Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận 1.181 tỷ đồng, mức cao nhất từ năm 2015 đến nay. Doanh thu năm vừa qua đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 140% so với 2021 cùng với việc hai mảng kinh doanh chính được định hình gồm trồng chuối và nuôi heo.
Tuy nhiên, lợi nhuận ròng của Hoàng Anh Gia Lai lại đến từ việc hoàn nhập các khoản dự phòng đối với khoản phải thu. Cụ thể, doanh nghiệp phố núi có lợi nhuận gộp gần 1.200 tỷ đồng và doanh thu từ hoạt động tài chính gần 500 tỷ đồng trong năm qua.
Tuy nhiên, chi phí tài chính của công ty cũng lên tới hơn 1.600 tỷ đồng. Nếu trừ đi cả chi phí bán hàng, lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai không đủ trang trải cho các hoạt động của doanh nghiệp. Nếu không có khoản hoàn nhập dự phòng gần 1.600 tỷ đồng, tập đoàn của ông bầu bóng đá Đoàn Nguyên Đức đã không có lãi.
Đáng chú ý, một trong những mục tiêu bầu Đức từng nhắc đi nhắc lại là giảm vay nợ vẫn chưa đạt được bước tiến đáng kể. Vào cuối năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai vẫn nợ gần 8.300 tỷ đồng, không thay đổi so với một năm trước.
Song song với việc mở rộng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp của bầu Đức tăng vay nợ ngắn hạn, từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Sacombank tăng mức cho vay đối với Hoàng Anh Gia Lai lên hơn 700 tỷ đồng. Ngoài ra, VPBank cũng tài trợ vốn ngắn hạn gần 300 tỷ đồng cho tập đoàn này.
Đối với các khoản vay bằng trái phiếu, Hoàng Anh Gia Lai năm vừa qua đã tất toán sớm một phần nợ nhưng hiện vẫn còn hơn 5.700 tỷ đồng phải trả, trong đó có 300 tỷ đồng trái phiếu do ACBS thu xếp phát hành sẽ đáo hạn vào tháng 6/2023.
Tập đoàn này còn 1.200 tỷ đồng nợ vay dài hạn với danh sách chủ nợ gồm các ngân hàng Eximbank, TPBank, Lao-Viet Bank, Sacombank. Ngoài ra, Hoàng Anh Gia Lai cũng đang vay một số tổ chức, cá nhân bên ngoài với số tiền hơn 300 tỷ đồng. Trong đó, riêng một cá nhân tên Bạch Nguyễn Phượng Uyên cho doanh nghiệp của bầu Đức vay hơn 80 tỷ đồng.
Trong năm 2022, với dòng tiền kinh doanh âm 200 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai bù đắp dòng tiền nhờ hoạt động thu hồi các khoản đầu tư góp vốn với số tiền hơn 500 tỷ đồng. Đến cuối năm, tiền mặt của công ty còn lại hơn 70 tỷ đồng.
Kết thúc 2022, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm gần 8.200 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu (6.900 tỷ đồng) và hàng tồn kho (1.100 tỷ đồng). Tài sản ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai vẫn thấp hơn nợ ngắn hạn (8.970 tỷ đồng), cho thấy tình hình thanh khoản của công ty chưa được cải thiện đáng kể.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HAG hiện được giao dịch ở mức 8.550 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa doanh nghiệp tương ứng đạt gần 8.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu HAG giảm 7%, ngược với xu hướng tăng của VN-Index.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hoang-anh-gia-lai-van-no-hon-8000-ty-dong-loi-nhuan-nghin-ty-nho-dau-a205856.html