Công ty đứng sau nền tảng họp trực tuyến Zoom, một ứng dụng đã trở nên quen thuộc với người dùng toàn cầu trong thời kỳ đại dịch COVID-19, mới đây đã thông báo rằng họ sẽ sa thải khoảng 15% lực lượng lao động của mình, theo South China Morning Post.
Theo các nguồn tin thân cận với vấn đề này, giám đốc điều hành của Zoom Video Communications, ông Eric Yuan, cũng sẽ bị cắt giảm 98% lương trong năm nay và cũng phải từ bỏ các khoản tiền thưởng điều hành của mình. Thông tin sau đó cũng được chín ông Eric Yuan cho biết trong một bài đăng trên blog về việc cắt giảm việc làm.
Giám đốc điều hành ứng dụng từng gây bão thời đại dịch COVID-19 nói thêm rằng các thành viên trong nhóm lãnh đạo điều hành của doanh nghiệp cũng đang bị giảm 20% lương, đồng thời cũng bị mất tiền thưởng trong năm nay.
Trong khi nhiều người dùng và các doanh nghiệp tiếp tục dựa vào ứng dụng Zoom “khi thế giới chuyển sang cuộc sống hậu đại dịch”, công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon đang chứng kiến khách hàng cắt giảm chi tiêu, ông Eric Yuan chia sẻ trong bài đăng.
Theo ông Eric Yuan, Zoom đã đưa ra quyết định “khó khăn nhưng cần thiết” là sa thải khoảng 1.300 người, tương đương khoảng 15% lực lượng lao động của công ty có trụ sở tại Thung lũng Silicon này.
“Quỹ đạo của chúng tôi đã mãi mãi thay đổi trong thời kỳ đại dịch COVID-19 khi thế giới phải đối mặt với một trong những thách thức khó khăn nhất và tôi tự hào về cách chúng tôi hoạt động với tư cách là một công ty để giữ cho mọi người được kết nối với nhau một cách thuận tiện hơn trong thời điểm đó”, giám đốc điều hành Zoom chia sẻ.
Theo ông Eric Yuan, Zoom đã tăng gấp ba số lượng nhân viên của mình trong thời kỳ đại dịch COVID-19, khi mọi người sử dụng nền tảng này để làm việc từ xa, điều trần tại tòa án, tổ chức sự kiện xã hội,… trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra nhiều khó khăn trong việc gặp mặt trực tiếp.
“Chúng tôi thấy rằng mọi người và các doanh nghiệp tiếp tục tin tưởng vào Zoom. Tuy nhiên, sự không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng của nó đối với khách hàng của chúng tôi, có nghĩa là chúng tôi cần nhìn sâu vào bên trong để thiết lập lại bản thân nhằm mục đích có thể vượt qua môi trường kinh tế khó khăn, cung cấp cho khách hàng những trải nghiệm tốt nhất và đạt được tầm nhìn dài hạn của Zoom”, lãnh đạo Zoom nói thêm.
Với động thái trên, ứng dụng nổi tiếng Zoom đã gia nhập danh sách ngày càng nhiều các công ty công nghệ của Mỹ tham gia làn sóng cắt giảm việc làm khi các khoản chi tiêu tăng cao trong nhiều năm. Giờ đây, các doanh nghiệp không chạy theo xu hướng đốt tiền để mở rộng quy mô mà thay vào đó là tiết kiệm để đối phó với điều kiện kinh tế khắc nghiệt trên toàn cầu.
Trước đó vài ngày, một ông lớn công nghệ Mỹ khác là công ty máy tính Dell cho biết rằng họ sẽ sa thải khoảng 5% lực lượng lao động trên toàn cầu, tương đương khoảng 6.650 nhân viên.
Mới nhấ, trang thương mại điện tử ebay của Mỹ cũng đã công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 500 việc làm, tương đương khoảng 4% tổng lực lượng lao động của toàn công ty, theo một hồ sơ gửi lên SEC. Giá cổ phiếu eBay sau đó đã tăng nhẹ trong phiên giao dịch mở rộng ngày 7/2.
Trong một bản ghi nhớ gửi cho nhân viên, giám đốc điều hành Jamie Iannone cho biết công ty đã quyết định cắt giảm nhân sự sau khi xem xét môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu trong vài tháng qua.
Ông cho biết việc cắt giảm sẽ tăng cường khả năng của eBay trong việc mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng của mình và nó sẽ giúp eBay tập trung vào các lĩnh vực mà eBay có thể tạo ra tác động lớn nhất.
“Điều quan trọng là sự thay đổi này mang lại cho chúng tôi thêm không gian để đầu tư và tạo ra những vai trò mới trong các lĩnh vực có tiềm năng cao — công nghệ mới, đổi mới của khách hàng và thị trường trọng điểm — đồng thời để tiếp tục thích ứng linh hoạt với bối cảnh vĩ mô, thương mại điện tử và công nghệ đang thay đổi”, ông Iannone viết. Ông nói thêm rằng các nhân viên bị ảnh hưởng sẽ được thông báo trong 24 giờ tới.
Việc cắt giảm nhân sự không phải điều gì quá mới mẻ khi ngay cả những gã khổng lồ trong ngành công nghệ như Microsoft, Meta (công ty mẹ Facebook), Alphabet (công ty mẹ Google), Amazon hay Twitter cũng đã làm điều tương tự để đối phó với cuộc suy thoái kinh tế tiềm tàng.
Làn sóng sa thải nhân sự cũng xuất hiện sau một đợt tuyển dụng rầm rộ vào thời điểm cao điểm của đại dịch COVID-19, khi các công ty cạnh tranh với nhau nhằm đáp ứng nhu cầu khi mọi người lên mạng để làm việc, học tập và giải trí.
Theo chuyên trang Layoffs.fyi, một chuyên trang theo dõi dữ liệu của người lao động bị sa thải, đã có hơn 95.000 nhân viên công nghệ bị mất việc kể từ đầu tháng 1 trên toàn thế giới.