Tiếp chuỗi sai phạm lớn tại Hà Nam: UBND tỉnh liên tiếp bị 'vượt mặt' thế nào?

Bên cạnh yếu kém trong công tác quản lý, UBND tỉnh Hà Nam cũng nhiều lần để 'cấp dưới' và doanh nghiệp 'vượt mặt' khi thực hiện các dự án. Kho tập kết xăng dầu của Công ty TNHH Hải Linh tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

kho-tap-ket-xang-dau-cua-cong-ty-tnhh-hai-linh-tai-xa-thi-son-huyen-kim-bang-ha-nam-1676004464.gif

Kho tập kết xăng dầu của Công ty TNHH Hải Linh tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

Bên cạnh yếu kém trong công tác quản lý, để một loạt dự án nhà ở, khu đô thị… có sai phạm về xác định giá đất, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, vi phạm về quy hoạch, xây dựng không phép… UBND tỉnh Hà Nam cũng nhiều lần để “cấp dưới” và doanh nghiệp “vượt mặt” khi thực hiện các dự án.

Làm sai trước, lấp “lỗ hổng” sau

Tài liệu của Báo GD&TĐ cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2018, UBND tỉnh Hà Nam đã 2 lần bị “vượt mặt” tại các dự án như: Dự án Khu dịch vụ thương mại tại KCN Đồng Văn I và Dự án cảng nhập, xuất kho trung chuyển xăng dầu tại huyện Kim Bảng.

Tại Dự án Khu dịch vụ thương mại tại KCN Đồng Văn I (thị trấn Đồng Văn, Duy Tiên), dù UBND tỉnh Hà Nam chưa cho thuê đất, nhưng Ban QLKCN tỉnh này vẫn cấp giấy phép xây dựng và chủ đầu tư đã khởi công xây dựng công trình. Điều này được xác định vi phạm Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng 2014 và Nghị định số 59 ngày 18/6/2015 của Chính phủ.

Sai phạm như đã nêu của Ban QLKCN Hà Nam sau đó đã được “chữa cháy” bằng Quyết định số 1747 ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh Hà Nam về việc đồng ý cho thuê đất để thực hiện dự án.

KCN Đồng Văn được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục bổ sung danh mục khu công nghiệp đầu tư đến năm 2000 tại Quyết định số 194/1998/QĐ-TTg ngày 1/10/1998. Sau đó, KCN Đồng Văn lần đầu được phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 1058/QĐ-UB ngày 9/8/2004 của UBND tỉnh Hà Nam.

Dự án KCN Đồng Văn I được giao cho Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng các KCN tỉnh Hà Nam làm chủ đầu tư. Ban đầu, tổng diện tích quy hoạch của KCN là 150 ha với tổng mức đầu tư xây dựng là 178,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động thực tế, dự án được xây dựng trên diện tích 138 ha với tổng mức đầu tư 211,4 tỷ đồng.

Đây là dự án được quy hoạch là KCN đa ngành, tập trung thu hút các ngành như: Công nghiệp điện tử, cơ khí lắp ráp, nhựa, hóa mỹ phẩm; Công nghiệp chế biến nông, thủy sản thực phẩm; Công nghiệp vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, hàng mỹ nghệ gốm sứ cao cấp; Công nghiệp khác như may mặc, thêu ren, giầy da xuất khẩu.

Từ khi mới được thành lập đến nay, KCN Đồng Văn I đã chứng minh được “sức nóng” của mình khi thu hút được rất nhiều nhà đầu tư cả trong nước lẫn quốc tế.

Còn tại Dự án cảng nhập, xuất kho trung chuyển xăng dầu tại huyện Kim Bảng, chủ đầu tư đã khởi công xây dựng công trình khi chưa được UBND tỉnh Hà Nam chấp thuận chủ trương đầu tư, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng. Điều này được xác định đã vi phạm Luật Đất đai năm 2013, Luật Xây dựng năm 2014 và Nghị định 59/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ.

