Nhắc tới Thế Giới Di Động (TGDĐ), đa số nhà đầu tư trước đây đều ấn tượng với việc duy trì tốc độ tăng trưởng nóng trong nhiều năm. Trong đó, giai đoạn từ năm 2011 - 2019, công ty duy trì mức doanh thu tăng bình quân 50,8%/năm và lợi nhuận sau thuế tăng bình quân 55,3%/năm.
Qua thời tăng trưởng nóng
Tuy nhiên, từ năm 2020 - 2021, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân chỉ đạt 9,8%, lợi nhuận đạt 13,6% và đặc biệt trong năm 2022, lợi nhuận đã giảm 16,3% về 4.101,7 tỷ đồng.
Như vậy, sau giai đoạn tăng nóng kéo dài tới năm 2019, TGDĐ đang bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại và bắt đầu giảm từ năm 2022 với lợi nhuận quý sau thấp hơn quý trước.
Đỉnh điểm khó khăn rơi vào quý IV/2022 khi lợi nhuận của doanh nghiệp giảm mạnh 60,4% so với cùng kỳ xuống còn 619 tỷ đồng, mức thấp trong nhiều năm. Tính chung cả năm 2022, lãi ròng đạt 4.102 tỷ đồng giảm 16% so với năm 2021 là 4.901 tỷ đồng, chính thức kết thúc chuỗi tăng trưởng dương từ khi niêm yết năm 2014 tới nay.
Được biết, năm 2022, TGDĐ đặt kế hoạch doanh thu 140.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.350 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch và chỉ đạt 64,6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Có thể nói, năm 2022 là năm ngành bán lẻ nói chung gặp không ít khó khăn bởi trong bối cảnh lãi suất và lạm phát ở mức cao đã làm sức mua trở nên yếu hơn đối với các sản phẩm điện thoại, điện máy cũng như xu hướng thắt chặt chi tiêu ngay cả đối với thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu. Cho nên, kết quả kinh doanh của TGDĐ giảm sút là điều khó nằm ngoài xu hướng chung toàn ngành.
Dù vậy, nguyên nhân chủ yếu được cho là bởi chuỗi TGDĐ có dấu hiệu bão hòa, chuỗi Bách hóa Xanh (BHX) mặc dù được đầu tư và kỳ vọng là động lực tăng trưởng mới, nhưng liên tục gặp khó dù không ngừng tái cấu trúc mà vẫn không được như kỳ vọng. Gần đây, công ty tham gia thêm lĩnh vực bán lẻ thuốc nhưng cũng nhanh chóng tạm dừng kế hoạch mở rộng chuỗi Nhà thuốc An Khang. Không chỉ vậy, hai dự án liên quan đến các thương hiệu là AVAFashion và một phần chuỗi AVAJi cũng đang tạm đóng cửa.
Thực tế, những thông tin về kết quả kinh doanh mà TGDĐ đang đạt được không gây bất ngờ cho lắm vì đây là điều đã được dự báo từ trước bởi phương thức kinh doanh của doanh nghiệp lớn ngành bán lẻ này.
Lẽ ra với thế mạnh của mình cùng hệ thống cửa hàng, lượng tiêu thụ lớn như vậy thì giá điện thoại di động của họ phải rẻ hơn so với Cellphones, Hoàng Hà…, nhưng thực tế ngược lại.
Hơn nữa, việc đóng bớt các cửa hàng BHX cho thấy TGDĐ đang gặp bài toán mà các nhà bán lẻ có quy mô lớn thường xuyên phải đối mặt. Đó là khi mở càng nhiều chuỗi bán lẻ thì chi phí sẽ càng tăng lên, cạnh tranh sẽ càng khốc liệt hơn.
Chưa kể, những tai tiếng của một vài cửa hàng BHX bị “tố” tăng giá sản phẩm giữa mùa dịch đã gây “mất điểm” trong mắt người tiêu dùng, ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách hàng. Và kết quả lỗ kỷ lục 2.744,1 tỷ đồng trong năm 2022 của BHX phần nào đã thể hiện được điều này.
