Tại ngày 31/12/2022, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) có 35.757 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm 15,7% so với đầu năm. Trong đó, giá trị tồn kho thành phẩm là 10.203 tỷ đồng, tương đương với ngày 1/1. Phần còn lại là tồn kho nguyên vật liệu, công cụ, dụng cụ, chi phí dở dang, …
So với mức đỉnh vào ngày 30/6/2022, tồn kho thành phẩm của Hòa Phát đã giảm 33,5%.
Tập đoàn của Chủ tịch Trần Đình Long giảm hàng tồn kho khi tình hình tiêu thụ thép toàn ngành gặp nhiều khó khăn do nhu cầu yếu, giá thép giảm. Cụ thể, Hòa Phát bán ra 7,2 triệu tấn thép trong năm 2022, thấp hơn 7% so với năm trước. Trong đó, sản lượng bán hàng nửa cuối năm thấp hơn 20% so với nửa đầu năm.
Số liệu tổng hợp từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy tổng tiêu thụ sản phẩm thép năm 2022 toàn ngành đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm 2021. Tổng xuất khẩu là 6,28 triệu tấn, giảm gần 20%.
Tính riêng nửa cuối năm, sản lượng bán hàng là gần 12,1 triệu tấn, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Biểu đồ sau đây cho thấy tiêu thụ thép xây dựng và ống thép tăng lên nhưng không đủ để bù lại đà giảm sâu của thép cuộn cán nóng, thép cuộn cán nguội và tôn mạ.
Để giảm lượng hàng tồn kho, Hòa Phát đã tạm đóng cửa 5 lò cao luyện thép ở khu liên hợp Dung Quất và Hải Dương kể từ tháng 11 và 12. Tuy nhiên do thị trường ảm đạm, tốc độ vòng quay hàng tồn kho thành phẩm của Hòa Phát vẫn sa sút xuống còn 2,2 lần trong quý cuối năm.
Số ngày tồn kho tăng tương ứng lên 42 ngày. Nói khác đi, trong quý IV/2022, Hòa Phát cần 42 ngày để luân chuyển được một vòng hàng tồn kho, hay cần 42 ngày để bán hết thành phẩm trong kho (giả sử kho chỉ xuất hàng ra, không nhập thêm vào).
Hệ số vòng quay hàng tồn kho được tính bằng cách lấy giá vốn hàng bán chia cho giá trị trung bình của hàng tồn kho trong kỳ. Số ngày tồn kho trong một quý bằng 90 chia cho vòng quay hàng tồn kho của quý đó.
Nhiều doanh nghiệp thép khác ghi nhận diễn biến hàng tồn kho tương tự Hòa Phát.
Cụ thể, Thép Nam Kim (Mã: NKG) có 4.529 tỷ đồng thành phẩm trong kho tại ngày cuối quý II nhưng đến cuối năm 2022 chỉ còn 3.464 tỷ, tương đương mức giảm 23,5%.
Cùng khoảng thời gian này, tồn kho thành phẩm của Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) giảm 27% còn 2.551 tỷ đồng, Tôn Đông Á (Mã: GDA) cũng giảm 27%, còn 2.318 tỷ, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel – Mã: TVN) giảm 42,4% còn 1.568 tỷ. Thép Pomina (Mã: POM) và Thép Việt Đức (VGS) giảm lần lượt 72% và 48%.
Số ngày tồn kho của Nam Kim, Hoa Sen, Tôn Đông Á và VNSteel lập đỉnh trong quý III rồi giảm nhẹ trong quý IV và vẫn còn cao hơn so với quý đầu năm, như thể hiện trong bảng thống kê dưới đây. Pomina ghi nhận số ngày tồn kho cao nhất trong quý IV, Thép Việt Đức trong quý II.
Lượng hàng tồn kho lớn và tiêu thụ chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp thép. Việc Hòa Phát giảm công suất để tránh tích tụ hàng tồn kho khiến cho tỷ trọng khấu hao và các chi phí cố định khác trong cơ cấu giá thành sản phẩm quý IV lên cao hơn bình thường.
Cuối năm 2022 - đầu 2023, giá thép đã có một vài nhịp tăng nhưng chưa thể quay lại mức đầu năm ngoái. Giá thành sản xuất vẫn cao. Vì những lý do này, Hòa Phát tiếp tục phải trích lập thêm dự phòng hàng tồn kho 343 tỷ đồng trong quý IV, nâng tổng số dự phòng này lên 1.236 tỷ đồng vào thời điểm kết thúc năm tài chính.
Tại ngày 31/12/2022, Hoa Sen đang phải dự phòng giảm giá hàng tồn kho 652 tỷ đồng, Nam Kim phải dự phòng 290 tỷ đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/doanh-nghiep-thep-cat-giam-hang-ton-kho-trong-nua-cuoi-nam-vong-quay-thanh-pham-cham-lai-a206723.html