Liên quan đến dự án này, theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, dự án trên do Công ty TNHH Hải Linh (Công ty Hải Linh) làm chủ đầu tư và được xây dựng trên địa bàn xã Thi Sơn (huyện Kim Bảng). Những sai phạm này của chủ đầu tư dự án sau đó đã được UBND tỉnh Hà Nam tạo điều kiện lấp đầy bằng việc thông qua, chấp thuận các thủ tục pháp lý về đầu tư.

Trong quá trình triển khai dự án này, vào năm 2018, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra việc xây dựng các hạng mục công trình thuộc dự án và phát hiện nhiều sai phạm.

 

Theo đó, tại khu vực quy hoạch kho trung chuyển, Công ty Hải Linh xây dựng tường rào phía Nam ra ngoài ranh giới quy hoạch được duyệt. Vị trí xây dựng các công trình như: Nhà điều hành, trạm bơm dầu, nhà viết phiếu… xây dựng không tuân thủ quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt.

Nhà điều hành theo quy hoạch xây dựng 2 tầng nhưng Công ty Hải Linh xây dựng 3 tầng. Về đường ống dẫn dầu xây dựng hướng tuyến đường ống theo quy hoạch chi tiết được duyệt nằm dọc hành lang Quốc lộ 21A và đường trong cụm công nghiệp nhưng thực tế Công ty Hải Linh xây dựng từ Quốc lộ 21A đến thẳng bể chứa.

Đối với khu vực quy hoạch cảng nhập, Công ty Hải Linh xây dựng khi chưa có giấy phép xây dựng. Hạng mục nhà làm việc xây dựng không đúng vị trí so với quy hoạch chi tiết được duyệt. Công ty Hải Linh cũng tự ý xây dựng nhà ở công nhân.

Thiếu công bằng trong việc tính đơn giá thuê đất

Bên cạnh những sai phạm đã được cơ quan bảo vệ pháp luật chỉ ra tại một loạt dự án nhà ở, khu đô thị, tỉnh Hà Nam cũng chưa làm nổi bật được vai trò quản lý của mình tại các dự án công nghiệp. Điều này được thể hiện bằng những sai phạm xảy ra tại dự án san nền, hạ tầng kỹ thuật ở Cụm công nghiệp Kiện Khê I.

Theo đó, UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Cụm công nghiệp Kiện Khê I từ 56,15 ha (ban đầu) lên 150,86 ha được xác định là không đúng quy định tại quy chế quản lý Cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ (cụm công nghiệp có tổng diện tích sau khi mở rộng không vượt quá 75 ha).

Dự án được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước. Theo tài liệu, đến thời điểm thanh tra, dự án còn nợ đọng xây dựng cơ bản đối với các nhà thầu xây dựng với số tiền hơn 122 tỷ đồng. UBND tỉnh Hà Nam vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản. Việc này được chỉ ra đã vi phạm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Cũng tại dự án này, UBND tỉnh Hà Nam đã thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần chi phí đầu tư san nền, hạ tầng kỹ thuật đối với 4 dự án đã đầu tư vào Cụm công nghiệp Kiện Khê I được xác định không đúng quy định với tổng số tiền hơn 164 tỷ đồng.

Trong số này, dự án nhà máy Hoa Sen Hà Nam là gần 77 tỷ đồng; dự án nhà máy sữa Nutifood Hà Nam là hơn 31 tỷ đồng… Ngày 18/6/2021, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành các quyết định thu hồi số tiền hơn 164 tỷ đồng hỗ trợ không đúng nêu trên.

Bên cạnh đó, đối với 4 dự án thuê đất tại Cụm công nghiệp Kiện Khê I, UBND tỉnh Hà Nam cũng được chỉ ra đã áp dụng không thống nhất mức tỷ lệ phần trăm để tính đơn giá thuê đất.

Trong đó, tỉnh Hà Nam áp dụng mức tỷ lệ 0,5% để tính đơn giá thuê đất đối với dự án nhà máy sữa Nutifood Hà Nam và mức 1% đối với 3 dự án còn lại. Điều này được xác định là thiếu công bằng giữa các dự án tại Cụm công nghiệp Kiện Khê I.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tiep-chuoi-sai-pham-lon-tai-ha-nam-ubnd-tinh-lien-tiep-bi-vuot-mat-the-nao-a206130.html