Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể trong 6 tháng, đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư, "cứu sống" doanh nghiệp.
Lãi vay quá cao
Vào cuối năm ngoái, có 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay, mức giảm từ 0,5 – 3%/năm. Tuy nhiên, trên thực tế, các ngân hàng chỉ áp dụng cho một số đối tượng thuộc lĩnh vực ưu tiên, trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân vẫn than phiền họ đang phải phải chịu lãi vay quá cao lên đến 15%/năm.
Chủ một cơ sở chế biến thực phẩm (Hà Nội) cho biết, từ tháng 11/2022 đến nay, lãi suất mà doanh nghiệp này phải trả tăng từ 10%/năm lên 13,7%/năm. Số tiền lãi mà doanh nghiệp này phải trả hiện tăng 50-100% so với thời điểm đang trong dịch Covid-19.
Không chỉ lãi vay cho hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngân hàng cũng đã tăng lãi suất cho vay mua nhà, mua xe lên khá cao. Lãi suất cho vay mua nhà, mua xe hiện phổ biến từ 12,5-15%/năm. Lãi suất với các khoản vay tiêu dùng dao động từ 12-15%/năm.
Anh Phạm Hào (Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang vay mua nhà tại Seabank năm thứ 3, hiện nay lãi suất lên đến 15%. "Lãi vay tăng lên quá cao, chưa biết đã dừng lại chưa. Trong khi đó, thu nhập của người lao động giảm, tôi không biết sẽ xoay xở bằng cách nào", anh Hào lo lắng.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định: "Nếu lãi suất cao 15% - 16%/năm như hiện nay, làm sao doanh nghiệp sống được? Trong khi đó, có những trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất được, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp”.
Đồng thời ông cho rằng, trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế. Trong bối cảnh khó khăn này, nếu việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng quá chậm.
Cấp thiết kéo lãi suất dài hạn xuống
Để khơi thông nguồn vốn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền trong đó có Ngân hàng Nhà nước cần phải có giải pháp cụ thể để kéo giảm lãi suất cho vay và phải đặt mục tiêu cụ thể.
"Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi nói thật là nếu lãi suất cho dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp "không có cửa" để đầu tư. Do đó, cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích hoạt đầu tư", ông Hòa nói.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Hòa đề nghị ngân hàng nên có sự đồng cảm và chia sẻ với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp rất hiểu ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, có mục tiêu lợi nhuận cũng như cổ tức cho cổ đông, nhưng cũng nên có sự đồng hành và chia sẻ vì vừa qua khó khăn mà nhiều ngân hàng lãi lớn.
"Vậy ngân hàng có thể chia sẻ với người dân và cộng đồng doanh nghiệp được hay không? Hiện nay giá bất động sản đi xuống nên tài sản thế chấp cũng bị định giá thấp xuống, dẫn đến lượng vốn mà ngân hàng cho vay doanh nghiệp giảm theo. Nhiều doanh nghiệp đã ký hợp đồng vay, ngân hàng yêu cầu muốn vay với mức như cũ thì phải bổ sung tài sản thế chấp. Như vậy là quá khó khăn cho doanh nghiệp", ông Hòa than.
Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết: "bản thân OCB cũng là doanh nghiệp nhưng là doanh nghiệp đặc thù và cũng chịu chung khó khăn trong nền kinh tế. Do đó, để triển khai dòng vốn tín dụng hiệu quả hướng vào doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ, chúng tôi đã định hướng tập trung tìm kiếm khách hàng tốt thông qua các hiệp hội doanh nghiệp, Phòng thương mại - Phòng kinh tế quận huyện… ".
Về lãi suất, hiện có 2 nhóm lãi suất cho vay ngắn hạn với doanh nghiệp từ 8-12%/năm và khách hàng cá nhân tối đa khoảng 12%, giảm từ 1,5-2%/năm so với biểu lãi suất thông thường. Các gói lãi suất sẽ triển khai trên toàn hệ thống, có giám sát, điều chỉnh để hiệu quả, tới được tay khách hàng.
Đại diện OCB cho biết, trong năm nay, OCB đặt mục tiêu triển khai vốn tín dụng hướng đến những nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ. Theo đó, ngân hàng sẽ giảm lãi suất ưu đãi hơn so với thông thường từ 1,5-2 điểm % và ngay từ đầu năm gói tín dụng ưu đãi này sẽ được triển khai với quy mô khoảng 25.000 tỉ đồng. Và mục tiêu là khách hàng phải tiếp cận được vốn.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lai-vay-len-toi-15-doanh-nghiep-kien-nghi-giam-lai-xuong-trong-6-thang-a205663.html