Tập đoàn xây dựng Hòa Bình vừa báo cáo tình hình kinh doanh quý IV/2022 với doanh thu thuần hơn 3.218 tỷ đồng. Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Hòa Bình tăng 24%, lên gần 14.123 tỷ đồng.
Hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của Hòa Bình còn đến từ hoạt động tài chính khi mang lại doanh thu cho Tập đoàn gần 159 tỷ đồng, tăng 42% so với năm trước.
Tuy doanh thu thuần tăng 24% nhưng giá vốn bán hàng còn tăng mạnh hơn với 31% lên gần 13.865 tỷ đồng. Chính vì thế, lợi nhuận gộp của Hòa Bình đã giảm mạnh 68% về còn gần 258 tỷ đồng, biên lãi gộp cũng giảm từ 7.1% về 1.8%.
Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng mạnh, gấp 2.3 lần năm trước, lên gần 940 tỷ đồng. Dưới áp lực chi phí tăng mạnh, Hòa Bình báo lỗ ròng năm 2022 hơn 1.138 tỷ đồng.
Đến hết năm 2022, quy mô tài sản của Hòa Bình đạt gần 16.926 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm, chủ yếu do phải thu ngắn hạn tăng 5%, tương đương 572 tỷ đồng, lên hơn 12.110 tỷ đồng. Mặt khác, nợ phải trả của Công ty cũng tăng 14%, lên gần 14.283 tỷ đồng. Được biết đây là năm đầu tiên Hòa Bình báo lỗ.
Nói về kết quả kinh doanh, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch HĐQT của Hòa Bình thừa nhận, khó khăn của ngành xây dựng đã diễn ra trong thời gian dài mà gánh nặng lớn nhất là sự tăng giá quá mạnh của nguyên vật liệu. Chưa giải quyết được vấn đề tăng giá đầu vào thì cú sốc trên thị trường trái phiếu khiến cho nhiều doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng kém thanh khoản, dừng thi công… Đó tiếp tục là một “đòn” đau đánh vào doanh nghiệp xây dựng.
Trước đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình 2 lần bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) nhắc nhở do chậm nộp báo cáo tài chính, và yêu cầu khẩn trương công bố báo cáo tài chính để đảm bảo thông tin đầy đủ đến nhà đầu tư.
Lý do được Hòa Bình đưa ra là do lịch nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài từ ngày 21/1/2023 đến 29/01/2023, trong khi đặc thù của công ty có nhiều công trình dài khắp cả nước và nghiệp vụ kế toán quý IV/2022 cần rà soát số liệu cho cả năm 2022 và phải hợp nhất số liệu báo cáo tài chính các công ty con/công ty liên kết nên cần nhiều thời gian để tổng hợp.
Ngoài ra, do những tác động bất lợi lên toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty từ những biến động bất thường về nhân sự cấp cao, nên công ty gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành báo cáo tài chính và công bố thông tin đúng thời hạn.
Trước đó tại Tập đoàn Hòa Bình vừa xảy ra cuộc nội chiến quanh vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải và Nguyễn Công Phú. Hiện tại, ông Lê Viết Hải vẫn giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và Người đại diện theo pháp luật của Hòa Bình.
Vào giữa tháng 1/2023, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự TP.HCM đã ra quyết định buộc Công ty tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 51/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 14/12/2022, Nghị quyết số 53/2022/NQ-HĐQT.HBC ngày 31/12/2022 của HĐQT cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của Hội đồng Trọng tài.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tap-doan-xay-dung-hoa-binh-lo-ky-luc-hon-1100-ty-dong-a206289.html