Vướng tứ bề, nhiều dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM bất động

Dù đã khởi công nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp…, nhưng đến nay, tại TP.HCM rất nhiều dự án vẫn chưa có hoạt động xây dựng nào.

du-an-nha-o-xa-hoi-tai-so-23-1676431174.jpgDự án nhà ở xã hội tại số 23 - Lý Tự Trọng (quận 1, TP.HCM) chưa xây dựng, đang quây tôn xung quanh để tận dụng làm bãi giữ xe.

Khởi công rồi để đấy

Cuối tháng 4/2022, Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp với Tập đoàn Nam Long tổ chức Lễ động thổ dự án nhà ở xã hội tại Khu dân cư Nguyên Sơn (huyện Bình Chánh). Công trình được triển khai trên khu đất rộng gần 3.700 m2 với quy mô 242 căn theo chính sách thuê, mua. Phía chủ đầu tư cam kết dự án sẽ được triển khai đúng tiến độ, đảm bảo nhu cầu người thu nhập thấp. Song đến nay, khu vực triển khai dự án vẫn im lìm, cỏ dại bao phủ đầy mặt bằng dự án.

Cách Khu dân cư Nguyên Sơn hơn 10 km, Dự án nhà ở xã hội MR1 thuộc Khu dân cư Tân Thuận Tây (quận 7) cũng trong tình trạng “đắp chiếu”. Ngày 30/8/2022, dự án này được Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp cùng Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Xuân Mai Sài Gòn làm lễ động thổ trên khu đất rộng 7.000 m2, cung cấp 712 căn hộ cho 1.400 người lao động có thu nhập trung bình với đầy đủ tiện ích. Nhưng động thổ xong thì dự án không triển khai gì thêm.

Tương tự, tại dự án số 23 đường Lý Tự Trọng (quận 1, đối diện Bệnh viện Nhi Đồng 1), một hàng rào tôn cao lút đầu người quây kín dự án bên trong, chỉ có một lối vào, bên ngoài để bảng bãi giữ xe. Bên trong, hàng chục chiếc ô tô đậu kín, dạng giữ xe tháng, không có dấu hiệu gì để nhận biết đây là một dự án nhà ở hay công trình xây dựng.

Hầu hết các dự án nhà ở xã hội khởi công xong để đó là do pháp lý chưa hoàn chỉnh, chủ yếu chủ đầu tư khởi công để lấy ngày, sau đó sẽ hoàn thiện thủ tục để thi công.

Dự án nhà ở xã hội số 350 đường Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình) cũng quây tôn kín mít, im lìm không động tĩnh. Khi có người hỏi thăm về dự án, những người dân sống gần đó cho biết: “Chủ đầu tư khởi công rồi để đó chứ chẳng làm gì hết. Thậm chí, mấy tháng trước còn có một nhóm người dân đã đóng tiền mua căn hộ tới đây kiện cáo để đòi nhà”.

Vì đâu nên nỗi?

Là doanh nghiệp rất tâm huyết trong việc phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành cho biết, hầu hết các dự án khởi công xong để đó là do pháp lý chưa hoàn chỉnh, chủ yếu là “khởi công để lấy ngày”, sau đó sẽ hoàn thiện thủ tục để thi công.

Theo ông Nghĩa, từ đầu năm 2022 đến nay, chính quyền TP.HCM đã tạo điều kiện để dự án có thể triển khai, song trên thực tế vẫn còn vướng ở một số sở, ngành.

Cụ thể, theo hướng dẫn mới nhất của thành phố thì thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội có ba bước. Sau khi thực hiện bước một là đánh giá sơ bộ điều kiện cơ bản như phù hợp quy hoạch, pháp lý đất đai, Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện bước hai là tham mưu UBND Thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, sở này cho rằng, chủ trương đầu tư được chấp thuận trước khi điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 là không phù hợp với Luật Đầu tư. Vì vậy, các dự án bị tắc ở đây nên không thể làm tiếp bước ba là lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Chưa kể, vấn đề chi phí cũng là một rào cản lớn đối với các chủ đầu tư. Làm nhà ở xã hội chỉ lãi 10%, nhưng thời gian làm mất khoảng 5 năm, như vậy mỗi năm lợi nhuận chỉ có 2%. Con số lợi nhuận này thua xa tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng.

“Đáng nói là khi chúng tôi đang làm thì bị thanh tra, kiểm tra liên tục. Làm nhà ở xã hội như “mua dây buộc mình”, các doanh nghiệp khác thấy vậy sợ quá nên từ bỏ ngay ý định làm nhà ở xã hội, có đơn vị đang làm dở cũng đành bỏ bê”, ông Nghĩa bức xúc và cho biết thêm, việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cơ quan quản lý nhà nước đã nói từ lâu, nhưng chưa có văn bản nào ban hành cụ thể. “Doanh nghiệp cần cụ thể, cần có quyết định số mấy, văn bản nào?”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Thực tế, câu chuyện gặp khó của doanh nghiệp làm nhà ở xã hội không phải là mới, nhưng mãi vẫn chưa giải quyết được. Ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ thể hiện sự quan tâm rất lớn, các địa phương cũng đang thúc doanh nghiệp làm.

Chia sẻ về vấn đề này tại Hội nghị tổng kết của Sở Xây dựng TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cũng thốt lên rằng: “Bị vướng rất nhiều”. Theo đó, ông Cường yêu cầu Sở Xây dựng đánh giá lại các hạn chế, vướng mắc để giải quyết dứt điểm, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, chỉ tiêu năm 2023.

Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, qua rà soát, năm 2022 có 18 dự án gặp vướng mắc, đang được giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng.

Đó là những vướng mắc về xác định hệ số điều chỉnh giá đất để bồi thường, tái định cư (cư xá Thanh Đa); đang thực hiện thủ tục giao đất (dự án 350 - Hoàng Văn Thụ); xem xét phương án phê duyệt bồi thường bổ sung (dự án 23 - Lý Tự Trọng); rà soát điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất (nhà ở cho công nhân KCN Tân Bình)…

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, Sở Xây dựng kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM giao Văn phòng UBND Thành phố đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là kiến nghị kịp thời với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản hướng dẫn thực hiện một số vấn đề liên quan đến ngành quản lý để gỡ vướng cho các dự án.

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vuong-tu-be-nhieu-du-an-nha-o-xa-hoi-tai-tphcm-bat-dong-a206968.html