Lãi tỷ USD thời khó, 'ông lớn' chi nghìn tỷ trả cổ tức

Nhiều doanh nghiệp ghi nhận hoạt động kinh doanh tốt trong năm 2022 và trả cổ tức trị giá nghìn tỷ đồng cho cổ đông. Nổi bật là một số ngành như ngân hàng, phân bón, vận tải,... Tuy nhiên, triển vọng năm 2023 không thực sự sáng.

Lợi nhuận cao, ngân hàng sẵn tiền mặt trả cổ tức

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) của ông Đặng Khắc Vỹ vừa thông qua phương án chốt danh sách cổ đông vào ngày 10/2 để tạm ứng cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt. Theo đó, VIBank sẽ tạm ứng 2.108 tỷ đồng chi trả cổ tức năm 2022, tỷ lệ 10%. Tiền sẽ được thanh toán vào đầu tháng 3. Trước đó, VIBank dự phóng lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 là 8.400 tỷ đồng và có thể chia cổ tức lên đến 28%.

Như vậy, sau nhiều năm không chia cổ tức bằng tiền mặt, VIBank đã dùng hàng nghìn tỷ đồng chia tiền cho các cổ đông.

Cũng giống như VIBank, nhiều ngân hàng sắp qua thời không chia cổ tức bằng tiền mặt trong bối cảnh lợi nhuận ở mức cao, lên tới nhiều nghìn tỷ, thậm chí cả tỷ USD trong năm 2022 và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không còn yêu cầu các ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng vốn, dành nguồn lực xử lý nợ xấu... nhằm đảm bảo sức khỏe tài chính.

Tuy nhiên, sự nới lỏng này chỉ áp dụng đối với ngân hàng được xếp hạng cao.

Bên cạnh VIB, nhiều ngân hàng khác cũng dự kiến trả cổ tức bằng tiền mặt như VPBank, TPBank, Á Châu (ACB)...

TPBank (TPB) của ông Đỗ Minh Phú thông báo chốt danh sách cổ đông vào ngày 17/2 để lấy ý kiến về phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023, tỷ lệ dự kiến 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. Việc chi trả dự kiến trong quý I/2023. TPBank báo lợi nhuận trước thuế tăng 30% trong năm 2022, đạt gần 7.900 tỷ đồng.

VPBank của ông Ngô Chí Dũng dự tính trong 5 năm tới sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt, với khoảng 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm. ACB cũng vừa có phương án chia cổ tức 10% bằng tiền mặt nếu được NHNN chấp thuận.

tra-co-tuc-1675821921.jpg Nhiều doanh nghiệp trả cổ tức cao thời khó khăn. (Ảnh: Hoàng Hà)

Sở dĩ nhiều ngân hàng tính trả cổ tức bằng tiền mặt vì phần lớn ghi nhận lợi nhuận cao trong năm 2022, trong đó Vietcombank (VCB) là quán quân với lợi nhuận trước thuế gần 37,4 nghìn tỷ đồng (gần 1,6 tỷ USD), tăng 36% so với năm 2021. VCB chưa có thông tin chia cổ tức, nhưng giá cổ phiếu hôm 6/2 lên đỉnh cao lịch sử.

VietinBank báo lợi nhuận trước thuế hơn 21 nghìn tỷ, trong khi BIDV là hơn 23 nghìn tỷ đồng (tăng 70%). Techcombank đạt lợi nhuận 25.600 tỷ đồng (gần 1,1 tỷ USD). MBBank (MBB) có lợi nhuận trước thuế hơn 22.700 tỷ đồng (tăng 38%). ACB, VIBank và HDBank cũng nằm trong câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng. Eximbank ghi lợi nhuận tăng trưởng gấp 3 lần, lên 3.710 tỷ đồng.

Điểm mặt những ngành trả cổ tức cao

Bên cạnh nhóm ngân hàng, doanh nghiệp trong một số ngành cũng ghi nhận lợi nhuận bứt phá và trả cổ tức cao như: phân bón, vận tải...

Tổng CTCP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) vừa công bố nghị quyết về việc tạm ứng cổ tức đợt 1/2022 bằng tiền với tỷ lệ thanh toán là 40%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 4.000 đồng. Như vậy, tổng cộng Đạm Phú Mỹ sẽ chi gần 1.600 tỷ đồng trả cổ tức cho cổ đông trong đợt tạm ứng này.

Trong cả năm 2022, Đạm Phú Mỹ lãi ròng gần 5.600 tỷ đồng, tăng 45% so với năm 2021. Đây cũng là mức lãi cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.

Trước đó, vào cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp đã mạnh tay chi tiền cổ tức năm 2022, với tỷ lệ khá cao.

Trong đó, CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam (PAT) trả cổ tức còn lại năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 100%, tương ứng với mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu PAT nhận được 10.000 đồng. PAT hiện có 25 triệu cổ phiếu đang lưu hành. Do vậy, doanh nghiệp này chi 250 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức nói trên.

PAT là công ty con của CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC). Ước tính, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch Hoá chất Đức Giang và con trai Đào Hữu Duy Anh - trực tiếp và gián tiếp nhận hàng chục tỷ đồng cổ tức từ PAT. Trước đó, hồi tháng 8/2022, PAT cũng đã trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 100% (cho năm 2022).

Hóa chất Đức Giang cũng đã chi 1.140 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 với tỷ lệ 30% cho cổ đông.

Trong hai tuần cuối 2022, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn Sabeco (SAB) đã công bố chi trả hơn 1.600 tỷ đồng cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 25%. Trong tháng 3/2023, Sabeco dự kiến trả cổ tức đợt hai năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 10%.

CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong tháng 2/2023 sẽ chi 2.920 tỷ đồng trả cổ tức bằng tiền mặt lần hai năm 2022, với tỷ lệ 14%.

Ngành điện cũng ghi dấu ấn với lợi nhuận tăng vọt. CTCP Cơ Điện Lạnh (REE) báo lợi nhuận vượt 70% kế hoạch năm. Doanh nghiệp này sắp chia cổ tức 25% bằng tiền và cổ phiếu.

Có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp chia cổ tức cao là doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt và có giá cổ phiếu cao. Đây là yếu tố hỗ trợ cho cổ phiếu và thị trường chứng khoán, đặc biệt trong đợt thị trường đang lình xình đi ngang hiện nay.

Dù vậy, kinh doanh thường có chu kỳ và không phải các ngành, doanh nghiệp nổi bật đều duy trì được tăng trưởng ấn tượng. Trong năm 2023, ngành ngân hàng được dự báo sẽ không còn thuận lợi như 2 năm trước đó khi lãi huy động cao và nợ xấu có thể gia tăng trở lại. Ngành phân bón, hóa chất cũng sẽ không được hưởng lợi từ giá cao khi Trung Quốc mở cửa trở lại và căng thẳng Nga-Ukraine có thể giảm bớt...

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lai-ty-usd-thoi-kho-ong-lon-chi-nghin-ty-tra-co-tuc-a205644.html