Hai thòng lọng trực chờ doanh nghiệp

Phần lớn doanh nghiệp đang đối mặt với nguy cơ phá sản vì đói vốn và áp lực lãi suất cao.

PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá, nền kinh tế đang đối mặt với những khó khăn rất lớn. Đáng chú ý, đây là khó khăn của bộ phận quan trọng nhất của nền kinh tế - khu vực nội địa.

Theo ông Thiên, một nghịch lý khó lý giải hiện nay là các số liệu tăng trưởng kinh tế tốt nhưng hoạt động của các doanh nghiệp lại đang rất khó khăn. 

"Đây là vấn đề cần phải mổ xẻ để có chiến lược tập trung và tìm giải pháp. Nếu không tìm ra đúng nguyên nhân sẽ rất khó tháo gỡ. Thay vì tự hào nền kinh tế ổn định nhất thế giới, tính ứng biến cao, nền kinh tế cần có khả năng ứng phó với khó khăn để có giải pháp sát sườn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển", ông Thiên nói.

Trong đó, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động của các doanh nghiệp gặp khó là do tắc nghẽn dòng vốn. Sau nửa đầu năm 2022, càng về cuối năm, càng nhiều dấu hiệu cho thấy dòng vốn giống như "máu của nền kinh tế" không được lưu thông đẩy các doanh nghiệp vào thực trạng thiếu dòng tiền. Đặc biệt là các doanh nghiệp cần sử dụng nguồn vốn lớn như bất động sản.

Việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu và lãi suất tăng cao đã khiến thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, không có thanh khoản, doanh nghiệp không có dòng tiền để triển khai dự án và tiếp tục duy trì hoạt động.

Trong khi đó, bất động sản là kênh có vai trò rất lớn cho sự phát triển kinh tế. Mặc dù chỉ đóng góp 5% trong GDP nhưng đây là lĩnh vực có khả năng lan toả rất lớn tới các ngành nghề các và tác động mạnh mẽ lên thị trường tài chính. 

Hệ quả kéo theo của thực trạng này là nguy cơ khủng hoảng lòng tin rất lớn trên thị trường của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Nếu không sớm có giải pháp khơi thông dòng vốn trên thị trường, hỗ trợ thị trường bất động sản phục hồi, những tác động tiêu cực của nó đến nền kinh tế chung sẽ là rất quan ngại. 

Theo ông Thiên, trong khi khu vực FDI (các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) vẫn tăng trưởng rất tốt trong thời gian vừa qua thì các doanh nghiệp nội địa lại đang "có vấn đề". Nguyên nhân là do việc cung ứng vốn cho khu vực FDI không thuộc trách nhiệm của khu vực tài chính Việt Nam mà chủ yếu vốn từ nước ngoài nên câu chuyện "khô cạn" về vốn của nền kinh tế không ảnh hưởng đến các doanh nghiệp FDI. 

"Khu vực doanh nghiệp trong nước đang đứng trước thách thức rất lớn về nguồn vốn. Khu vực nội địa đang bị trói buộc hơn rất nhiều so với khu vực FDI. Với lãi suất cao 15-16%/năm như hiện nay, làm sao doanh nghiệp sống được? Chưa kể đến những vướng mắc khác như thể chế về luật lệ, pháp lý như về đất đai, cơ chế xin - cho...", ông Thiên nhấn mạnh và cho rằng, cần sớm có giải pháp tăng cường cung ứng vốn cho khu vực nội địa nếu muốn nền kinh tế phát triển bền vững. 

Thời gian tới trong điều kiện lạm phát tăng, lãi suất lên cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ tới khu vực các doanh nghiệp nội địa, ông Thiên nhận định.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng cho rằng, việc kiểm soát dòng vốn tín dụng đang gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản. 

"Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì doanh nghiệp không có cửa để đầu tư". Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp kéo lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư. Các ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng cần có lợi nhuận để bảo đảm quyền lợi của mình và các cổ đông... nhưng nên có sự đồng hành, chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp ở thời điểm này, ông Hòa nhấn mạnh.

