Hoa Lâm Group được thành lập vào năm 1999 và gắn liền với thương hiệu xe máy Kymco, chịu trách nhiệm phát triển dòng xe này tại Việt Nam.
Tập đoàn này còn hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác như: Bất động sản, y tế và tài chính ngân hàng với đơn vị nổi bật là Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank).
Hoa Lâm được biết đến rộng rãi là cơ nghiệp của vợ chồng doanh nhân Trần Thị Lâm - Dương Ngọc Hòa, 1 trong 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam. Bà Trần Thị Lâm thậm chí còn từng là một trong 50 người phụ nữ có tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam, theo bình chọn của Forbes năm 2019.
Năm 2006, bà Trần Thị Lâm - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm quyết định lấn sân sang tài chính ngân hàng và trở thành người đầu tiên khôi phục và sáng lập Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank).
Tại ngân hàng Vietbank, con trai bà Trần Thị Lâm là ông Dương Nhất Nguyên đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, trước đây vị trí này do chồng bà Lâm là ông Dương Ngọc Hòa đảm nhiệm.
Theo báo cáo quản trị năm 2021, nhóm cổ đông gia đình Chủ tịch Vietbank và tổ chức liên quan đang nắm giữ 15,9% tỷ lệ sở hữu ở ngân hàng này. Điểm đáng chú ý là Vietbank hiện là nhà băng cấp tín dụng cho Tập đoàn Hoa Lâm.
Chẳng hạn, Tập đoàn Hoa Lâm thế chấp toàn bộ vốn góp ở Công ty CP phát triển đô thị Đông Dương trị giá 202,9 tỷ đồng tại Vietbank Chi nhánh TP. HCM.
Trên trục đường Tôn Đức Thắng, Tập đoàn Hoa Lâm cuối năm 2017 cũng thế chấp hợp đồng hợp tác kinh doanh dự án 4B Tôn Đức Thắng cho Vietbank TP.HCM, với giá trị tài sản thế chấp 184,4 tỷ đồng.
Các dự án trọng điểm của Hoa Lâm được triển khai các năm gần đây cũng nhận được sự tài trợ tín dụng dồi dào từ Vietbank, như tổ hợp Hoa Lâm Shangri La, dự án The Marq hay Kingdom 101.
Theo thông tin trên tờ Doanh nghiệp thương hiệu, từ tháng 7/2020 đến 12/2021, nhiều pháp nhân cùng nhóm Hoa Lâm Group đã huy động vốn qua kênh trái phiếu, gồm: Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích Lô Đỏ (ngày 25/8/2020 phát hành 738 tỷ đồng); Công ty TNHH Điền Phát Land (tháng 7/2020 huy động 770 tỷ đồng), Công ty TNHH Hướng Dương Holdings (tháng 8/2020 phát hành thành công 750 tỷ đồng), Công ty TNHH Hoa Thanh Long (tháng 12/2020 phát hành 477 tỷ đồng).
Tổng giá trị các lô trái phiếu là 4.413 tỷ đồng và không bất ngờ khi tất cả các lô trái phiếu này đều được “ông bầu” Vietbank thu xếp phát hành.
Dù vậy, tại thời điểm 31/12/2022, nợ xấu của Vietbank tăng 26% so với đầu năm lên 2.324 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng vẫn duy trì ở mức cao với 3,65%. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn đã tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2021 lên 1.814 tỷ đồng.
Hiện pháp nhân lõi của Hoa Lâm Group là Công ty CP Đầu tư Phát triển Hoa Lâm (gọi tắt là Tập đoàn Hoa Lâm). Thời điểm cuối năm 2015, vốn điều lệ của Tập đoàn Hoa Lâm là 650 tỷ đồng (tăng 150 tỷ đồng so với thời điểm liền kề trước đó). Tuy nhiên, tuy nhiên từ năm 2018, doanh nghiệp rơi vào cảnh tăng giảm vốn điều lệ.
Cụ thể, tháng 3/2018, vốn điều lệ doanh nghiệp giảm xuống 193,72 tỷ đồng; tháng 7/2018 lại tăng lên 603,72 tỷ đồng, và chỉ 2 tuần sau lại giảm xuống 162,372 tỷ đồng. Tháng 8/2018, vốn điều lệ tăng lên 503,52 tỷ đồng nhưng chỉ hơn 10 ngày sau lại rơi xuống 300 tỷ đồng.
Về tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính năm 2020 cho thấy, doanh thu thuần Hoa Lâm Group đạt 39,8 tỷ đồng. Lãi ròng 12,2 tỷ đồng, tăng 37,7%.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 1091 tỷ đồng tăng 5,1%. Vốn chủ sở hữu 404 tỷ đồng, tăng 3%.
Năm 2019, nợ phải trả của Hoa Lâm giảm xuống 643 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu “nhích” nhẹ lên 392 tỷ đồng. Đến 2020, nợ phải trả lại tăng lên 686 tỷ đồng, song nhờ vốn chủ sở hữu cũng tăng lên 404 tỷ đồng, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần như được giữ nguyên.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/soi-suc-khoe-tai-chinh-cua-tap-doan-hoa-lam-a207203.html