VietnamFinance

Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (Công ty Đạt Phương - HoSE: DPG) hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình giao thông, thuỷ điện trong nước. Năm 2022, công ty trúng nhiều gói thầu thi công xây lắp với tổng trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Gói thầu gần nhất Công ty Đạt Phương trúng thầu vào ngày 23/12/2022. Đó là gói thầu XL1 xây dựng cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu (gồm: Cầu, đường 2 đầu cầu, đường dẫn và chi phí dự phòng, chi phí đảm bảo an toàn giao thông) thuộc dự án: thành phần 2: Cầu Nhật Lệ 3 và 2 đầu cầu thuộc dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tỉnh Quảng Bình. Giá trị hợp đồng gần 1.146 tỷ đồng. Tại đây, vai trò của Đạt Phương là nhà thầu độc lập.

Bên mời thầu là Ban Quản lý dự án Thành phần 2 - Cầu Nhật Lệ 3 và đường 2 đầu cầu thuộc Dự án Đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, tỉnh Quảng Bình.

Đáng chú ý, trong báo cáo tài chính phát hành gần đó nhất (quý 3/2022), dù doanh thu và lợi nhuận công ty tăng đáng kể nhưng Đạt Phương lại rơi vào tình trạng âm nặng dòng tiền.

Cụ thể, quý 3/2022, Đạt Phương ghi nhận doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng từ 549 tỷ đồng lên 880 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm tăng từ 1.535 tỷ đồng lên 2.225 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế quý 3 đạt 92,3 tỷ đồng, tăng 21,1 tỷ đồng, tương đương 29,6% so với quý 3/2021; lũy kế 9 tháng tăng 73 tỷ đồng, tương đương 24% lên 376 tỷ đồng.

Thế nhưng, công ty lại rơi vào tình cảnh âm nặng dòng tiền. Tại ngày 30/9/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 415 tỷ đồng. Hoạt động tài chính và hoạt động đầu tư dương nhẹ nhưng cũng không đủ bù đắp cho hoạt động kinh doanh. Vì vậy, cuối quý 3/2022, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Đạt Phương âm 315 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 31/8/2022, Công ty Đạt Phương trúng Gói thầu số 19 - Toàn bộ phần thi công xây dựng và bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thi công Dự án đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2. Gói thầu trị giá 371 tỷ đồng. 

Trước khi gói thầu này được mở, báo cáo tài chính gần nhất được công bố của Đạt Phương là báo cáo tài chính quý 2/2022. Theo đó, tại thời điểm cuối quý, dòng tiền thuần của Đạt Phương âm 35,8 tỷ đồng. Trong đó, xét BCTC riêng lẻ của công ty mẹ, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Đạt Phương âm tới 367 tỷ đồng.

Trong quý 1/2022, Công ty trúng 3 gói thầu trị giá ngàn tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 28/1/2022, Đạt Phương trúng gói thầu trị giá gần 274 tỷ đồng. Đó là gói HA W3-1: Nạo vét sông Cổ Cò - phần cầu. Bên mời thầu là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam.

Tới ngày 1/3/2022, với tư cách Liên danh phụ, Đạt Phương trúng Gói thầu số 10: Toàn bộ phần xây lắp (giai đoạn 1) bao gồm: Bảo hiểm xây lắp; Đảm bảo giao thông (đường bộ, đường thủy nội địa và hàng hải) phục vụ thi công; thí nghiệm chuyên ngành về chất lượng công trình, thuộc dự án tuyến đường bộ ven biển qua Thừa Thiên Huế và cầu qua cửa Thuận An.

Bên mời thầu là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông. Giá trị hợp đồng Đạt Phương thực hiện là 826 tỷ đồng.

Ngày 16/3/2022, với vai trò Liên danh chính, Công ty Đạt Phương trúng Gói thầu XL-04: Xây lắp đoạn Nam cầu Lý Hòa - Quang Phú (bao gồm chi phí dự phòng), dự án thành phần 1 - Dự án đường ven biển thuộc DA đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3, Quảng Bình. Giá trị hợp đồng Đạt Phương thực hiện là hơn 121 tỷ đồng. Bên mời thầu là Sở Giao thông Vận tải Quảng Bình.

Tại thời điểm quý 1/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty âm 89 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 244 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 ghi nhận, Đạt Phương đang có nợ phải trả gần 3.800 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm hơn 1 nửa. Mặc dù có giảm nhẹ so với đầu năm, số nợ này vẫn gần gấp đôi vốn chủ sở hữu của Đạt Phương. Hai chủ nợ lớn nhất trong ngắn hạn của DPG bao gồm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long (hơn 502,2 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long (hơn 337,3 tỷ đồng).

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/trung-nhieu-goi-thau-lon-tap-doan-dat-phuong-van-am-dong-tien-a205002.html