"Con gà đẻ trứng vàng" của Vietnam Airlines
Theo thông báo của TCT Hàng không VN (Vietnam Airlines), thời hạn muộn nhất để các đơn vị gửi hồ sơ tham gia chào giá cung cấp gói dịch vụ trên là ngày 8/2
Công ty mẹ Vietnam Airlines đang nắm 100% vốn tại Công ty TNHH MTV Nhiên liệu hàng không VN - Skypec (vốn điều lệ 400 tỷ đồng), do Vietnam Airlines nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc Vietnam Airlines đang kiêm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Skypec.
Skypec là đơn vị cung cấp nhiên liệu hàng không hàng đầu tại Việt Nam cho tất cả các hãng hàng không trong nước và hơn 100 hãng hàng không nước ngoài tại 18 sân bay dân dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và 4 sân bay quốc tế lớn của Hàn Quốc với chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có nhiều khách hàng lớn như: Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Korean Air, All Nippon Airways, Qatar Airways, Cathay Pacific, China Airlines, Vietjet Air, Bamboo airways,….
Với năng lực phục vụ khoảng trên 214.000 chuyến bay/năm với tổng sản lượng hàng năm đạt trên 2 triệu tấn/năm và mức tăng trưởng trên 10% mỗi năm.
Giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu của Skypec tăng trưởng trên dưới 40% mỗi năm. Năm 2019, cùng với sự tăng trưởng ngoạn mục của hàng không trong nước, Skypec cũng ghi nhận kết quả kinh doanh cao nhất với doanh thu hơn 29.200 tỷ đồng, lợi nhuận 653 tỷ đồng. Đây cũng là thời điểm Vietnam Airlines đạt doanh thu kỷ lục với khoảng 97.000 - 99.000 tỷ đồng. Tương ứng, Skypec chiếm tới 30% tỷ trọng doanh thu của hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Skypec từng được ví là "con gà đẻ trứng vàng" của Vietnam Airlines.
2 năm 2020 - 2021, Covid-19 làm tê liệt ngành hàng không thế giới. Kết quả kinh doanh của Vietnam Airlines nói chung và Skypec nói riêng cùng lao xuống mức đáy lịch sử. Doanh thu năm 2020 của Skypec chỉ đạt 10,9 nghìn tỷ, lợi nhuận 31 tỷ đồng. Con số tương ứng trong năm 2021 là 9,8 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận 101 tỷ đồng.
Nằm trong kế hoạch tái cơ cấu
Cần phải nói rằng thông tin Vietnam Airlines bán Skypec không phải là mới. Từ năm 2021, theo định hướng tái cơ cấu tổng thể doanh nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đã được ĐHĐCĐ bất thường Vietnam Airlines thông qua, lãnh đạo Vietnam Airlines đã tiết lộ "có thể triển khai phương án tái cơ cấu, chuyển nhượng vốn tại 3 doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải hàng không, trong đó có Skypec để cải thiện dòng tiền, từng bước xóa lỗ lũy kế và tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cho Công ty mẹ".
Được biết, phương án tái cơ cấu được Vietnam Airlines xây dựng tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm 7 nhóm giải pháp. Các giải pháp lớn có thể kể đến như: tái cơ cấu đội bay thông qua đàm phán giãn, hoãn các khoản thanh toán, giảm tiền thuê tàu bay, đẩy lùi lịch nhận các tàu bay mới; tái cơ cấu tài sản thông qua thanh lý các tàu bay cũ, bán và thuê lại tàu bay; tái cơ cấu danh mục đầu tư và các doanh nghiệp thành viên thông qua chuyển nhượng vốn, cổ phần hóa, bán một số danh mục đầu tư để tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính; tái cơ cấu danh mục đất và tài sản trên đất.
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng đặt mục tiêu tái cơ cấu nguồn vốn thông qua phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, huy động vốn từ bên ngoài, phát hành trái phiếu... Tuy nhiên, đây đều là những giải pháp mang tính “cắt da, cắt thịt” và không dễ triển khai trong tình hình thị trường hàng không trong nước và thế giới suy thoái sâu.
Liên quan đến phương án tái cơ cấu danh mục đầu tư, Vietnam Airlines sẽ tính toán phương án chuyển nhượng vốn một số công ty con để có nguồn trả nợ đầy đủ, đúng hạn các khoản vay tái cơ cấu được hỗ trợ từ nguồn tái cấp vốn. Trong đó, giai đoạn 2022 - 2024, Hãng sẽ chuyển nhượng toàn bộ vốn đã đầu tư tại nhóm doanh nghiệp đa ngành nghề, ít liên quan trực tiếp đến vận tải hàng không, gồm dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng -MASCO, dịch vụ hàng không sân bay Nội Bài - NASCO, xuất nhập khẩu hàng không - AIRIMEX, dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn - SPT, cung ứng, xuất nhập khẩu lao động hàng không - ALSIMEXCO, nhựa cao cấp hàng không - APLACO.
Hãng cũng cân nhắc triển khai cổ phần hóa tại 3 công ty TNHH một thành viên khác trong đó có Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) để nâng cao hiệu quả hoạt động, cũng như thu hút các nguồn lực từ bên ngoài. Tỷ lệ sở hữu của Vietnam Airlines sau cổ phần hóa tại các doanh nghiệp này là 51%.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vi-sao-vietnam-airlines-muon-ban-con-ga-de-trung-vang-skypec-a205446.html