Ít có động lực tăng trưởng mạnh
Kết quả kinh doanh “đi lùi” còn khiến cổ đông không khỏi đặt nghi vấn về việc liệu TGDĐ có tiếp tục duy trì chính sách ESOP (phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty) như mọi năm hay không.
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, TGDĐ đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu ESOP cho ban điều hành và cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp và các công ty con dựa vào kết quả kinh doanh năm 2022. Tỷ lệ phát hành tối đa là 2,5% trên tổng số cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành.
Điều kiện để doanh nghiệp thực hiện phát hành ESOP được đưa ra khi tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt từ 10% trở lên với tỷ lệ phát hành được tính bằng % tăng trưởng lợi nhuận sau thuế nhân 0,1. Giá phát hành sẽ là 10.000 đồng/cp và thời điểm phát hành dự kiến trong năm 2023.
Như vậy, với lợi nhuận tăng trưởng âm năm 2022, nhiều khả năng TGDĐ sẽ không phát hành ESOP theo phương án được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua. Và nếu như vậy, thực sự việc kinh doanh của công ty đang gặp vấn đề về cốt lõi lớn. Bởi tại ĐHCĐ thường niên 2021, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT TGDĐ từng nhấn mạnh “Nếu một ngày nào đó, chính sách ESOP không được thông qua thì hiệu quả kinh doanh của công ty đó có vấn đề ".
Mặt khác, trong bối cảnh TGDĐ tăng trưởng âm, Quỹ ngoại Dragon Capital lại tiếp tục có động thái bán cổ phiếu để giảm sở hữu. Cụ thể, ngày 3/2, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital đã bán ra 5.343.700 cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 9,33% về còn 8,96% vốn điều lệ. Trước đó, ngày 26/12/2022, nhóm này cũng bán ra 6,65 triệu cổ phiếu MWG để giảm sở hữu từ 10,12% vốn điều lệ. Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhóm Dragon Capital đã bán ra 11,99 triệu cổ phiếu MWG.
Thời điểm quỹ ngoại liên tục bán vốn tại TGDĐ trong giai đoạn cổ phiếu này vừa hồi phục nhẹ sau chuỗi bán tháo. Cụ thể, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 2/2/2023, cổ phiếu MWG bật tăng 20,7% từ 37.850 đồng lên 49.900 đồng/cp. Tuy nhiên, tính từ chốt phiên 16/6 (thời điểm TGDĐ chi trả cổ tức cho cổ đông bằng cổ phiếu) đến phiên 10/2, cổ phiếu MWG đã giảm từ 79.000 đồng/cp về 42.100 đồng/cp (-46,7%). Còn nếu tính từ mức đỉnh 160.200 đồng/cp (phiên 15/4), cổ phiếu này còn giảm nhiều hơn nữa.
Theo ông Đào Đình Tùng, chuyên viên tư vấn Chứng khoán Chứng khoán Mirae Asset cho biết, xét về kỹ thuật, hiện tại giá cổ phiếu MWG đang giao dịch trong xu hướng đi ngang, các đường MA ngắn như MA6, MA10 đang cắt xuống chỉ báo cổ phiếu giảm trong ngắn hạn. Trong trường hợp thủng vùng hỗ trợ 41-42 thì nên tiến hành cắt lỗ vì cổ phiếu gãy kênh xu hướng, giá tiếp tục giảm về dưới 40.
Nhìn chung, những diễn biến kém khả quan của cổ phiếu cùng với tình hình kinh doanh ngày càng giảm sút của TGDĐ dự báo trước một tương lai kém tươi sáng cho giá cổ phiếu bởi cổ phiếu ít có động lực tăng trưởng mạnh. Những điều này sẽ khiến nhà đầu tư đắn đo khi quyết định tham gia vào cổ phiếu MWG trong bối cảnh đầu tư chứng
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-phieu-mwg-kho-sang-tro-lai-a206556.html