Quy định chồng chéo về đảo nợ trái phiếu, ngân hàng hẹp cửa hỗ trợ thị trường
Áp lực trả nợ trái phiếu là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay. Trong bối cảnh nhà đầu tư cá nhân mất niềm tin, tháo chạy khỏi trái phiếu, các doanh nghiệp phát hành đang trông chờ vào sự tham gia giải cứu của nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các ngân hàng thương mại.
Bà Đỗ Thị Phương Lan, Phụ trách tái cấu trúc cho Tập đoàn Novaland thừa nhận, các doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn trong trả nợ trái phiếu đến hạn. “Đề nghị NHNN với vai trò lãnh đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, ngân hàng thương mại với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp xem xét các giải pháp có thể giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện nghĩa vụ với các trái chủ”, bà Lan đề xuất.
Đây cũng là mong mỏi của rất nhiều doanh nghiệp. Mặc dù vậy, việc ngân hàng tham gia “giải cứu” trái phiếu trở nên bất khả thi trong bối cảnh NHNN siết chặt hoạt động đầu tư trái phiếu của ngân hàng thương mại và cơ chế chính sách còn chồng chéo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho hay, Nghị định 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ chính thức cho phép doanh nghiệp được phép hành trái phiếu để cơ cấu lại các khoản nợ do chính doanh nghiệp phát hành (đảo nợ). Tuy nhiên, Thông tư 16/2021/TT-NHNN của NHNN lại yêu cầu tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp trong trường hợp phát hành để cơ cấu lại các khoản nợ của chính mình (đảo nợ).
Quy định của Thông tư 16/2021/TT-NHNN khiến vai trò của các ngân hàng trong việc tham gia hỗ trợ thị trường trái phiếu bị thu hẹp đáng kể. Chính vì vậy, ông Châu đề nghị, NHNN sớm sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-NHNN theo hướng cho phép ngân hàng được mua trái phiếu phát hành với mục đích đảo nợ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, không có sự chồng chéo giữa Nghị định 65/2022/NĐ-CP và Thông tư 16/2021/TT-NHNN. Nghị định 65/2022/NĐ-CP quy định chung cho tất cả đối tượng tham gia mua bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, còn Thông tư 16/2021/TT-NHNN là quy định mang tính chuyên ngành. Do ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, nên việc NHNN ban hành các quy định chặt chẽ hơn là hợp lý.
Thực tế, ngay cả khi quy định pháp luật cho phép, thì trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, năng lực doanh nghiệp phát hành suy yếu, bản thân các ngân hàng sẽ rất thận trọng đối với trái phiếu doanh nghiệp. Năm 2022, nhiều ngân hàng thương mại đã chủ động giảm dư nợ trái phiếu nắm giữ, có ngân hàng giảm tới 33%.
Lãnh đạo NHNN cũng khẳng định, cơ quan này không tán thành việc ngân hàng thương mại tham gia “giải cứu” trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, vì như vậy sẽ quá rủi ro cho hệ thống.
Bất động sản quay cuồng trong áp lực trả nợ trái phiếu
Trong khi chưa thể mong đợi sự hỗ trợ từ ngân hàng thương mại, cả về tăng tín dụng bất động sản cũng như “giải cứu” trái phiếu với tư cách nhà đầu tư tổ chức, các doanh nghiệp bất động sản đang đối mặt với áp lực trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn rất lớn.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 1/2023, chỉ có một đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 110 tỷ đồng, giảm 99,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trong tháng này là gần 17.300 tỷ đồng (riêng bất động sản là 10.500 tỷ đồng, chiếm 61%) và nhóm xây dựng (5.900 tỷ đồng, chiếm 34%). Tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 2/2023 là 5.200 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản (gần 3.500 tỷ đồng, chiếm 67%).
Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phải xoay xở gần 20.000 tỷ đồng để trả nợ trái phiếu đáo hạn, chưa kể trái phiếu mua lại trước hạn. Tính từ đầu năm đến ngày 3/2/2023, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 8.600 tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ năm 2022). Cả năm nay, lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đáo hạn khoảng 119.000 tỷ đồng.
Gánh nặng đáo hạn nợ trái phiếu trong khi thị trường này tiếp tục đóng băng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng về nguy cơ mất thanh khoản, từ đó vỡ nợ chéo sang tín dụng. Theo đại diện Hưng Thịnh Land, nếu tình hình này tiếp diễn, doanh nghiệp sẽ đứng trước nguy cơ bị nhảy nhóm nợ, gia tăng nợ xấu.
Trước tình trạng bế tắc dòng tiền, NHNN đề nghị các doanh nghiệp tập trung tái cơ cấu, tăng năng lực quản lý dòng tiền, cơ cấu sản phẩm hợp lý, sử dụng vốn phù hợp, cân nhắc giảm giá bất động sản để bán và có dòng tiền.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đang rất ngóng đợi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP sớm được ban hành.
Trao đổi với báo chí mới đây, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp để phát triển có hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp, gồm cả trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ. Khẳng định các quy định tại Nghị định 65/2022/NĐ-CP là đúng đắn, song Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sẽ sửa đổi trên tinh thần giãn thời gian áp dụng một số quy định để hỗ trợ cả bên cung và bên cầu trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Dài hơi hơn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tổng rà soát các quy định liên quan và trao đổi với các bộ, ngành chức năng khác để sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về doanh nghiệp và tiền tệ ngân hàng… Đồng thời, các đơn vị chức năng tham mưu giải pháp trình các cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh các quy định cho phù hợp hơn với thực tại thị trường.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/doanh-nghiep-mong-ngan-hang-giai-cuu-trai-phieu-a206967.html