Tăng thuế có san bằng được nghịch lý giàu – nghèo?

Làm thế nào cải thiện được tình trạng đói nghèo trên thế giới khi người nghèo nhất kiếm được một USD, thì một tỷ phú đã kiếm được gần 1,7 triệu USD? Đặc biệt, chỉ hai năm diễn ra đại dịch Covid-19, nhóm 1% người giàu nhất thế giới đã kiếm gần gấp đôi số tài sản của phần nhân loại còn lại.

thue-1676002719.jpg Người nghèo nhất kiếm được một USD, thì một tỷ phú đã kiếm được gần 1,7 triệu USD. Ảnh: Reuters

Khi Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos lần thứ 53 diễn ra, như thường lệ Oxfam đã công bố báo cáo mang tên “Nghịch lý về sự tồn tại của nhóm siêu giàu”. Báo cáo cho biết từ năm 2020, nhóm 1% người giàu nhất đang nắm giữ gần 2/3 số tài sản mới của nhân loại, trị giá 42.000 tỷ USD, gần gấp đôi số tài sản của 99% nhóm dân số nghèo nhất thế giới.

Trong 10 năm qua, nhóm 1% người giàu nhất đã thâu tóm khoảng một nửa tổng số tài sản mới. Vì thế, Oxfam kêu gọi các nước tăng thuế một cách có hệ thống và trên diện rộng đối với nhóm siêu giàu này để giúp người nghèo thoát nghèo.

ĐỔI MỚI LÀ PHẢI ĐÁNH THUẾ GIỚI SIÊU GIÀU

Bà Gabriela Bucher, Giám đốc Điều hành của Oxfam Quốc tế đã ví von sự bất bình đẳng này: “Khi người dân thường đang chật vật cắt giảm chi tiêu cho những mặt hàng thiết yếu của cuộc sống thì nhóm siêu giàu đã vượt lên cả những giấc mơ điên rồ nhất của họ”.

Theo số liệu của Oxfam, ít nhất 1,7 tỷ người lao động đang sống ở các quốc gia nơi lạm phát cao hơn mức lương của họ và hơn 820 triệu người – nghĩa là cứ 10 người lại có một người phải nhịn đói đi ngủ. Phụ nữ và trẻ em gái – những người được ăn ít nhất và phải ăn sau những người khác - chiếm gần 60% số người nghèo đói trên thế giới. Hàng loạt các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng phá sản.

Oxfam khẳng định: “Đánh thuế giới siêu giàu là điều kiện tiên quyết và chiến lược để giảm bất bình đẳng. Chúng ta cần làm điều này để đổi mới, tức là để có được những dịch vụ công tốt hơn; để xây dựng xã hội hạnh phúc và lành mạnh hơn. Đồng thời để giải quyết khủng hoảng do biến đổi khí hậu và đầu tư cho các giải pháp chống lại lượng phát thải khổng lồ của nhóm siêu giàu”.

Trong đó, các quốc gia nghèo nhất đang phải chi gấp bốn lần để trả nợ cho các bên cho vay giàu có hơn là đầu tư cho y tế. Ba phần tư chính phủ các nước dự định triển khai các chính sách thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu công - bao gồm cả chi tiêu cho y tế và giáo dục - khoảng 7,8 nghìn tỷ USD trong vòng năm năm tới.

Trong khi đó, 1% nhóm người giàu nhất nắm giữ 54% tài sản tăng thêm trên toàn cầu. Con số này đã tăng lên 63% trong hai năm qua. 42.000 tỷ USD tài sản mới được tạo ra trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 12/2021. 26.000 tỷ USD (63%) được nắm giữ bởi 1% nhóm người giàu nhất, trong khi 16.000 tỷ USD (37%) được phân phối tới 99% dân số nghèo nhất.

Ngân hàng Thế giới cũng cho biết, tình trạng nghèo cùng cực (tức mức sống dưới 2,15 USD mỗi ngày) gia tăng vào năm 2020 và sự giàu có cực đoan đã tăng lên đáng kể từ khi đại dịch bắt đầu. Chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu chấm dứt tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Cũng theo Oxfam, nếu áp thuế tới 5% đối với các đại triệu phú và tỷ phú có thể thu về 1,7 nghìn tỷ USD mỗi năm, đủ để giúp 2 tỷ người thoát khỏi nghèo đói. Áp dụng thuế đoàn kết cộng đồng một lần và thuế thu nhập bất thường để chấm dứt hành vi trục lợi từ khủng hoảng.

Oxfam kêu gọi tăng thuế dài hạn đối với nhóm 1% người giàu nhất, ví dụ lên tối thiểu 60% thu nhập của họ từ lao động và vốn, trong đó đánh thuế cao hơn đối với các đại triệu phú và tỷ phú. Các chính phủ phải đặc biệt tăng thuế đối với lợi tức vốn, loại thuế này đang thấp hơn so với thuế đánh vào các hình thức thu nhập khác.

 Đánh thuế tài sản của 1% những người giàu nhất với mức thuế suất đủ cao để giảm đáng kể số lượng và tài sản của những người giàu nhất và tái phân bổ những nguồn lực này. Điều này bao gồm thực hiện thuế thừa kế, tài sản và đất đai, cũng như thuế tài sản ròng.

Oxfam khẳng định: “Đánh thuế giới siêu giàu là điều kiện tiên quyết và chiến lược để giảm bất bình đẳng. Chúng ta cần làm điều này để đổi mới, tức là để có được những dịch vụ công tốt hơn; để xây dựng xã hội hạnh phúc và lành mạnh hơn. Đồng thời để giải quyết khủng hoảng do biến đổi khí hậu và đầu tư cho các giải pháp chống lại lượng phát thải khổng lồ của nhóm siêu giàu”.

ĐÁNH THUẾ SIÊU GIÀU VẪN KHÓ VỀ PHÁP LÝ

Điều thú vị là khi Oxfam kêu gọi đánh thuế nhóm siêu giàu cao hơn thì sau đó một ngày (ngày 17/1/2023) nhóm 205 triệu phú và tỷ phú giới siêu giàu cũng công bố bức thư ngỏ có tựa đề “Cái giá của sự giàu có tột độ”, kêu gọi chính phủ các nước “đánh thuế chúng tôi ngay lập tức” để giải quyết đói nghèo.

Bức thư nói rõ “lịch sử 5 thập kỷ qua là câu chuyện về sự giàu có không lan tỏa tới bất kỳ chỗ nào khác mà chỉ tiếp tục rót vào chính họ. Trong vài năm gần đây, xu hướng này tăng tốc đáng kể…”.

ty-le-tai-san-1676002820.png

Thăm dò ý kiến đánh thuế giới siêu giàu này trên thế giới cho thấy hầu hết mọi người đều ủng hộ. Ví dụ, phần lớn người dân ở Hoa Kỳ, 80% người Ấn Độ, 85% người Brazil và 69% người dân được thăm dò ý kiến ở 34 quốc gia ở châu Phi ủng hộ việc tăng thuế đối với người giàu.

Thế nhưng sự đánh thuế giới siêu giàu này lại không hề đơn giản, thí dụ tại Mỹ vẫn đang có nhiều trang cãi về định nghĩa “tỷ phú” và cách tính giá trị ròng. Tại Mỹ, Tổng thống Biden (trong khuôn khổ đề xuất đánh thuế tài sản liên bang mới nhất) đã yêu cầu áp thuế 20% đối với những hộ gia đình có tổng thu nhập trên 100 triệu USD.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tang-thue-co-san-bang-duoc-nghich-ly-giau-ngheo-a206123.html