Cần sớm khôi phục thị trường bất động sản

Trước những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, khôi phục thị trường bất động sản là một trong những nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.

Theo ông Lộc, thị trường bất động sản có vai trò lớn đối với nền kinh tế. Phát triển bất động sản là nền tảng cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và là động lực cho nền kinh tế.

Bước vào năm 2023 nhiều khó khăn hơn năm 2022, để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, thu hút dòng tiền trở lại thị trường bất động sản, trước hết, Chính phủ phải giải quyết các vấn đề về dòng vốn cho thị trường, thể chế và pháp lý và thủ tục hành chính.

Các cơ quan quản lý nhà nước cần hệ thống lại các chính sách, pháp lý để trên cơ sở đó dẫn dắt cho việc tái cấu trúc thị trường vốn cho ngành bất động sản và khơi thông nguồn vốn vào thị trường này. Nghị quyết 01 của Chính phủ nêu rất rõ chính sách tài chính, chính sách tiền tệ phải chắc chắn và linh hoạt, điều đó bảo đảm đối phó với áp lực lạm phát đang gia tăng. Mặt khác các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giãn, hoãn nợ cần được tiếp tục để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Về phía doanh nghiệp, ông Lộc cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp đa dạng các nguồn vốn từ trái phiếu, cổ phiếu, các quỹ đầu tư… thay cho nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Mặc dù vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp này thì vai trò của nguồn vốn tín dụng rất quan trọng.

Quá trình khôi phục của thị trường bất động sản sẽ là quá trình sàng lọc rất đau đớn, sẽ có những doanh nghiệp buộc phải rời thị trường, có những doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Do đó, những giải pháp mạnh mẽ, kịp thời của Chính phủ ngay lúc này là hết sức cần thiết, ông Lộc nhấn mạnh.

Còn theo ông Thiên, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề then chốt là bơm vốn cho nền kinh tế. Không chỉ kiểm soát vốn tín dụng, việc việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công và giải ngân vốn cho chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội hiện đang rất chậm, không đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong khi đó, thời điểm hiện nay có tính sống còn rất lớn với các doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có giải pháp tích cực bơm tiền ra nền kinh tế ngay lúc này. Nếu chậm trễ, doanh nghiệp “chết” sẽ không còn cơ hội để phục hồi.

Mặt khác, bơm vốn cũng là cách có thể giúp giảm nợ xấu, ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay, rất nhiều dự án đang mắc kẹt, không có tiền để tiếp tục triển khai, hoàn thiện, dẫn tới không đủ điều kiện vay ngân hàng. Chỉ khi có dòng tiền mới có thể giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn nêu trên, từ đó giảm bớt được nợ xấu.

Bên cạnh đó, các biện pháp hỗ trợ lãi suất, giảm lãi suất cho doanh nghiệp cũng cần được đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chính phủ không nên sợ lạm phát mà thắt chặt việc tiếp cận dòng vốn, bởi lúc này doanh nghiệp đang rất yếu và cần tiền để quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Thiên nhấn mạnh.

Về lâu dài, vị chuyên gia này cho rằng, việc tái cấu trúc lại thị trường tài chính, tiền tệ là hết sức quan trọng. Hiện thị trường ngân hàng liên quan đến vốn tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu đang phát triển lệch lạc, "méo mó". Việc gánh nặng dòng tiền đổ về thị trường vốn tín dụng nhiều quá đang gây những hệ lụy không tốt cho thị trường tài chính tiền tệ và cả hoạt động của các doanh nghiệp.

Chính vì vậy, Chính phủ cần sớm có giải pháp cho hệ thống thị trường này, cũng như các giải pháp thể chế để cân bằng lại thị trường vốn. Trong đó đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu cần phải phát triển an toàn, lành mạnh, bảo đảm chia sẻ rủi ro, san sẻ gánh nặng cho hệ thống ngân hàng, ông Thiên chia sẻ.

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hai-thong-long-truc-cho-doanh-nghiep-a205894.html